Vợ chồng anh Đỗ Mạnh Trung, xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình có doanh thu mỗi năm 2 tỷ đồng từ mô hình làm củi trấu siêu nhiệt. Mô hình này anh Hùng tình cờ học được trong một chuyến du lịch với gia đình.
|
Anh Đỗ Văn Trung giới thiệu sản phẩm củi trấu siêu nhiệt. |
Vừa đi du lịch vừa học được nghề
Sinh năm 1984, khi ra trường với tấm bằng cử nhân kinh tế, anh Trung xin về làm công chức một xã tại huyện Kim Sơn. Trong một lần đi du lịch cùng gia đình, anh Trung đã được thăm quan mô hình làm củi trấu siêu nhiệt từ vỏ trấu tại một huyện ngoại thành Hà Nội. Rất ham thích mô hình này, anh Trung bàn với vợ xây dựng xưởng để làm củi trấu siêu nhiệt.
Cứ thứ bảy, chủ nhật, anh Trung lại lặn lội lên Hà Nội để học cách vận hành máy ép củi trấu và đi kiếm nguồn thu mua vỏ trấu. Ngày thường, ban ngày vợ chồng anh đi làm, đêm hì hụi chồng đốt máy, vợ trở trấu. Năm 2013, anh Trung bàn với vợ vay ngân hàng 200 triệu đồng, rồi mượn thêm của bạn bè để mở xưởng làm củi trấu và mua máy vận hành.
Nhưng sản phẩm củi trấu siêu nhiệt lần đầu xuất hiện ở Ninh Bình, nhiều đơn vị chỉ nhận dùng thử. Gần 30 tấn củi trấu siêu nhiệt sản xuất ra, anh Trung đành đắp kho để đấy, hoặc cho bà con mang về làm củi đốt hay bón ruộng. Chán nản vì số tiền bỏ ra lớn, sản phẩm không được chấp nhận, nhưng vợ chồng anh Trung vẫn quyết tâm vực dậy nghề một lần nữa.
Ngày thường đi làm, cuối tuần vợ chồng anh Trung lại đến các công ty, doanh nghiệp chào hàng, tư vấn sản phẩm. Các hợp đồng nhỏ lẻ bắt đầu về. Và "có công mài sắt, có ngày nên kim", vợ chồng anh Trung đã nhận được những hợp đồng đầu tiên với số lượng vài tấn củi trấu siêu nhiệt mỗi tháng. Anh Trung nói: "Sản phẩm củi trấu siêu nhiệt rất thân thiện với môi trường. So với củi và than thì củi trấu siêu nhiệt giảm 3 lần về giá thành".
Mình có nghề, người khác có việc
Hội viên, nông dân có nhu cầu học hỏi, tìm hiểu mô hình làm củi trấu siêu nhiệt xin liên hệ theo địa chỉ: Đỗ Văn Trung - ĐT: 0967260555, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. |
Cơ sở sản xuất củi trấu siêu nhiệt được vợ chồng anh Trung đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, vỏ trấu... lên tới gần 1 tỷ đồng. Hiện, gia đình anh đã có 2 xưởng sản xuất đi vào hoạt động với diện tích 400m2 tại 2 xã Khánh Lợi, Khánh Ninh và 1 xưởng 300m2 dự kiến khởi công tại xã Khánh Hải. Khí thải sau khi đốt vỏ trấu để ép thành củi cũng được anh Trung nghiên cứu xử lý đi qua hệ thống lọc trước khi thải ra môi trường. Vì vậy lượng khí thải rất thấp và gần như không có.
Bình quân mỗi ngày, các cơ sở của anh Trung sản xuất 2.000 – 5.000 tấn. Sản phẩm củi trấu siêu nhiệt có giá thành 2.000 đồng/kg. Mỗi năm, vợ chồng anh Trung có doanh thu hơn 2 tỷ đồng từ củi trấu siêu nhiệt. Các cơ sở sản xuất của anh Trung giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức lương từ 3-7 triệu đồng/tháng…
Anh Trung phấn khởi cho biết: “Niềm vui nhân đôi với gia đình khi sản phẩm củi trấu siêu nhiệt đã được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận là 1 trong 10 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh giai đoạn 2015 - 2017…”.
Anh Trung còn hướng dẫn cho nhiều hội viên, nông dân trong xã thăm quan và học tập mô hình của mình. Anh đã hướng dẫn và trực tiếp bao tiêu cho 3 hộ phối hợp cùng anh làm củi trấu siêu nhiệt tại huyện Kim Sơn và Yên Khánh. Anh Trung cho biết: "Trong thời gian tới, tôi sẽ xây dựng thành chuỗi liên kết bao tiêu củi trấu cho nhiều hộ gia đình. Vì sản phẩm củi trấu siêu nhiệt trên thị trường lúc nào cũng có nhu cầu. Gia đình tôi làm không đủ cung cấp, nhiều hợp đồng lớn không đủ sức làm nên sẽ hướng dẫn bà con nông dân cùng làm…". /.