Dù có truyền thống hơn 100 năm nhưng làng nghề đóng tàu gỗ ở phường Ninh Hải, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang đứng trước nguy cơ biến mất khi hiện nay các cơ sở gặp vô vàn khó khăn từ vốn, nguyên liệu cho tới nguồn hàng.
E rằng, một ngày không xa, làng đóng tàu gỗ nổi tiếng này chỉ còn là dĩ vãng.
Thời huy hoàng đã qua
Làng đóng tàu gỗ Ninh Hải được biết đến là cái nôi của nghề đóng tàu ở tỉnh Khánh Hòa. Tính đến nay, toàn phường Ninh Hải có 9 cơ sở đóng mới, sữa chữa tàu gỗ, chiếm 50% số lượng các cơ sở trong toàn tỉnh. Đây cũng địa phương tập trung nhiều thợ đóng tàu lành nghề, có thâm niên nhiều năm, kinh nghiệm tích lũy qua nhiều đời.
|
Hiện nay, toàn phường Ninh Hải chỉ còn 9 cơ sở đóng tàu gỗ nhưng hoạt động cầm chừng |
Thời hoàng kim nghề đóng tàu gỗ ở Ninh Hải là vào những năm 90 của thế kỷ trước. Lúc đó, nơi đây có 15 cơ sở đóng tàu gỗ hoạt động liên tục. Ngày ngày rộn ràng tiếng lóc cóc. Anh Nguyễn Văn Thường (chủ xưởng đóng tàu Năm Chấm) cho biết: “Cơ sở của tôi có từ thời ông nội đến tôi là đời thứ 3. Hồi trước công việc làm ăn tốt lắm, lúc nào cũng có việc làm cả. Nhờ vậy gia đình mới duy trì nghề đóng tàu đến tận bây giờ”.
Tại Ninh Hải, các cơ sở chủ yếu quy mô hộ gia đình nên những tàu gỗ được đóng công suất nhỏ (15 – 25 CV). Với một cơ sở đóng tàu 4 công nhân như của anh Thường thì mỗi năm hoạt động hết sức cũng chỉ có thể cho xuất xưởng 5 chiếc tàu nhỏ, đảm bảo đời sống ổn định cho công nhân cũng như giúp gia đình có một nguồn thu nhập.
“Thời gian trước, nguyên liệu gỗ đóng thuyền dễ kiếm, có thể mua được ở nhiều nơi, hơn nữa ngư trường gần bờ nhiều tôm cá nên có nhiều đơn đặt hàng. Chính vì vậy, các cơ sở đóng tàu làm ăn hiệu quả, có lãi đã đầu tư mua trang thiết bị máy móc thay thế cho hình thức đóng tàu kiểu thủ công. Kinh nghiệm lâu năm cộng với thiết bị hỗ trợ hiện đại, các cơ sở có thể đóng được những con tàu cá cỡ lớn, nhiều tàu lên đến vài trăm CV”, anh Thường nói.
Nguy cơ mai một làng nghề
Trải qua nhiều năm, ngư trường gần bờ dần khan hiếm tôm cá nên số lượng tàu cá nhỏ đóng mới cũng ít dần đi. Cũng từ đó mà đơn hàng của các cơ sở đóng tàu Ninh Hải khan hiếm. Một số cơ sở không có khả năng duy trì hoạt động trong điều kiện sản xuất èo ọt đã giải thể. Từ 15 cơ sở nay chỉ còn 9.
Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Hải cho biết: “Mỗi năm, doanh thu đóng tàu cỡ 10 tỷ đồng/cơ sở. Hiện chủ yếu sửa chữa chứ đóng mới rất ít. Bởi bây giờ hải sản gần bờ không còn, phải ra xa mới có mà đóng tàu lớn thì không đủ tiền. Số lượng tàu đóng hàng năm không được bao nhiêu, thu nhập không đủ đóng thuế nên các cơ sở giải nghệ”.
|
Để làng nghề đóng tàu nổi tiếng ở Khánh Hòa tồn tại cần có những phương án phù hợp |
Nói thêm về những khó khăn của các cơ sở đóng tàu gỗ ở Ninh Hải, anh Nguyễn Quốc Việt (chủ xưởng đóng tàu Sáu Đông) cho rằng, nghề này vô cùng bấp bênh. Tàu đóng mới chủ yếu là của các hộ gia đình, bà con quen biết nên một năm chỉ đóng 2 – 3 chiếc.
Nguyên liệu gỗ đóng tàu cũng hiếm phải mua ở nước ngoài và chủ các cơ sở phải đi vào tới cảng ở Đồng Nai mua về. Bên cạnh đó, tàu đóng mới ít, công việc không ổn định nên các thợ lành nghề đều bỏ đi tìm kiếm việc làm khác. Ông Phong chia sẻ, để có thể duy trì được nghề đóng tàu gỗ truyền thống ở Ninh Hải cần phải có những phương án phù hợp, nếu không nghề này sẽ một đi không trở lại.
“Các cơ sở đóng tàu chủ yếu nằm bên con lạch nước rất cạn, nếu đóng tàu lớn rất khó di chuyển ra biển. Do đó, địa phương rất muốn quy hoạch một địa điểm lập làng nghề đóng tàu. Ngoài ra, các cơ sở muốn tiếp cận nguồn vốn theo Nghị định 67 để mở rộng kinh doanh nhưng thủ tục rất khó, không có ai hướng dẫn cả. Nếu giải quyết được các vấn đề này thì nghề đóng tàu gỗ ở Ninh Hải mới tồn tại”, ông Phong thông tin. |