Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà theo phương thức canh tác tự nhiên
16:15 - 28/12/2017
(TNNN) – Mô hình nuôi gà theo phương thức canh tác tự nhiên đòi hỏi ít chi phí, tạo ra sản phẩm thịt sạch, lợi nhuận khá cao cho nông dân, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Nhờ hiệu quả đó, mô hình đã và đang được triển khai tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Mô hình chăn nuôi gà theo phương thức canh tác tự nhiên mang lại năng suất cao

Được sự tài trợ của dự án KOICA - Hàn Quốc và Tổ chức Tầm nhìn thế giới, mô hình chăn nuôi gà bằng phương thức canh tác tự nhiên (CTTN) được triển khai tại 5 xã Triệu Sơn, Triệu Tài, Triệu Trung và Triệu Thượng, Triệu Trạch của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.


Dự án đã hỗ trợ kỹ thuật, giống gà ri thuần và nguyên liệu làm chế phẩm chăn nuôi, trị bệnh để tăng sức đề kháng cho vật nuôi như rượu, tỏi, đường... để bà con có chăn nuôi an toà trên cơ sở hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong.


Hơn 2 năm nuôi gà theo phương pháp canh tác tự nhiên, bà Mai Thị Lài, ở thôn Đồng Bào, xã Triệu Sơn nhận thấy rõ lợi ích và hiệu quả kinh tế do cách nuôi mới này mang lại. Bà Lài cho biết: “Khi đưa gà giống về tôi chủ yếu cho ăn bột bắp, đậu nành, gạo, lúa.  Sau một thời gian khi gà lớn lên thì chuyển sang cho gà ăn ốc, bèo, rau xanh, tuyệt đối không dùng thức ăn công nghiệp. Để giúp gà phòng chống dịch bệnh, tôi ngâm tỏi vào rượu rồi hòa vào nước cho đàn gà uống hàng ngày. Sau 2 năm nuôi gà theo cách không kháng sinh, không chất cấm, phòng trị bệnh cho gà bằng thảo mộc, tôi thấy đàn gà lớn rất nhanh, đặc biệt là không có dịch bệnh, sản phẩm trứng, thịt được thị trường ưa chuộng, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình”.


Nuôi gà theo phương thức canh tác tự nhiên dựa trên cách chăn nuôi truyền thống nhưng có áp dụng khoa học và đầu tư thâm canh. Các loại thức ăn cho gà là lúa, cám, bột ngô… hoặc thức ăn hỗn hợp được trộn từ các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như bã đậu, bã sắn, xác mắm, cám…


Ưu điểm của các loại thức ăn hỗn hợp là có trong tự nhiên, không có chất kích thích tăng trưởng, không có thuốc kháng sinh, chất bảo quản nên có thể gọi là thức ăn sạch. Do đó, gà được nuôi theo phương pháp này cho thịt, trứng sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.


Sau 3 năm triển khai, đến nay đã có gần 200 hộ dân chủ động tham gia chăn nuôi gà bằng phương thức CTTN. Thực tế cho thấy, nuôi gà theo phương pháp này tuy đòi hỏi nhiều công chăm sóc hơn nhưng được nhiều lợi ích hơn so với phương pháp nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp. Đó là gà lớn nhanh, sản phẩm thịt gà săn chắc, thơm ngon, bán trên thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng. Do vậy, người nuôi gà sẽ thu hồi vốn nhanh hơn, khoảng sau 4 tháng nuôi có thể xuất bán gà thịt và sau 6 tháng là gà đẻ lứa đầu tiên.


Bà Nguyễn Thị Loan ở thôn Thâm Triều, xã Triệu Tài nuôi 100 con gà sau thời gian 5 tháng lãi trên 4,6 triệu đồng. Trong khi đó nuôi 100 con gà bằng thức ăn công nghiệp, thời gian nuôi có rút ngắn còn 4 tháng nhưng chỉ lãi được trên 1,7 triệu đồng.
Từ kết quả trên có thể thấy, áp dụng phương thức CTTN trong chăn nuôi sẽ cho lãi cao, ít rủi ro về bệnh tật, chất lượng sản phẩm sẽ cao hơn so với chăn nuôi có sử dụng thức ăn công nghiệp. Nếu xây dựng được thương hiệu, tìm đầu ra ổn định thì giá bán sản phẩm chăn nuôi bằng phương pháp CTTN sẽ cao hơn và người nuôi sẽ thu lợi nhuận nhiều hơn.


Ông Phan Quang Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong, cho biết: Trước những hiệu quả mà mô hình chăn nuôi gà theo phương thức CTTN đem lại, huyện đã quyết định nhân rộng mô hình ra nhiều xã.


Để làm được điều này, trước hết phòng NN-PTNT phải hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật làm chế phẩm vi sinh cũng như cách nuôi mới cho người dân. Tìm hiểu thị trường tiêu thụ để người dân có chỗ bán thịt gà sạch. Các Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với Phòng NN-PTNT tổ chức các kênh cung cấp thịt gà sạch cho thị trường trong tỉnh, đưa vào các siêu thị trên địa bàn và từng bước mở rộng ra thị trường trong nước. Có nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định chính là động lực để người dân yên tâm đầu tư chăn nuôi, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững.
 

 

Huy Hoan
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo