Xây dựng nông thôn mới: Quan trọng là chất lượng
09:31 - 31/10/2015
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khẳng định như vậy sau gần 5 năm cả nước thực hiện việc đổi mới nông thôn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: VGP/Thành Chung

Tới nay, cả nước đã có 10 huyện và 1.132 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 12,7% tổng số xã trên cả nước. Dự kiến, đến cuối năm 2015, có khoảng 1.500 xã đạt chuẩn, chiếm 16,8%.

Những kết quả đạt được và kế hoạch thực hiện Chương trình trong những năm tiếp theo vừa được ông Trần Thanh Nam chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ.

Thưa ông, hết năm nay, cả nước sẽ không hoàn thành chỉ tiêu 20% tổng số xã trở thành nông thôn mới. Nhưng có thể chắc chắn về chất lượng ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới về tính bền vững và độ đồng đều không?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Năm nay, chúng ta sẽ không hoàn thành được chỉ tiêu 20% số xã của cả nước được công nhận nông thôn mới. Mặc dù số xã sắp hoàn thành 19 tiêu chí chiếm tỉ lệ không nhỏ (khoảng 16% - PV) nhưng những tiêu chí còn lại đều là những tiêu chí khó, cần nhiều nguồn lực đầu tư hơn nữa. Nếu các địa phương nỗ lực, cả nước có thể đạt 16,8% vào cuối năm.

Tuy nhiên, Chương trình này không phụ thuộc vào số liệu mà phụ thuộc vào chất lượng. Chất lượng ở đây là nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp, được người dân nông thôn và toàn xã hội đồng tình vì Chương trình phục vụ chính lợi ích của nhân dân. Hiện cả nước có hơn 20.000 mô hình sản xuất có hiệu quả, tăng 20% so với 2011, thu nhập cư dân nông thôn cũng tăng 1,9 lần.

Thứ hai, xây dựng nông thôn mới không phải tới 2015 hay 2020 sẽ kết thúc mà là quá trình tiếp tục vận động theo sự phát triển để đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần của người dân. Nông thôn mới đã được chính quyền và người dân thấy rõ là xu hướng phát triển của xã hội. Ban chỉ đạo cũng đã yêu cầu chính quyền các cấp phải nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Do vậy, tới nay, tính đồng đều và bền vững của Chương trình có ở các xã đạt chuẩn nhưng tất cả chỉ là mở đầu, phải tiếp tục làm nữa.

Ở đây cũng phải nhắc tới vai trò rất quan trọng của Nhà nước trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản, hỗ trợ đầu tư khoa học-công nghệ vào sản xuất để giảm chi phí, nâng cao chất lượng và sự cạnh tranh của hàng hóa, giúp thu nhập, đời sống của người dân thực sự bền vững.

Như vậy có trường hợp sửa đổi, nâng cao chất lượng tiêu chí ở những giai đoạn thích hợp?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Đúng vậy. Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Vũ Văn Ninh đã nêu rõ, các xã đạt chuẩn nông thôn mới hiện nay chỉ là chuẩn của giai đoạn 2011-2015, chứ không phải là mãi mãi. Trong việc nâng tiêu chí, chỉ tiêu thì phải đáp ứng yêu cầu của người dân về đời sống, cơ sở hạ tầng. Có huyện còn 1, 2 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới thì phải tiếp tục phấn đấu. Có xã đạt 100% tiêu chí nhưng vẫn phải tiếp tục đi lên. Ví dụ về môi trường, có xã đã đạt việc thu gom rác, nhưng xã đó cùng với huyện và các xã xung quanh phải tiến tới việc xử lý rác thải.

Đối với các xã đã hoàn thành tiêu chuẩn nông thôn mới thì sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ như thế nào để nâng cao chất lượng tiêu chí?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Ban chỉ đạo chưa đặt ra vấn đề này một cách cụ thể nhưng xu hướng ngân sách Trung ương chỉ tập trung cho xã nghèo, đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, bãi ngang có thể gấp 3 hoặc 4 lần các xã bình thường. Còn ngân sách địa phương sẽ tập trung bố trí cho các xã đã đạt chuẩn giai đoạn 2011-2015. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục vận động nguồn lực từ xã hội để nâng cao chất lượng nông thôn mới trên sự hướng dẫn tiếp theo của Trung ương.

Vai trò nguồn vốn Nhà nước trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới sắp tới là như thế nào?

