'Bất ổn' nơi tái định cư của thôn cách đây 1 năm bị lũ cuốn phăng
Thôn Sủng Hoảng, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai – nơi cách đây gần một năm, lũ dữ cuốn phăng tất cả. Sau lũ, 35 hộ dân đã được chuyển tới nơi cao ráo, an toàn hơn, trên mảnh đất thôn Van Hồ.
|
Nhiều người đi làm nương cả tháng mới trở về thăm gia đình |
Dẫu vậy, người dân vẫn phải vật lộn với cảnh không đường, điện lưới, nước sạch, đất sản xuất.
Cùng với đó, gánh nợ ngân hàng khiến họ chẳng thể ăn ngon, ngủ yên!
Khu tái định cư “4 không”
Nhìn từ con đường chính dẫn vào xã Phìn Ngan, khu TĐC thôn Sủng Hoảng mới như chóp của một cây nấm rơm. Thôn nhỏ nằm tít trên đỉnh một quả đồi, phía bên kia bờ suối Phìn Ngan.
Sau trận lũ tháng 8/2016, được sự quan tâm của tất cả ban, ngành, 35 hộ dân Sủng Hoảng đã có nhà mới để ở, cao ráo và an toàn hơn. Nỗi lo bị chôn vùi dưới hàng nghìn mét khối đất đá nay không còn. Nhưng ngặt nỗi, chuyển tới nơi ở mới, dù đã gần một năm, khu TĐC này vẫn được mệnh danh là “4 không”: không đường, không điện, không nước, không đất SX.
|
Những đứa trẻ nheo nhóc, hiếm khi được ở cùng bố mẹ |
Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan, anh Tẩn Láo Tả thừa nhận, tới nơi ở mới, người dân Sủng Hoảng đã an toàn hơn, nhưng đằng sau đó còn bao nỗi khó khăn, vất vả.
Thứ nhất là đường. Đường vào khu TĐC vốn tạm bợ, được xếp bằng những ống cống, vắt ngang suối Phìn Ngan. Tháng 6 vừa qua, mưa lớn, lũ về đã cuốn phăng con đường này. PV NNVN đã vào và ghi được cảnh người dân liều mình nắm đuôi trâu băng qua lũ dữ. Sau đó vài hôm, chính quyền địa phương đã dùng luồng, bắc một chiếc cầu tạm cho người dân qua lại. Đi trên chiếc cầu lắc lư, anh Tả bảo, mưa lũ nhỏ còn chịu được chứ lũ to thì cầu sắt còn bị cuốn bay nói gì…
Cũng theo anh Tả, địa phương đã thiết kế một con đường dẫn vào khu TĐC nhưng mới chỉ xong phần nền đất. Vì muốn lấy vật liệu vào thôn làm đường, phải chờ xây xong cầu. Cách đó không xa, cây cầu bê tông hiện đại dẫn vào khu TĐC do Bộ GTVT làm chủ đầu tư vẫn ngổn ngang với 2 trụ cầu chổng ngược lên trời. Vì nhiều nguyên nhân, dự án bị chậm tiến độ, cộng thêm mưa lũ liên tiếp, không biết khi nào người dân khu Sủng Hoảng hết cảnh “băng rừng, lội suối”.
Thứ 2, ở khu TĐC này có một cái lạ, dù cột điện, công tơ kéo đến sát vách từng nhà nhưng tới nay chưa hộ nào được thấy ánh sáng điện lưới. Chủ tịch xã Phìn Ngan cho biết, hệ thống điện lưới đã được ngành điện hoàn thành ngay từ đầu năm 2017. Nhưng không hiểu vì sao, 7 tháng sau người dân vẫn phải sống trong cảnh tăm tối. Câu hỏi này xin chuyển gửi ngành điện lực Lào Cai!
Thứ 3, tới nay, khu TĐC này vẫn chưa có hệ thống nước sạch để sinh hoạt. Ở trên cao, nước khe chẳng có, họ phải tận dụng từng chiếc xô nhỏ hứng nước mưa. Anh Tả cho biết, cấp trên đã phê duyệt và làm hệ thống nước sạch, dự kiến tháng 11/2017 hoàn thành. Tuy nhiên, trên thực tế có xong hay không phải chờ đến khi đó mới rõ.
|
Người dân khu TĐC Sủng Hoảng chắt chiu từng ca nước mưa để ăn |
Thứ 4, nơi ở mới là một quả đồi, cấp trọn vẹn cho 35 hộ dân với gần 180 nhân khẩu. Chia đều, mỗi hộ chỉ nhận được 150 mét vuông đất, xây xong cái nhà, sân chả có nói gì đến chăn nuôi, trồng trọt. Chính vì vậy, người dân vẫn từng ngày phải vượt suối, trở lại nương đồi ở thôn cũ, cách khoảng 3 cây số để trồng cấy. “Nương đồi ở xã bây giờ chỗ nào cũng có chủ hết rồi. Xã lại không có quỹ đất dự phòng nên không cấp mới cho họ được. Đành để họ về nơi cũ sản xuất thôi”, anh Tả giọng ngậm ngùi.
Cũng chính từ đây, nảy sinh một chuyện người dân về chốn cũ, dựng lán trồng lúa, nuôi lợn rồi gần như ở hẳn, không chịu về khu TĐC. Như hôm chúng tôi về thăm, cả thôn vắng lặng, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm. Gặp Chảo Quẩy Vảng (SN 1991) vừa đi nương về, tay lủng lẳng mấy gói bim bim, mớ rau muống về thăm vợ con. Vảng đi với Chảo Láo Tả, một tháng nay ở lại trong nương mới về nhà. “Biết là nguy hiểm, nhưng mọi người vẫn phải ở lại thôi, không làm lấy gì mà ăn, mà nuôi vợ con. Bình thường thì không sao, cứ hôm nào mưa to gió lớn, nghe tiếng nước ở suối chảy mà không ai dám ngủ. Lỡ có chuyện gì chạy cho kịp”, Vảng kể.
|
Cây cầu tạm bắc qua suối Phìn Ngan để vào khu TĐC |
Trong khi đó, Chủ tịch xã Phìn Ngan khẳng định, vẫn cho phép người dân về nương cũ sản xuất, dựng lán. Nhưng dựng chỗ nào, an toàn không, cán bộ xã phải vào kiểm tra, người dân mới được dựng.
Vay nóng trả lãi ngân hàng
Kế sinh nhai bất ổn, đời sống còn vô vàn khó khăn (100% hộ nghèo), nhưng nỗi lo lớn nhất của người dân Sủng Hoảng hiện nay là khoản nợ ngân hàng và khoản lãi hàng tháng.
Chuyển tới nơi ở mới, việc đầu tiên là dựng nhà, được hỗ trợ một phần, nhưng hầu hết họ vẫn phải đi vay ngân hàng mới đủ tiền. Mỗi nóc nhà trung bình vay từ 25 – 50 triệu đồng, lãi suất từ 0,25% năm của nhiều ngân hàng. Đó là một số tiền không nhỏ đối với những người dân vừa trắng tay sau bão lũ.
|
Hệ thống cột điện, công tơ dựng xong đã lâu nhưng điện chưa thấy |
Bản thân gia đình anh Chảo Láo Khờ, trưởng thôn cũng vay 50 triệu của ngân hàng chính sách xã hội. Anh Khờ nhẩm tính, lãi suất 5,5 nghìn đồng/triệu/tháng, như vậy mỗi tháng phải trả gần 300 nghìn đồng tiền lãi. Cũng theo anh Khờ, trong thôn có một số hộ đi vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với lãi suất 11 nghìn đồng/triệu/tháng. Nếu vay 50 triệu, mỗi tháng phải trả lãi suất đến gần 600 nghìn đồng.
Chảo Quẩy Vảng thì bảo, hai vợ chồng, nuôi thêm hai con nhỏ, mỗi vụ cũng chỉ kiếm được khoảng 30 bao thóc, đủ ăn. Gửi ông bà, mỗi tháng một lần về thăm con, tiện gom tiền ra trung tâm huyện trả lãi ngân hàng. Vảng vay 35 triệu đồng ở ngân hàng Agribank để dựng nhà. “Mỗi tháng, nhà em phải trả gần 400 nghìn tiền lãi cho ngân hàng. Nói thật với các anh, nhiều tháng em phải đi vay nóng anh em để trả. Xong vài bữa xoay xở trả lại. Số tiền nợ gốc, chắc gia đình phải chờ 2 con trâu mẹ đẻ, bán nghé mới trả được”, Vảng nói giọng buồn buồn.
Chảo Láo Tả, vay 50 triệu ở ngân hàng chính sách xã hội. Tả bảo, tháng nào cũng chạy vạy mãi mới đủ tiền để đi trả lãi. Còn khoản nợ gốc, chẳng biết khi nào mới trả được.
|
Những ngôi nhà ở khu TĐC lúc nào cũng cửa đóng, then cài |
+ Theo tìm hiểu của NNVN, tại khu TĐC mới này chỉ có 4 hộ thường xuyên ở lại sinh sống. 31 hộ còn lại đa phần về thôn cũ, dựng lán làm nương, chăn nuôi để cải thiện đời sống. Nhiều hộ 1 – 2 tháng mới trở lại khu TĐC. Có hộ khẳng định “Sẽ chuyển về thôn cũ ở hẳn vì không thể chịu nổi cảnh 4 không được nữa”.
+ Về câu chuyện vay ngân hàng, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan, Tẩn Láo Tả cho biết, những hộ này được phía ngân hàng cho thời hạn trả nợ là 5 năm. Xã cũng đang tìm cách đưa một số mô hình phát triển kinh tế để người dân có thu nhập, sớm trả nợ.
|