Trồng dưa lưới xuất được sang Nhật, ông Tâm chỉ bí quyết để học theo
15:52 - 01/11/2017
Ông Đỗ Nhật Tâm (ngụ tại xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai là nông dân đi tiên phong tại địa phương đầu tư trồng dưa lưới sạch trong nhà màng. Sản phẩm dưa lưới của gia đình ông Tâm được các cửa hàng, siêu thị trái cây an toàn của TP. Hồ Chí Minh bao tiêu với giá cao hơn hẳn mặt bằng chung ngoài thị trường.
Ông Đỗ Nhật Tâm giới thiệu vườn dưa lưới cho giá trị kinh tế cao.


Ông cũng cung cấp dưa lưới cho một doanh nghiệp Nhật Bản và đã ký hợp đồng bao tiêu dài hạn dưa lưới để xuất khẩu sang thị trường này.

Đặc sản giá cao

Ông Tâm kể: “Một lần đi siêu thị, tôi thấy giống dưa lưới dài được bán với giá rất đắt nên nghĩ đến việc đầu tư trồng loại trái cây cho giá trị cao này. Năm 2011, tôi quyết định chặt bỏ bớt diện tích chôm chôm trong vườn nhà để có đất trống làm nhà màng trồng dưa. Tôi đã mạnh dạn đầu tư tiền tỷ xây dựng 2 khu nhà màng rộng 2 ngàn m2 để trồng dưa lưới vì muốn ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất”.

Ông Tâm bỏ công, bỏ của đi Thái Lan, sang tận Israel để tìm hiểu về cách làm nông nghiệp công nghệ cao, an toàn. Theo ông Tâm, kỹ thuật cũng như trang thiết bị trong sản xuất công nghệ cao phải liên tục nâng cấp. Cụ thể, như từ trồng cây trực tiếp trên nền đất chuyển thành trồng trong bầu đất; từ tưới nước, bón phân tự động sang hệ thống tưới nước, bón phân bằng áp lực để đảm bảo việc kiểm soát đúng lượng nước, lượng phân bón phải đều nhau trong cả vườn cây.

Trồng theo chuẩn xuất khẩu

Khi ổn định khâu trồng, ông Tâm lại bắt đầu bươn chải tìm đầu ra cho loại đặc sản giá cao này. Ông Tâm nhớ lại: “Lứa dưa đầu chở ra chợ huyện không có người mua, vì thời điểm đó ngay cả ở thành phố lớn người tiêu dùng vẫn chưa quen với loại trái cây giống ngoại này. Tôi phải xẻ dưa mời mọi người nếm thử rồi ký gửi không thu tiền ở các cửa hàng trái cây tại TP. Hồ Chí Minh”.

Chính chất lượng trái ngon, đạt chuẩn an toàn đã giúp ông Tâm giữ chân khách hàng. Ông Tâm cho biết để chất lượng trái ngon, an toàn, ông áp dụng theo quy trình sản xuất hữu cơ, không sử dụng phân bón lá cũng như các loại phân, thuốc hóa học. Dù dùng thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh, nhưng ông vẫn tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly. Sản phẩm thu hoạch luôn được ông cho kiểm tra mẫu để đảm bảo đạt chuẩn an toàn.

Ông Tâm vui vẻ thông báo: “Tôi đã cung cấp được vài đơn hàng cho một doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh. Đối tác luôn cử người về tận nơi trồng, giám sát chặt chẽ từ khâu xuống giống, khi cây đậu trái và trước thời điểm thu hoạch. Doanh nghiệp này đã ký hợp đồng bao tiêu dưa lưới dài hạn để xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản. Khu nhà màng tôi đang mở rộng được đối tác cho ứng trước 40% vốn đầu tư theo hình thức trừ dần vào sản phẩm khi mua”.

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo