|
Chính phủ đã có chủ trương đưa khoai tây là cây trồng ưa lạnh chủ lực ở vụ đông ở miền Bắc. |
Vụ đông năm 2016, toàn huyện Yên Dũng (Bắc Giang) trồng hơn 600 ha khoai tây, tập trung tại các xã Tư Mại, Đức Giang, Yên Lư, Tân An, chiếm 30% tổng diện gieo trồng cả vụ. Trong đó, 200 ha khoai chế biến Atlantic có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), giá thu mua hơn 6.000 đồng/kg; bà con thu nhập bình quân hơn 60 triệu đồng/ha.
Ông Đàm Đức Hướng, thôn Tây, xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) là hộ trồng nhiều nhất trong xã với diện tích hơn 5 ha trên đất mượn của bà con cùng thôn. Năm nay, thời tiết thuận lợi, cây ít sâu bệnh, năng suất khá, ông phải thuê người thu hoạch khoai nhanh chóng để kịp thời trả ruộng. Khi nhổ lên, gốc khoai có nhiều củ to, trung bình khoảng 6-7 củ/kg, trừ chi phí ông Hướng lãi trên 200 triệu đồng/vụ.
Chị Vũ Thị Dần, thôn Nà Ó, xã An Lạc, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang cũng có thu nhập khá từ trồng khoai tây. Chị chia sẻ: “Sau vụ đầu tiên trồng, tôi thấy đồng đất cát pha nơi đây rất phù hợp với khoai tây, trong khi kỹ thuật chăm sóc không quá phức tạp nên mạnh dạn mở rộng quy mô. Năm nay, ngoài ruộng của nhà, tôi mượn thêm đất trồng 35 mẫu, tăng 5 mẫu so với vụ đông năm trước”. Thời tiết thuận lợi, giá bán theo hợp đồng 5-7 nghìn đồng/kg, dự kiến vụ này chị thu về khoảng 500 triệu đồng.
Những năm gần đây, người dân ở một số xã Bằng An, Nhân Hòa, Việt Hùng, Quế Tân, Bồng Lai, Đại Xuân ở huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đã tập trung vào trồng cây khoai tây vụ đông.
Để đạt được hiệu quả cao, ngoài việc chuyển đổi từ giống KT2, Trung Quốc sang trồng các giống khoai có năng suất, chất lượng cao như Marabel, Solara, người dân còn được Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội ND tập huấn hướng dẫn chăm sóc cây từ thời điểm tưới nước, bón phân, phun thuốc sao cho đúng kỹ thuật…
Năm nay, do thời tiết thuận lợi, diện tích cây khoai tây đều đạt năng suất cao, khoảng 18-20 tấn/ha. Với giá bán từ 10.000 tới 12.000/kg, nhiều gia đình đã thu lãi từ 200-300 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Thành, nông dân ở xã Quế Tân cho biết: “Với năng suất và giá thành thu mua khoai tây tại ruộng từ 10.000 - 12.000 đồng/kg , so với cấy lúa, trồng khoai tây có thu nhập cao gấp 3-4 lần”.
Giống khoai tây Marabel có nguồn gốc từ Đức được đưa vào trồng thí điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ vụ Đông Xuân 2014 - 2015 với diện tích 11ha (huyện Hậu Lộc 10ha; huyện Hoằng Hóa 1ha). So với các các loại giống khoai tây có xuất xứ từ Trung Quốc trước đây, khoai tây Marabel vượt trội cả về năng suất lẫn chất lượng.
Lão nông Bùi Văn Tùng, trú tại thôn Trung Thành 2, xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân cho biết: “Khoai tây Marabel không chỉ phát triển nhanh mà còn đảm bảo năng suất cao, tỷ lệ ra khóm đều, củ to, đẹp. Nếu thâm canh tốt, sau 3 tháng có thể thu lãi 100 triệu đồng/ha”.
Thành công bước đầu đã tạo ra động lực thúc đẩy cho các bên tham gia liên kết sản xuất. Vụ Đông Xuân 2016 - 2017, Công ty An Việt đã đấu mối, phối hợp với ngành nông nghiệp, các cấp chính quyền, các HTX nhân rộng quy mô diện tích hơn 1.000ha, tập trung tại các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Nông Cống, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn… Theo tính toán, 1 ha khoai tây Marabel đạt năng suất trung bình từ 20-30 tấn, với giá bán 6.500 đồng/kg, thì doanh thu đạt 130-195 triệu đồng/ha, trừ chi phí, bà con thu lãi 75-140 triệu đồng/ha.
Hiện diện tích khoai tây cả nước khoảng 23.000 ha/năm. Trong đó, diện tích khoai tây tại các tỉnh phía Bắc đạt khoảng 90 - 95% diện tích sản xuất khoai tây cả nước. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa, sử dụng khoai tây tươi.
Chính phủ đã có chủ trương đưa khoai tây là cây trồng ưa lạnh chủ lực ở vụ đông ở miền Bắc. Ông Trần Xuân Định- Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, mục tiêu trong 5 năm tới (2018 - 2023) đưa diện tích đạt và ổn định khoảng xung quanh 30 nghìn ha, 5 năm tiếp theo đưa diện tích khoai tây lên 35 - 40 nghìn ha. Năng suất bình quân 18 - 20 tấn/ha, giá trị thu nhập là 100 - 120 triệu đồng/ha/vụ (trong 3 tháng) với quan điểm phát triển bền vững gắn với chế biến, tiêu thụ, sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chuỗi giá trị, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.