(TNNN) - Thời gian gần đây, khi giá thịt lợn hơi lên xuống thất thường làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và thu nhập của người dân ở nhiều nơi trong cả nước thì việc chăn nuôi đàn lợn giống bản địa của địa phương vẫn có giá bán ra thị trường ổn định. Hiện mô hình nuôi lợn đen vẫn đang được duy trì và tiếp tục nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh.
|
Với hình thức chăn thả dân dã, việc chăn nuôi giống lợn đen địa phương đem lại hiệu quả kinh tế cao |
Việc chăn nuôi giống lợn đen địa phương đã được người dân ở nhiều nơi trong xã Tân Lập- huyện Chợ Đồn thực hiện từ lâu. Với hình thức chăn thả dân dã, lợn được bà con nuôi bằng cách tận thu từ các nguồn nguyên liệu sẵn có để làm thức ăn như: Rau, thân chuối, bã rượu, bã đậu, đỗ tương, khoai lang, khoai tây loại nhỏ...
Cũng chính nhờ việc không nuôi bằng cám tăng trọng, không dùng chất tạo nạc và kháng sinh nên chất lượng thành phẩm thịt lợn của bà con nơi đây khi so sánh thấy ngon hơn hẳn. Thịt lợn đen xuất bán đều có thớ thịt săn chắc, màu đỏ tươi; khi đem chế biến thì bì dày, thịt nạc dai, mỡ không ngán, không hôi nên được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Trong khi giá lợn nái bán ra thị trường đang dao động ở mức thấp kỷ lục (khoảng trên dưới 20.000 đồng/kg), thì đàn lợn đen của địa phương đến thời điểm xuất chuồng vẫn có thương lái đến thu mua với mức giá từ 35.000- 50.000 đồng/kg. Do đó, người chăn nuôi giống lợn đen bản địa hiện vẫn đang thu được hiệu quả cao hơn so với hình thức chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp.
Theo thống kê trên địa bàn xã Tân Lập, hiện nay, tổng đàn lợn nuôi có trên 1.200 con. Trong đó, đàn lợn đen địa phương chiếm hơn 60%. Lợn đen được nuôi thả ở hầu hết các thôn trên địa bàn xã, song đặc biệt tập trung nhiều ở các thôn như: Phiêng Đén, Nà Sắm, Nà Lịn… là nơi có rất đông đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống.
Với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, từ năm 2016, huyện Chợ Đồn đã thực hiện triển khai mô hình phát triển chăn nuôi đàn lợn giống địa phương giai đoạn II tại địa bàn xã Tân Lập. Theo đó, có 8 hộ dân được tham gia triển khai mô hình.
Cụ thể, các hộ được hỗ trợ tổng số 16 con lợn nái và 1 con lợn đực giống. Ngoài hỗ trợ về giống lợn, người dân còn được tập huấn, chuyển giao khoa học về kỹ thuật chăn nuôi, các lứa lợn xuất chuồng đợt 1, đợt 2 sẽ được bán giá thấp cho các hộ nghèo khác. Bằng việc nhân rộng mô hình, giúp tăng thêm hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình từ chăn nuôi.
Phần lớn các hộ dân khi tham gia mô hình đều chủ động thực hiện tốt những kỹ thuật trong chăn nuôi và làm tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh nên đàn lợn phát triển đồng đều. Đến nay, các hộ tham gia mô hình đã xuất bán được 64 con lợn lứa đầu và 23 con lợn lứa thứ 2.
Điển hình như các hộ: Chị Lý Thị Chung ở thôn Phiêng Đén; hộ Đặng Đức Minh ở thôn Nà Sắm; Triệu Thị Dất, Đặng Phúc Toàn ở thôn Nà Lịn... Các hộ gia đình đều có ý thức chăm sóc, nuôi dưỡng tốt cho lợn, với thời gian nuôi trung bình từ 5- 6 tháng, trọng lượng phát triển đạt khoảng 45- 60 kg/con.
Mô hình không chỉ giúp nâng cao hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi lợn mà còn giúp cho người chăn nuôi trên địa bàn xã đẩy mạnh việc phát triển kinh tế, có thêm thu nhập. Đồng thời, còn cung cấp thịt lợn thương phẩm sạch, chất lượng cho người tiêu dùng cả trong và ngoài huyện.
Bên cạnh đó, các hộ dân khi tham gia thực hiện mô hình đều được thêm lợi nhuận từ việc xuất bán lợn con, tổng thu nhập đạt hàng chục triệu đồng. Qua đó, bước đầu cho thấy cách làm này đang mở ra hướng thoát nghèo đầy triển vọng đối với bà con dân tộc còn gặp nhiều khó khăn ở địa phương.
Tại huyện Ba Bể, các mô hình nuôi giống lợn bản địa của bà con đang đem lại hiệu quả trong thời gian qua cũng đã mở ra hướng đi mới cho những thôn, bản vùng cao vốn gặp nhiều khó khăn nơi đây. Với ưu thế giá bán vẫn được đảm bảo và duy trì ở mức tương đối ổn định, thị trường tiêu thụ của đàn lợn bản địa không có sự biến động lớn, từ đó góp phần giúp phát triển kinh tế ở địa phương, đời sống người dân cũng dần được đảm bảo.
Theo số liệu thống kê, toàn huyện hiện có hơn 20.000 con lợn giống bản địa. Trong đó, tập trung nuôi nhiều nhất ở những thôn vùng cao thuộc các xã như: Khang Ninh, Thượng Giáo, Bành Trạch, Chu Hương, Mỹ Phương. Tuy nhiên, để tạo được sự chuyển biến, thay đổi phương thức chăn nuôi cho các hộ dân từ thả rông sang chăn nuôi có sự quản lý thì chính quyền địa phương cần phải tích cực hơn trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người chăn nuôi.
Địa bàn xã Thượng Giáo là một trong những địa phương có tổng đàn lợn bản địa dẫn đầu cả huyện với hơn 2.400 con lợn. Trong đó, quy mô chăn nuôi bình quân của các hộ chủ yếu từ 3- 10 con/hộ.
Tham gia nuôi lợn đen từ nhiều năm nay, ông Triệu Văn Khải ở thôn Nà Khuổi, xã Thượng Giáo cho biết: Trước đây, gia đình ông nuôi chủ yếu là giống lợn trắng, tuy nhiên giá bán lại không được cao so với giống lợn đen của địa phương. Nhận thấy sự chênh lệch về giá cả nên hiện gia đình ông đã tập trung đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố để nuôi lợn đen.
Ông Khải chia sẻ thêm: Do giống lợn đen rất dễ ăn, dễ nuôi nên gia đình ông đã trồng cây chuối, cây mon xung quanh nhà hay tận dụng bã rượu, thức ăn thừa để chăn nuôi đàn lợn. Nhờ chủ động được về nguồn thức ăn nên sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông vẫn có nguồn thu nhập ổn định khoảng 30 triệu đồng/năm.
Không riêng gì gia đình ông Khải, hiện ở thôn Nà Khuổi đã có trên 60% người dân tích cực chuyển hướng sang chăn nuôi giống lợn bản địa. Với đặc tính ít dịch bệnh, không kén chọn thức ăn, giá cả bán ra trên thị trường ổn định nên lợn bản địa được người dân lựa chọn để nuôi thả khá nhiều. Tuy nhiên, để giúp các hộ chăn nuôi phát triển nghề bền vững, đồng thời tuân theo đúng quy trình kỹ thuật, thời gian tới, thôn sẽ tiến hành thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi để nâng cao hiệu quả.
Từ những ưu việt của giống lợn bản địa, việc phát triển đàn lợn không chỉ giúp đảm bảo duy trì nguồn gene tốt mà còn góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt là giúp xây dựng được thương hiệu đặc sản của địa phương một cách bền vững.