Trồng cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao
09:56 - 26/10/2017
(TNNN)- Thời gian gần đây, nhiều địa phương đã chuyển đổi từ đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Hiện cây dược liệu đang được các công ty dược bao tiêu sản phẩm.


Xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) tập trung phát triển trồng cây dược liệu với diện tích đinh lăng hơn 2ha, hà thủ ô gần 7ha tập trung tại 3 thôn Mỏ Gà, Ba Nhất, Cao Lầm. Đến nay đã có hơn 90 hộ triển khai, cây phát triển tốt.
 
 
Ông Nông Văn Phòng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng trồng hà thủ ô đỏ từ cuối năm 2014 đến nay cây phát triển ổn định. Với 3 sào hơn 800 ụ gốc dự tính cho thu nhập thấp nhất là 132 triệu đồng cân củ tươi, nếu tính cả thân và lá thì thu nhập còn cao hơn rất nhiều.
 
 
Cũng tại xóm Mỏ Gà, gia đình ông Lãnh Văn Hữu trồng hơn 3 sào cây đinh lăng với khoảng 1.800 cây. Ông cho biết: 1 đinh lăng gốc sau 3 năm có thể cho cả chục cân củ với giá công ty thu mua 100 ngàn đồng bên cạnh đó còn có thể tận thu thân và lá nên tôi đầu tư trồng diện tích lớn. Dự tính, sau 3 năm cũng thu về được gần 2 tỷ đồng, thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng các loại cây khác.
 
 
Hiện nay tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây thuốc tập trung, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Điển hình tại xã Tiền Phong, 4 ha kim tiền thảo trồng tập trung theo quy trình an toàn của hộ dân ở các thôn: Thành Công, Quyết Tiến, An Thịnh đã được Công ty cổ phần Dược phẩm OPC Bắc Giang ký hợp đồng thu mua và hỗ trợ 150 nghìn đồng/sào/hộ.
 
 
Theo bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Thành Công, gia đình trồng 2 sào mỗi vụ cũng thu lãi hơn chục triệu đồng, cao hơn so với các cây trồng truyền thống. Ở xã Đức Giang, hơn 2 ha cà gai leo của Tổ hợp tác phát triển cây thuốc Việt vừa được Công ty cổ phần Nam Dược (Hà Nội) ký hợp đồng bao tiêu với giá từ 12-15 nghìn đồng/kg giúp người dân yên tâm sản xuất.
 
 
Tại vùng đồi núi của huyện Sóc Sơn, Hà Nội, chị Nguyễn Thanh Tuyền và các thành viên của Hội Nghiên cứu trồng bảo tồn và phát triển cây dược liệu Việt Nam đã cải tạo khu vườn rộng 5ha với hệ thống nhà lưới, vườn ươm khang trang, trong đó có hơn 60 loại thảo dược quý được trồng bảo tồn và 5 loài trồng phát triển theo hướng thương mại. Trong đó, được trồng nhiều nhất là cây trà hoa vàng, chiếm gần 4ha. Lá và hoa vàng sắc uống có tác dụng điều chỉnh các chất béo trong cơ thể, lượng đường trong máu, giải độc gan và thận.
 
 
Cây trà hoa vàng trồng 5-6 năm mới cho thu hoạch nhưng bà con có thể tận dụng trồng xen các loại hoa dược liệu để lấy ngắn nuôi dài, giá trị khi thu hoạch đạt hàng tỷ đồng/ha/năm. Đối với cây râu mèo - một loại dược liệu trị bệnh sỏi thận, sỏi túi mật, trồng một lần có thể cho thu hoạch 5-6 năm, giá trị thu nhập đạt 200 triệu đồng/ha/năm. Hiện, cây dược liệu ở Sóc Sơn được các công ty dược bao tiêu sản phẩm.
 
 
Tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), bà con trồng cây dược liệu kim tiền thảo và mã đề cung cấp cho nhà máy sản xuất thuốc đông dược của Công ty CP Dược Hà Tĩnh (Hadiphar). Trên diện tích 5ha của HTX sản xuất cây dược liệu thôn Yên Khánh có đến 4ha trồng cây kim tiền thảo. Sau 6 tháng trồng là có thể thu hoạch. Nếu chăm sóc tốt thì sau 1,5 - 2 tháng có thể thu cắt lại. Trung bình mỗi năm có thể thu hoạch được 3 lần, thường thu hoạch được 2 - 3 năm hoặc có thể lâu hơn ở nơi đất tốt, có điều kiện chăm sóc đầy đủ, cẩn thận. Giá thu mua của Công ty là 18.000 đồng/kg cành lá khô, với năng suất đạt 1,3 tạ khô/sào/lần thu hoạch, sau khi trừ chi phí về giống, phân bón, công cày bừa, công làm cỏ... người dân thu lãi từ 3 - 3,5 triệu đồng/sào/năm.
 
 
Cây mã đề được thu mua hạt khô có giá 85.000 đồng/kg, bông khô 25.000 đồng/kg, cây tươi 4.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân/sào/vụ là 25kg hạt khô, 50kg bông khô và 450kg cây tươi, sau khi trừ các chi phí người dân thu lãi từ 3 - 4 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với trồng màu.
 
 
Đây là mô hình mang lại hiệu quả cao nhưng cần có sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân, tránh trồng ồ ạt để thuận lợi đầu ra cho sản phẩm, bảo đảm tính ổn định, lâu dài.

Đình Hoàng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo