Liên kết sản xuất giống còn lỏng lẻo
14:18 - 01/11/2017
Năm 2017 là năm đầu tiên tỉnh Bình Định xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) thực hiện liên kết chuỗi SX và tiêu thụ sản phẩm giữa Cty CP TCty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) và HTXNN Phước Hưng (huyện Tuy Phước).

Hiệu quả SX mà CĐL mang đến cho nông dân thì đã thấy rõ, song vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế xuất phát từ sự phá vỡ mối liên kết...

ThaiBinh Seed thu mua lúa giống tại HTXNN Phước Hưng

Dự án CĐL SX lúa giống BC15 trên diện tích 100ha với sự tham gia 450 nông dân. Theo ông Trần Tăng Long, Giám đốc HTXNN Phước Hưng, công tác tổ chức, điều hành SX, bảo vệ cây trồng và thu mua sản phẩm đã được ThaiBinh Seed và HTX phối hợp triển khai chặt chẽ. Kết thúc 2 vụ SX (vụ ĐX 2016 - 2017 và vụ thu 2017), HTX đã xuất bán cho ThaiBinh Seed được 675.840kg lúa, tổng doanh thu đạt trên 5,35 tỷ đồng; trong đó các hộ nông dân tham gia dự án có doanh thu hơn 5 tỷ, phần còn lại là của HTX.

Ông Trần Tăng Long khẳng định, qua thực hiện dự án, HTX có điều kiện nâng cao trình độ tổ chức SX; hình thành vùng SX hàng hóa tập trung quy mô lớn, nâng cao giá trị SX. Đặc biệt là hộ nông dân tham gia không phải lo về đầu ra sản phẩm, thu nhập cao hơn gấp 1,3 lần so với SX lúa thịt.

“Tham gia mô hình, nông dân không chỉ có lợi nhuận cao hơn, mà còn tiếp cận được với nguồn giống có năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, trình độ canh tác lúa của nông dân được nâng cao thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, áp dụng TBKT vào SX, giảm mật độ gieo sạ, áp dụng "3 giảm 3 tăng"… do ThaiBinh Seed chuyển giao”, ông Long khẳng định.

Tuy vậy, thực tế cho thấy mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong CĐL vẫn chưa được chặt chẽ.

Khi thực hiện dự án CĐL, nông dân tham gia đã ký kết với HTX và doanh nghiệp trong việc thực hiện liên kết chuỗi từ SX đến tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều hộ đã không tuân thủ hợp đồng, lén lút bán sản phẩm cho thương lái bên ngoài, hoặc chỉ bán “nhín” cho doanh nghiệp số lượng lúa ít hơn thu hoạch thực tế, nên lượng lúa giống doanh nghiệp thu mua được không đảm bảo kế hoạch.

Ông Bùi Duy Hậu, Phó Giám đốc Cty CP Giống cây trồng miền Trung - Tây Nguyên thuộc ThaiBinh Seed cho biết: “Chúng tôi cho nông dân mượn lúa giống gốc để SX, hướng dẫn chuyển giao quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, ngâm ủ, sạ hàng đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, khử lẫn và bao tiêu 100% sản phẩm với giá cao hơn 1,3 lần so với giá lúa thịt tại thời điểm. Tuy nhiên, lượng lúa giống chúng tôi thu mua được quá ít so với thực tế”.

Cánh đồng SX lúa giống BC15 tại HTXNN Phước Hưng

Ông Hậu tính toán, năng suất bình quân của CĐL đạt 73,5 tạ/ha, nhưng vụ ĐX 2016 - 2017 doanh nghiệp chỉ thu mua được có 411.360kg, tương đương với năng suất lúa đạt 41 tạ/ha; vụ hè thu mua được 264.480kg, tương đương năng suất lúa đạt 26 tạ/ha. “Do hợp đồng SX và thu mua sản phẩm giữa Cty và HTXNN Phước Hưng bị phá vỡ, dẫn tới hoạt động SXKD của Cty bị ảnh hưởng”, ông Hậu nói.

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, HTXNN Phước Hưng cần phải nhanh chóng khắc phục hạn chế nói trên để thắt chặt mối liên kết nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả nông dân và doanh nghiệp, không tạo tiền lệ xấu cho việc thực hiện liên kết chuỗi trong SXNN.

“Chúng tôi đã làm việc với các địa phương và TCty CP Giống cây trồng Thái Bình bàn giải pháp duy trì và mở rộng CĐL SX lúa tại huyện Tuy Phước trong năm 2018, đi đến thống nhất là tiếp tục duy trì diện tích CĐL SX lúa tại xã Phước Hưng và xây dựng thêm 1 CĐL tại xã Phước Sơn theo phương thức liên kết chuỗi. Để thắt chặt mối liên kết, chính quyền địa phương và HTXNN phải tích cực vận động hộ nông dân tham gia phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng SX và tiêu thụ sản phẩm”, ông Đào Văn Hùng.


AN NHÂN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo