Để thực hiện chiến lược xây dựng cánh đồng lớn (CĐL), tỉnh Đồng Nai đang yêu cầu các doanh nghiệp có vốn nhà nước tích cực tham gia như: Tổng Công ty Tín Nghĩa, Công ty Donafood...
|
Nông dân Vũ Duy Trang (ấp 2, xã An Viễn) bên vườn điều ghép 1,5ha. |
Hối hả khởi động
Theo đại diện Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, hiện công ty đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất chocolate; xây dựng phòng nghiên cứu các dòng sản phẩm mới như: Nấm ca cao, phân hữu cơ làm từ vỏ ca cao, sản phẩm ca cao 3 trong 1, siro… nhằm tăng hiệu quả sử dụng sản phẩm. Hiện công ty đã ký hợp đồng tiêu thụ với 300 hộ nông dân trong dự án. Để phát triển thương hiệu chocolate, công ty ký kết hợp đồng với doanh nghiệp của Nhật Bản, cũng như sẽ xuất khẩu sang thị trường Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan 40 tấn trái tươi/năm.
Ông Đặng Trường Khanh - Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức cho biết thêm, công ty đã thực hiện liên kết với nông dân để trồng ca cao từ chục năm qua, nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc phân chia đồng đều trách nhiệm giữa nông dân và công ty.
Trong khi đó, với Dự án CĐL liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mía trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, Nhà máy Đường Biên Hòa - Trị An đã triển khai trồng mía tại khu vực Núi Cậu, Hóc Lai và Bàu Lớn (xã Trị An) với diện tích 52,8ha. Nhà máy cũng cung ứng 100% giống mía cho nông dân tham gia dự án với các loại giống như: K95-84, K2000… và cải tạo 410m mương tiêu thoát nước. Do được tưới tiêu hợp lý nên năng suất của cánh đồng ước đạt trên 100 tấn/ha, trong khi các vùng trồng mía khác trong khu vực, do không chủ động thủy lợi nên năng suất ước đạt khoảng 60 tấn/ha...
Chuỗi liên kết vẫn mong manh
Đánh giá về các đơn vị đang thực hiện Dự án CĐL trên địa bàn, ông Phan Minh Báu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai cho rằng, với Dự án CĐL cây mía và ca cao, doanh nghiệp đủ năng lực và quyết tâm tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, với Dự án CĐL cây điều và cà phê 4C thì đơn vị tham gia còn những khó khăn nhất định do chưa đủ năng lực tài chính để triển khai dự án và thu mua sản phẩm cho nông dân.
Bốn “ông lớn” đang thực hiện Dự án CĐL của tỉnh Đồng Nai (Donafood) gồm: Công ty Chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai với Dự án CĐL liên kết cây điều tại xã An Viễn (huyện Trảng Bom); Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (Dự án CĐL ca cao tại các huyện Thống Nhất, Định Quán và Tân Phú); Nhà máy Đường Biên Hòa - Trị An (Dự án CĐL cây mía tại huyện Vĩnh Cửu); Tổng Công ty Tín Nghĩa (Dự án CĐL cây cà phê 4C tại các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và Tân Phú).
|
Cũng theo ông Báu, các dự án CĐL bước đầu đã cho thấy những tác động tích cực trong việc hỗ trợ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của nông dân, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, là cơ sở để nhân rộng các mô hình trong giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, theo ông Khanh, chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân hiện rất dễ bị phá vỡ khi vẫn xảy ra tình trạng bẻ kèo. Ví dụ như Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức có chính sách đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định, nhưng khi có doanh nghiệp khác chào giá mua cao hơn thì nông dân vẫn phá hợp đồng.