Học ra thất nghiệp, cử nhân tức chí về trồng hoa, lãi 20 triệu/vụ
09:33 - 03/11/2017
Sau khi tốt nghiệp đại học và những lần xin việc bất thành, anh Trương Công Tiền, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) tức chí đã lựa chọn cho mình con đường lập nghiệp ở quê với mô hình trồng hoa và có lãi 20 triệu đồng/sào/vụ...
Anh Trương Công Tiền đã mạnh dạn đầu tư và trồng thử nghiệm nhiều loại hoa mới

Tốt nghiệp đại học vào năm 2013 với hai bàn tay trắng cộng thêm khoản vay nợ sinh viên, sau những lần xin việc bất thành, anh Tiền tức chí quyết định về quê theo đuổi nghề trồng hoa. Anh kể những năm đầu mới vào nghề, chỉ trồng một số lượng nhỏ hoa cúc để bán vào dịp tết. Lợi thế của cây này là trồng ngắn ngày, chỉ từ 2,5 đến 3 tháng là cho thu hoạch, ít rủi ro, dễ tiêu thụ, kỹ thuật chăm sóc hoa cũng đơn giản mà hiệu quả kinh tế đem lại khá cao. Với giá bán bình quân từ 3 đến 5 nghìn đồng/cây, một sào trồng hoa có thể cho lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/vụ.

Anh Tiền cho biết thêm, để có được những bông hoa đẹp và nở vào đúng những ngày lễ, tết không phải đơn giản, đòi hỏi sự công phu của người trồng hoa và có sự mạnh dạn trong đầu tư. Ngoài việc chọn những giống hoa chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của người tiêu dùng, một vấn đề quan trọng là phải nắm vững quy trình kỹ thuật của từng loại hoa.

Trước đây, anh Tiền chỉ tập trung trồng các loại hoa để bán vào dịp tết, nay anh đang tìm hiểu và trồng thí điểm một số loại hoa mới có thể trồng quanh năm để cung ứng ra thị trường thường xuyên và ổn định hơn. Cùng với đó, anh mạnh dạn đầu tư nhà lưới, hệ thống nước tưới, đèn điện chiếu sáng và các trang thiết bị cần thiết. Mô hình của anh được nhiều người đến tham quan, học hỏi.

Anh Nguyễn Văn Bảy - Bí thư Đoàn xã Bình Phục cho biết: “Anh Tiền là người rất có quyết tâm và kiên trì khi theo đuổi mô hình trồng hoa. Anh tự học và tự mày mò, tự làm và trở thành tấm gương về khởi nghiệp. Ngoài ra anh Tiền tích cực tham gia các hoạt động đoàn, hoạt động thiện nguyện, vận động các mạnh thường quân giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó khăn trong xã”.

Khi được chúng tôi hỏi rằng có tiếc nuối khi phải cất đi tấm bằng cử nhân, anh Tiền cười hiền cho biết, khi đã quyết tâm chọn nghề này, bản thân đã biết trước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trên con đường khởi nghiệp và chắc hẳn sẽ không thể tránh khỏi những sức ép từ bạn bè, họ hàng. “Học thì không bao giờ phí, với sức trẻ, có đam mê, kiến thức, tôi sẽ kiên trì theo đuổi và chứng tỏ đây là hướng đi đúng giúp phát triển kinh tế trên quê hương’ - anh Tiền nói.

 
Nguồn: Báo Quảng Nam
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo