Thôn Thế Long, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) có trên 400 hộ với hơn 1.400 nhân khẩu. Đây là một trong những thôn có diện tích đất nông nghiệp đã nhường gần hết đất để xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN).
Thiết nghĩ với số tiền được đền bù, người dân nơi đây sẽ dung để dịch chuyển đời sống nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo nên cuộc sống mới tươi sáng hơn.
|
Dãy phòng trọ của bà Đồng Thị Huệ bỏ trống nhiều năm do không có ai thuê |
Thế nhưng thật buồn, nghề cũ không còn, nghề mới nhiều bấp bênh, cuộc sống người dân ở đây thật sự đang rơi vào bế tắc. Chúng tôi đến thăm ngôi nhà cấp 4 dài trên 50m của ông Đinh Quang Trọng 58 tuổi và bà Nguyễn Thị Kim Liên 55 tuổi, nằm sát QL1A. Ông bà cho biết, từ ngày xây 6 phòng trọ cho thuê, số người thuê chỉ 3 tháng đầu, sau đó từ năm 2014 đến nay người thuê ít dần, sau chẳng ai thuê, nhà trọ bỏ trống xuống cấp.
Qua tìm hiểu được biết, gia đình ông bà có 4 người con, khi thực hiện dự án KCN VSIP trên quê hương mình, ông bà được bồi thường 960 triệu khi chấp nhận nhường 15 sào đất sản xuất. Với lợi thế nhà sát đường, ngoài việc chia đều số tiền cho các con theo định suất, còn lại hơn 140 triệu, ông bà bán đi đàn trâu gồm 4 con để xây 6 phòng trọ, chi phí trên 200 triệu đồng với mong muốn mỗi tháng kiếm được vài triệu sinh sống.
Thế nhưng mô hình kinh doanh phòng trọ ở địa phương mọc lên khá nhiều, công nhân làm việc ở KCN sắm được xe máy nên không ở trọ mà trở về nhà sau giờ làm. Do đó, nhà trọ thường bỏ trống. Để có miếng ăn hàng ngày ông Trọng đi làm dịch vụ mài dao kéo lưu động khắp nơi, còn bà Liên thì vẫn chưa kiếm được việc làm.
Hiện khoảng 40 hộ kinh doanh nhà trọ ở thôn Thế Long hầu như đều rơi vào cảnh tương tự. Gia đình bà Đồng Thị Huệ ở xóm 1 cũng nhường 15 sào đất cho KCN, sau khi chia phần cho các con, bà cũng đầu tư trên 300 triệu đồng xây dựng 8 phòng trọ nhưng khoảng 4 năm nay hầu như không có người thuê. Cuộc sống gia đình bà hiện rất khó khăn, bản thân bà do tuổi đã cao nên cũng không xin làm việc ở đâu được.
Theo chân cán bộ thôn, chúng tôi đến gia đình ông Nguyễn Đồng 58 tuổi và bà Nguyễn Thị Hồng 54 tuổi, với 22 sào đất, sau khi nhường đất cho KCN và được nhận hơn 1,4 tỷ đồng, ông bà còn vay thêm để mua 2 chiếc xe tải trị giá 2,1 tỷ đồng vận chuyển hàng hóa. Thế nhưng kinh doanh không thuận lợi ông bà đã phải bán đổ bán tháo 2 chiếc xe, mà vẫn nợ khoảng hơn 400 triệu. Bây giờ đất thì đã nhường, nghề cũng mất, mà nợ lại chồng chất, hàng ngày bà Hường đi bán trái cây ở chợ tạm gần nhà sống đắp đổi qua ngày.
Việc đón nhận 2 dự án KCN Tịnh Phong và KCN VSIP đã được người dân thôn Thế Long hồ hởi hưởng ứng với phần lớn diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi làm dự án. Thế nhưng, hệ quả là khi các dự án đi vào sản xuất ổn định cũng là lúc người dân gánh chịu thiệt thòi. Đất ruộng bị mất, nhiều hộ loay hoay tự tìm nghề mới mưu sinh. Thế nhưng nghề mới không thành, người dân đang từng ngày gắng gượng chuyển mình trong hành trình mưu sinh khó nhọc.