Hầu hết các làng, các xã ở nông thôn bây giờ đâu đâu cũng là những bãi rác khổng lồ. Rác tấp bên vệ đường như đống rơm đống rạ, rác tấp ở các bãi tập trung lộ thiên to như quả núi, quả đồi.
Mưa nắng đều ô nhiễm nặng nề. Ruồi bọ bay từng đám như mây, nước rỉ rả chảy ra đen như mực, mùi hôi thối xông lên lộng óc, lộng đầu...
|
Người dân đi bới rác |
Cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó, huyện Thanh Oai (Hà Nội) đang phải đối diện với một mối nguy cơ lớn về ô nhiễm môi trường khi mỗi ngày trên địa bàn phát sinh ra đều đặn khoảng 85 tấn rác sinh hoạt. Mỗi lần mà dân xung quanh bãi rác ở Xuân Sơn (TX Sơn Tây) phản đối không cho các phương tiện chuyển rác vào khu xử lý thì cả trăm ngàn người dân Thanh Oai đều như bị đảo lộn nề nếp sinh hoạt vì không có chỗ đổ rác.
Bần cùng bất đắc dĩ, rác thải tại 21 xã và thị trấn của huyện Thanh Oai phải dồn ứ, tấp đầy ở các bãi rác lộ thiên hay thậm chí vun thành từng đống, từng đống ở ngay bên cạnh đường từ liên thôn, liên xã đến liên huyện, liên tỉnh hay quốc lộ.
Dọc quốc lộ 21B chạy qua nhiều xã của huyện Thanh Oai tiếp giáp với ngã ba Quán Tròn của huyện Ứng Hòa cứ đi một quãng lại có thể dễ dàng thấy ngay một bãi rác lộ thiên. Dọc theo triền đê sông Đáy cũng không khó để thấy những “núi rác” chất bừa bãi khắp nơi.
Nhiều nơi vì người dân không thể chịu đựng được sự hôi thối cũng như sự bừa bãi của những bãi rác tự phát kiểu trên đã đem đốt nhưng nó còn gây ra ô nhiễm và độc hại hơn nhiều.
Cách xa cả cây số cũng có thể thấy những cuộn khói đen mù mịt từ các bãi đốt rác cũng như mùi của các chất độc hại cuốn theo chiều gió. Người ở gần các bãi rác tự phát có thể thường xuyên bị mất ngủ, bị nhiễm các bệnh về đường hô hấp cũng như các bệnh cơ hội khác.
Rác thải chính là hòn đá tảng ngáng trở huyện Thanh Oai trong việc hoàn thành tiêu chí môi trường cho xây dựng NTM. Dù đã có một số cố gắng như đẩy mạnh việc xã hội hóa bang cách đưa các doanh nghiệp vào đầu tư hệ thống cấp nước sạch ở các xã trên địa bàn, nâng tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh lên 100% (trong đó nước sạch là 42%) nhưng lại bị rác thải ghìm xuống, đè nặng.
Xét theo tiêu chí môi trường, cụ thể thì hệ thống xương sống trong việc thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn của huyện chưa thể đạt chuẩn. Các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường: chỉ tiêu phải hoàn thành là 100% nhưng 6 tháng trong năm 2017 chỉ đạt 40%, dự kiến cuối năm 2017 cũng chỉ đạt khoảng 50%.
Nhiều tiêu chí trong xây dựng NTM có thể dùng tiền đầu tư vào là xong nhưng riêng môi trường không thể mua được bằng tiền. Ở nhiều vùng nông thôn giờ ngoài ô nhiễm bởi rác thải sinh hoạt còn ô nhiễm bởi các rác thải nông nghiệp như phân gia súc, gia cầm, hóa chất tồn đọng, các chai lọ, bao bì thuốc BVTV vứt bừa bãi trên các cánh đồng, mương máng hay đường làng.
Trong một nỗ lực hiếm có, ở Thanh Oai có Đỗ Động gần như toàn xã đã áp dụng được việc không phải sử dụng đến thuốc trừ sâu trong nhiều năm, nhiều vụ. Bởi thế mà chưa ở đâu mà ruộng đồng lại sạch sẽ không tìm thấy các vỏ bao thuốc trừ sâu vứt bừa bãi trên đường, dưới mương máng, chưa ở đâu có các quần thể dạng ruộng lúa bờ hoa (hoa cỏ dại) kiểu sinh thái như ở Đỗ Động.
Đáng buồn là mô hình cánh đồng sạch, làng xã sạch kiểu Đỗ Động này vẫn chỉ là tự phát chứ huyện cũng như thành phố không thấy đến để học tập kinh nghiệm hay nhân rộng ra cho những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội, sinh thái tương tự áp dụng.
Thanh Oai đang dùng các biện pháp tình thế để giải quyết vấn đề lâu dài là rác thải như: Đầu tư một số điểm tập kết rác thải tại các xã, thị trấn; Bàn giao công tác thu gom, vận chuyển rác thải cho Công ty TNHH Môi trường đô thị và vệ sinh môi trường Thăng Long theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Thống kê, rà soát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.
Đề nghị TP có giải pháp để huyện tiếp tục vận chuyển rác thải đi xử lý tại các bãi rác tập trung. Nhưng huyện vẫn không có những giải pháp thật căn cơ như phân loại rác tại chỗ, xử lý tái chế rác tại chỗ để giảm thiểu áp lực đang mỗi ngày một tăng cho các bãi rác tập trung.
|