 

Sai phạm trong lạm thu: Trách nhiệm xử lý trực tiếp của địa phương

Trong buổi họp báo của Chính phủ tối 29/10, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xử lý tình trạng lạm thu để xây dựng nông thôn mới ở các xã của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết nếu liên quan đến các khoản thu về phí, lệ phí, các khoản đóng góp của người dân sai quy định thì trước hết đây là trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cho chính quyền cấp dưới. Trước hết là huyện có trách nhiệm, sau đó là đến tỉnh, thành phố, cụ thể ở đây là Hà Tĩnh sẽ phải có trách nhiệm rà soát lại xem các khoản thu đó có đúng với quy định của pháp luật về phí, lệ phí hay không, nếu không đúng quy định thì phải dừng thu và chấm dứt việc thu này.

Đối với Bộ Tài chính, với trách nhiệm quản lý Nhà nước về thu ngân sách, về các khoản thu, sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thu phí trên phạm vi cả nước. Hằng năm, Bộ Tài chính có xây dựng các kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phí ở một số địa phương trong cả nước cũng như một số bộ, ngành. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính cũng có thể thanh tra nhưng trước hết đây là trách nhiệm của chính quyền trên địa bàn và có thông tin lên các cơ quan, trong đó có Bộ Tài chính.
 
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Ngân sách Nhà nước chỉ giữ vai trò hỗ trợ, cái chính vẫn là phát huy nguồn lực của người dân, xã hội. Giai đoạn vừa qua, cả nước đã huy động được 851.874 tỉ đồng. Trong 5 năm tới, cả nước phải cần 1 triệu tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 120.000 tỉ, ngân sách địa phương khoảng 130.000 tỉ đồng thì cả nước mới đạt được 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Còn nếu với mức chi như vừa qua thì tới cuối năm 2020, theo tính toán sẽ chỉ đạt 35% tổng số xã.

Người dân càng ngày càng hiểu rõ lợi ích của Chương trình để chủ động tham gia nên ngân sách sẽ là cú hích cho Chương trình. Các nước khác cũng thế, như Hàn Quốc, họ làm nông thôn mới nhưng nhà nước chỉ hỗ trợ tiền đầu tư hạ tầng là chính.

Ông có lo ngại việc không có đủ tiền thì dân sẽ không mặn mà làm nông thôn mới?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Thiếu nguồn lực thì sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của chương trình. Vì vừa qua, 63% tổng nguồn vốn cho nông thôn mới là tiền từ tín dụng và từ dân đóng góp. Không có nguồn lực của Nhà nước làm vốn mồi thì tốc độ thực hiện chậm đi thôi. Như tôi đã nói, ta không đạt chỉ tiêu vì nhiều chỉ tiêu, tiêu chí về hạ tầng rất khó, cần nhiều vốn mà không bố trí đủ, nhất là các xã ở các tỉnh miền núi.

Có ý kiến cho rằng, trước mắt, xây dựng nông thôn mới chỉ cần tập trung cho trường học, bệnh viện, hạ tầng phục vụ sản xuất, chưa cần thiết phải đầu tư cho các cơ sở văn hóa? Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam:  Nông thôn mới thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu đi lại, làm ăn thuận lợi cho dân, giúp dân thụ hưởng phúc lợi xã hội về học tập, khám chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Thực tiễn có nơi đời sống còn khó khăn thì chính quyền địa phương tập trung đầu tư nâng cao sản xuất, khi đời sống vật chất đủ rồi thì tiếp tục quan tâm tới các thiết chế văn hóa. Và thực tế cũng có địa phương ở vùng cao, không xây dựng nhà văn hóa to đẹp ở trung tâm xã mà chỉ dựng nhà cộng đồng bằng tôn ở thôn, bản để phục vụ nhu cầu tụ họp cho bà con, để dành tiền đầu tư hạ tầng giao thông. Đó là những cách làm hợp lý.

Việc sửa đổi, bổ sung tiêu chí xây dựng nông thôn mới sắp tới sẽ như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Qua thực tiễn 5 năm qua, chính quyền địa phương đã đề nghị Ban chỉ đạo sửa đổi và đó là chính đáng. Chúng tôi đã thống nhất và tiếp tục thảo luận việc sửa đổi theo hướng đưa ra tiêu chí cơ bản hướng dẫn địa phương tập trung làm. Còn với các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể thì chúng tôi giao cho địa phương sửa đổi cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội dựa trên sự thống nhất với các bộ, ngành Trung ương. Nhưng tôi nhấn mạnh là việc sửa đổi này không làm giảm chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Việc này cũng giúp các xã sớm đạt được nông thôn mới trong giai đoạn tới nhưng cái chính là sẽ góp phần tiết kiệm tiền của Nhà nước, công sức của nhân dân.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Chính Phủ
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo