Trồng sầu đâu cứt chuột, cỏ "thần kỳ" trị ung thư, nông dân lãi cao
08:40 - 11/12/2017
 Vĩnh Sơn là xã miền núi của huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), độ cao từ 600 - 1.000m so với mực nước biển, điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để trồng các loại cây dược liệu quý. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định đã phối hợp với các doanh nghiệp triển khai thử nghiệm mô hình trồng giảo cổ lam và cây sầu đâu cứt chuột, bước đầu cho thấy kết quả tốt.
Cây sầu đâu cứt chuột trong y học có tên là khổ sâm. Đây là loại dược liệu quý.


Để khai thác tiềm năng đất đai và điều kiện thiên nhiên ưu đãi và tìm hướng đi mới giúp ích cho người dân phát triển kinh tế trên địa bàn xã Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Thạnh, Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với Công ty TNHH lâm trường Sông Kôn, UBND xã Vĩnh Sơn cùng các hộ gia đình thực hiện mô hình trồng cây giảo cổ lam và cây sầu đâu cứt chuột.

 

Mô hình trồng cây giảo cổ lam (còn được gọi là cây trường sinh, hay cỏ "thần kỳ"...) được thực hiện với diện tích 1ha tại làng K3, K4; mô hình trồng cây sầu đâu cứt chuột cũng có quy mô 1ha, thực hiện tại làng K8 của xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Sau gần 1 năm triển khai, diện tích trồng 2 loại dược liệu này đều sinh trưởng và phát triển tốt.

Tại hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình mới đây, các đại biểu và bà con nông dân đều nhận định cây giảo cổ lam và cây sầu đâu cứt chuột phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, sinh trưởng, phát triển tốt. Đây là hai loại cây dược liệu có tiềm năng, dễ trồng, thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cao và có thể nhân ra diện rộng.

 

Đại biểu, bà con nông dân cũng đề nghị từ mô hình này các cấp chính quyền cần có định hướng để người dân mở rộng diện tích. Đối với cơ quan chủ trì đề tài cần tăng cường hướng dẫn người dân về kỹ thuật, chăm sóc, thu hái, sơ chế, bảo quản sản phẩm, đánh giá về sâu bệnh hại, hướng dẫn phương pháp phòng trừ… và giúp người dân kết nối đầu ra tiêu thụ sản phẩm thường xuyên, ổn định.

Theo cách tính của ông Nguyễn Đình Lâm - Chủ nhiệm đề tài trồng thử nghiệm cây giảo cổ lam, kim tiền thảo ở miền núi Bình Định năm 2014 cho biết: Sau khoảng 5 tháng trồng, cây giảo cổ lam cho năng suất 2,3 kg/m2, với giá bán 14.000 đồng/kg thì mỗi ha (chỉ thực trồng 6.000m2) cho thu nhập 210 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng ngô, lúa. 

PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, Phó Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y dược Tuệ Tĩnh cho biết, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cây giảo cổ lam (hay còn được gọi là cỏ thần kỳ, ngũ diệp sâm, cây trường thọ… có nguồn gốc tự nhiên, từ vùng núi cao tỉnh Hòa Bình, phía Bắc Việt Nam. Cây này có tác dụng: hạ mỡ máu, giảm cholesterol, ngăn xơ vữa mạch máu, chống huyết khối, bình ổn huyết áp, ngừa biến chứng tim mạch não, chống lão hóa, tăng lực, tăng miễn dịch giúp dễ ngủ, giải độc gan, hạ đường huyết, ngừa biến chứng tiểu đường…

Với nhiều tác dụng, giảo cổ lam đã được chế biến thành tân dược, trà uống nước có bán rộng rãi trên thị trường.

 

Trong khi đó, về cây sầu đâu cứt chuột, ông Vũ Văn Anh - Chủ tịch Hội Đông y TP. Quảng Ngãi cho biết: Loại cây mà bà con miền Trung thường gọi là cây cứt chuột trong y học có tên gọi là khổ sâm, nha đảm tử. Đây là loại dược liệu quý chữa các bệnh đường ruột như tiêu chảy, kiết lỵ, viêm loét dạ dày- tá tràng, đau bụng, tiêu hoá kém, chữa viêm túi mật, sỏi túi mật, sỏi đường dẫn mật… Ngoài ra nó cũng có tác dụng chữa sốt rét.

Trong dân gian gọi là cây sầu đâu cứt chuột vì cây có quả, hạt nhìn rất giống cứt chuột. Hiện trên thị trường, giá bán hạt sầu đâu cứt chuột khô khoảng 160.000 - 200.000 đồng/kg tùy thời điểm. Khoảng 3kg hạt tươi sơ chế được 1kg hạt khô. 

 

Loại cây này mọc nhiều ở những khu rừng mát mẻ, ẩm ướt thích hợp khí hậu ở huyện Trà Bồng và Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi). Với đặc tính hữu dụng của mình, cả thị trường nội địa và Trung Quốc đều chuộng loại cây này.

Thực tế cho thấy, sau khoảng 1 năm trồng, cây khổ sâm đã cho thu hoạch trái. Với mật độ 5.500 cây/ha (cự ly 1,2-1,5m), bà con có thể thu được từ 800-1.000kg quả khô, doanh thu đạt khoảng 120-160 triệu đồng/ha/năm.

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo