Đó là khẳng định của đại diện nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khi tham gia chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm - OCOP”. Khi quy trình sản xuất không còn là bài toán khó với người nông dân thì đầu ra của sản phẩm vẫn là điều họ không thể chủ động được. Vì vậy, muốn chương trình thành công, đầu ra của sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu.
|
Gian hàng của người Sán Chay, huyện Bình Liêu ở Hội chợ OCOP Quảng Ninh với các sản phẩm truyền thống như miến dong, lá thuốc... Nguồn ảnh: Báo Quảng Ninh. |
Loay hoay khâu tiêu thụ
Ông Lô Phúc Vân ở thôn Pắc Liềng, xã Tình Húc (huyện Bình Liêu) gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật từ nhiều năm nay, đã trải qua nhiều khó khăn, thất bại nhưng điều làm ông lo lắng nhất vẫn là làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định.
Tình Húc vốn có nhiều diện tích vườn cây ăn trái, cây dược liệu quý, thuận lợi cho nghề nuôi ong lấy mật nên ông Vân mạnh dạn đi bắt tổ ong rừng về nuôi, sau đó nhân đàn. Khi thu hoạch những dòng mật đầu tiên, ông không khỏi vui mừng khi núi rừng Tình Húc đã giúp ong sản xuất dòng mật thơm ngọt, vàng óng. Nhận thấy triển vọng lớn từ nghề này, năm 2013, ông mạnh dạn đầu tư nuôi thêm 30 tổ ong. Nhưng ông không ngờ đến việc ong có thể bỏ tổ hoặc chết do dịch bệnh. Sau hơn một năm lao đao vì ong chết, dịch bệnh, năm 2014, ông quyết định khôi phục nghề bằng việc tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do ngành chức năng tổ chức.
Bây giờ thì ông Vân đã trở thành “chuyên gia ong” thực thụ khi đã nằm lòng mọi đặc tính sinh trưởng và phát triển của ong; cách phòng trị một số bệnh ong thường gặp như: thối ấu trùng, ấu trùng túi,... Mỗi mùa hoa, ông lại di chuyển đàn ong đến các vùng để có nguồn mật chất lượng nhất. Hiện, với trên 50 đàn ong, mỗi năm ông thu trên 500 lít mật, bán với giá 300.000 - 400.000 đồng/lít, gia đình có thu vài chục triệu đồng.
Tuy vậy, điều ông Vân luôn băn khoăn là, đầu ra cho sản phẩm. Trong nhiều năm liền, ông và các hộ nuôi ong ở địa phương luôn phải phụ thuộc vào thương lái nên không tránh khỏi tình trạng bị ép giá. Từ khi tham gia chương trình OCOP với việc xây dựng thương hiệu: “Mật ong Bình Liêu”, sản phẩm được hỗ trợ thiết kế nhãn mác, lô gô nhận diện, được đưa vào hệ thống phân phối của các sản phảm OCOP Quảng Ninh nên hiệu quả tăng lên rõ rệt. Đầu năm 2017, gia đình ông và 7 hộ khác còn mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Hợp Tiến với tham vọng đưa mật ong Bình Liêu vươn xa hơn nữa trên thị trường.
Ông Vi Hồng Lâm, Chủ tịch UBND xã Tình Húc, cũng thừa nhận, đầu ra cho sản phẩm luôn là mối lo thường trực của chính quyền và nhân dân trong xã. Hiện, nghề nuôi ong mật của xã đang phát triển với trên 400 đàn ong và một hợp tác xã chuyên sản xuất mật ong đã ra đời. Từ khi tham gia kênh giới thiệu sản phẩm của OCOP, có nhãn hiệu hàng hóa, mật ong của người dân Tình Húc được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ mở rộng hơn. “Tuy nhiên, phần lớn bà con vẫn lúng túng trong khâu tiêu thụ sản phẩm, nên chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp, ngành chức năng trong việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, có như vậy mật ong Bình Liêu mới ngày càng có chỗ đứng trên thị trường”, ông Lâm nói.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh, cho rằng, phát triển sản xuất ổn định đã khó, tìm kiếm, giữ vững và mở rộng thị trường còn khó khăn hơn gấp bội, mà nếu chỉ có một mình nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thì khó có thể thực hiện được. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của chương trình OCOP thông qua các hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, lễ hội, việc tìm kiếm thị trường dễ dàng hơn nhiều.
Vực dậy doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo ông Lý Anh Dũng, Phó phòng Nghiệp vụ OCOP - Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP đã mang lại diện mạo mới cho nhiều vùng nông thôn của tỉnh, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. “Theo tôi, cái được lớn nhất của chương trình là nâng cao nhận thức, tư duy cho nông dân, từ chỗ chỉ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, tự cung tự cấp là chính, bà con đã có ý thức về sản xuất hàng hóa, nâng tầm và hệ thống hóa sản phẩm. Trước, sản phẩm đó có thể chỉ của gia đình mình, tham gia OCOP nó có thể trở thành sản phẩm của làng xã, được nhiều nơi biết đến, thậm chí còn có thể xuất khẩu. Ngoài ra, OCOP cũng góp phần vực dậy hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, do đây là lần đầu triển khai nên chương trình vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Việc chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình tại một số địa phương, sở, ngành, đơn vị chưa cụ thể, tâm huyết nên hiệu quả chưa cao; hệ thống tổ chức OCOP từ tỉnh đến huyện mới bước đầu được hình thành, nhưng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm là chủ yếu, nên khi giải quyết các nhiệm vụ phát sinh còn lúng túng; thủ tục hành chính thực hiện các khâu, nhiệm vụ quy hoạch, phê duyệt dự án, thủ tục giải ngân vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ và tiến độ bố trí vốn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã còn chậm, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, tổ chức sản xuất của các đơn vị OCOP.
