Nhiều năm qua, người dân vùng “rốn lũ” Hương Khê (Hà Tĩnh) luôn sống trong thấp thỏm, lo âu khi đi qua những cây cầu dân sinh bị mục nát, xuống cấp trầm trọng.
Chỉ cần một trận lũ lớn, các cây cầu này có thể bị cuốn bất cứ lúc nào.
|
Việc người và tài sản bị rơi xuống sông khi đi qua cầu không phải là chuyện hiếm |
Đợt lũ vừa qua, hàng trăm người dân thôn Hương Yên (xã Lộc Yên, huyện Hương Khê) bị cô lập gần 10 ngày vì cầu tràn bắc qua sông Ngàn Sâu bị ngập lụt. Cuộc sống người dân bị đảo lộn, nhiều người phải liều mình đi qua cầu còn mấp mé nước “tiếp tế” gạo và thức ăn cho gia đình.
“Nếu tính cả năm thì người dân vùng Hương Yên này không biết phải “sống treo” bao nhiêu ngày nữa bởi hễ trời mưa là cây cầu bắc qua sông bị ngập. Do cầu có nhiều “chứng tích” của những vụ rơi xuống sông lại không có thành lan can bảo vệ nên nước chưa rút thì không ai dám đi qua”, anh Nguyễn Đình Cảnh, người dân thôn Hương Yên cho biết.
Hẳn người dân Lộc Yên vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ tai nạn cách đây chưa lâu của mẹ con chị Nguyễn Thị Sâm (SN 1974) khi đi qua cây cầu này. Đó là vào ngày 22/7, chị Sâm chở đứa con gái 3 tháng tuổi đi tiêm phòng. Do trận mưa lớn tối hôm qua cùng với việc Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả lũ khiến mực nước trên sông Ngàn Sâu tăng nhanh và tràn qua cây cầu bắc qua sông.
Khi đi đến giữa cầu, cả ba mẹ con cùng chiếc xe máy bị rơi xuống sông. Nghe tiếng kêu cứu, người dân xung quanh liền chạy ra cứu được chị Sâm và con gái, còn em Đinh Văn Sơn (học sinh lớp 11) bị nước cuốn mất tích. Hai ngày sau, người thân mới tìm thấy thi thể em.
Được biết, cầu tràn Hương Yên được xây dựng từ năm 1999 do không được tu sửa nâng cấp nhiều cùng với mưa lũ triền miên khiến cầu bị xuống cấp trầm trọng. Những trụ cầu đã bị xiêu vẹo theo dòng nước, một số dầm cầu chệch ra khỏi vị trí, đoạn giữa sông bị sụt khiến chiếc cầu bị oằn xuống theo hình chữ C. Hầu như năm nào cũng có người hoặc trâu bò bị rơi xuống sông khi đi qua cầu.
Ông Nguyễn Chí Thiên, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Yên cho hay: “Cầu tràn Hương Yên là con đường độc đạo của hàng trăm nhân khẩu tại thôn Hương Yên, đặc biệt, có trên 50 em học sinh hằng ngày phải đi qua chiếc cầu này để đến trường. Ngoài ra, hơn 1.000 người dân ở các xóm khác như Hưng Yên, Yên Bình, Hương Giang… cũng đi qua chiếc cầu này sang bên kia sông mưu sinh”.
Cũng theo ông Thiên, thôn Hương Yên hiện có 108 hộ dân với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã. Cứ trời mưa to khoảng vài ba tiếng là cây cầu bắc qua sông để người dân đi lại bị ngập. Tính ra một năm, cây cầu này không biết bao nhiêu lần bị ngập, ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là việc học tập của con em. Nhiều gia đình có điều kiện đã chuyển đi nơi khác sinh sống để đỡ vất vả hơn.
“Sau nhiều lần kiến nghị và những đợt khảo sát của cơ quan chức năng thì vừa rồi cầu tràn Hương Yên đã lọt vào danh mục các dự án trung hạn đến năm 2020. Tuy nhiên, chính quyền cũng như người dân xã Lộc Yên rất mong dự án sớm được triển khai để ổn định đời sống cho người dân, nhất là mùa mưa lũ”, ông Thiên chia sẻ thêm.
Cũng trong năm nay, tại tràn Khe Trồ đi qua thôn Phú Lâm (xã Phú Gia) nước lũ cuốn trôi 3 người trong một gia đình khi đi qua cầu. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Hương Khê hiện có rất nhiều cầu treo, cầu sắt đã xuống cấp trầm trọng. Toàn huyện có 22 xã, thị trấn thì có đến 18 xã bị chia cắt bởi các con sông Ngàn Sâu, Sông Tiêm, Rào Trổ…
Để giao lưu buôn bán, sinh hoạt với bên ngoài người dân buộc phải qua sông, qua đò, đi qua các cầu tạm, cầu treo… Việc người và tài sản bị nước cuốn trôi khi đi qua cầu dân sinh đối với người dân vùng rốn lũ Hương Khê không phải là chuyện hiếm. “Vẫn biết là rất nguy hiểm nhưng không còn con đường nào khác cũng đành liều mà đi thôi”, một người dân cho hay.
Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê chia sẻ:
"Những cầu dân sinh đã xuống cấp, gây nguy hiểm đối với người qua lại, huyện đã đề xuất tại các cuộc họp ở tỉnh. Hiện tại đã có một số cầu đã được đầu tư như cầu Hà Linh (xã Hà Linh), cầu Phương Mỹ (xã Phương Mỹ), cầu Tân Dừa (xã Hương Trạch)…
Tuy nhiên, còn có những cầu đã xuống cấp như cầu treo Hương Giang nối liền thị trấn Hương Khê với Lộc Yên, Hương Thủy có mức đầu tư lớn nhưng do kinh phí của huyện còn khó khăn nên rất mong cấp trên quan tâm hỗ trợ để xây mới, sửa chữa”.
|