Sự kết nối giữa các trung tâm, điểm bán hàng OCOP trên địa bàn tỉnh với nhau và với đơn vị sản xuất tham gia chương trình OCOP trong giới thiệu quảng bá và cung cấp sản phẩm cho thị trường chưa thường xuyên đã ảnh hưởng đến tâm lý các đơn vị sản xuất (có tư tưởng sản xuất cầm chừng, chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, hoàn thiện và đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã bao bì còn đơn giản), sản lượng các sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường; trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các HTX, doanh nghiệp, chủ cơ sở còn thấp.
Chương trình OCOP được triển khai lần đầu ở Quảng Ninh, chưa có tiền lệ, do đó sự bắt nhập của đội ngũ quản lý các cấp, nhân dân còn chậm. Bộ máy chuyên trách, chuyên nghiệp chậm được xây dựng. Nhận thức của một số lãnh đạo chính quyền các cấp và ban ngành về OCOP chưa đầy đủ, coi đây là một dự án theo cách truyền thống, từ đó có cách nhìn chưa đúng về OCOP, chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, sát sao. Trình độ, nền tảng sản xuất (khu vực nông thôn) còn thấp. Phần lớn người dân mới ở giai đoạn sản xuất vật phẩm, chưa quen thuộc với sản xuất hàng hóa, trong khi đó, còn thiếu, hoặc chưa kịp thời có sự hỗ trợ của các ngành, địa phương.
Vai trò của HTX
Từ thực tế triển khai tại địa phương, ông Dũng cho rằng, OCOP là “chương trình” mở, không đóng khuôn và chưa có tiền lệ tại Việt Nam. OCOP là phương thức phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển cộng đồng không chỉ ở vùng nông thôn mà còn cho cả khu vực đô thị thông qua việc thực hiện thúc đẩy, phát triển các tổ chức kinh tế, thông qua việc phát triển sản phẩm, dịch vụ từ nguồn lực địa phương (nguyên liệu, nhân lực, công nghệ truyền thống, văn hóa, cảnh quan,..).
Vì vậy, muốn chương trình thành công thì trong công tác lãnh đạo chỉ đạo phải đồng bộ, quyết liệt, tâm huyết song không nóng vội, phải kiên trì, bền bỉ và chỉ đạo thực hiện liên tục theo chu trình đã đề ra. Trong tổ chức thực hiện thì yêu cầu phải có tổ chức bộ máy chuyên trách để triển khai, đồng thời bộ máy phải được trao nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp để thực hiện. Lãnh đạo trong Ban Điều hành OCOP các cấp phải có đủ thẩm quyền để điều hành và quyết định công việc.
Khi triển khai OCOP cần nghiên cứu kỹ các mô hình quốc tế và khu vực như OVOP (Nhật Bản) và OTOP (Thái Lan, Đài Loan - Trung Quốc,..), học tập về nguyên tắc chứ không dập khuôn máy móc, có sự đánh giá và điểu chỉnh từng bước trong quá trình thực hiện cho phù hợp với thực tiễn kinh tế thị trường, trình độ sản xuất của địa phương.
OCOP phải được tổ chức quản lý khoa học theo hệ thống, từng khâu, từng bước thực hiện. Phải tạo được sự khởi động, thúc đẩy được sự đề xuất, tính sáng tạo từ dưới lên (từ nhân dân, nhóm hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX). Thiết lập được tính pháp lý của toàn bộ chương trình. Xây dựng được hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển HTX, hỗ trợ phát triển, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng hỗ trợ phát triển nghiên cứu, ứng dụng KHCN, công tác hướng dẫn lập và quản lý các dự án sản xuất.
“Thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm, cùng với thiết kế sản phẩm, mẫu mã bao bì, đóng gói sản phẩm là rất quan trọng. Phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng về chương trình OCOP, sản phẩm OCOP. Xây dựng được thương hiệu (hình ảnh nhãn hiệu chương trình, bảo hộ sở hữu trí tuệ, quản lý sử dụng) của chương trình và của từng sản phẩm”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Dũng, cần đặc biệt coi trọng vai trò của các hợp tác xã trong OCOP. Bởi HTX tại các địa bàn sẽ thu hút và giải quyết được lực lượng lao động tại chỗ thông qua việc tổ chức sản xuất sản phẩm, HTX trở thành chủ nhân công nghệ, sở hữu nhãn hiệu hàng hóa và tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; là tư cách pháp nhân khi làm việc với các đơn vị, tổ chức khác; tập hợp nông dân sản xuất theo quy trình công nghệ khép kín...