Hà Tĩnh: Bảo tồn và phát triển thương hiệu đặc sản bưởi Phúc Trạch
(TNNN) – Từ nhiều năm trở lại đây, cây bưởi Phúc Trạch đã mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân địa phương ở các xã thuộc vùng miền núi của huyện Hương Khê. Đây là loại đặc sản quý hiếm, nổi tiếng, vốn được người tiêu dùng ưa chuộng cả ở trong nước cũng như trên một số thị trường quốc tế.
|
Đặc sản bưởi Phúc Trạch được xác định là một trong 15 sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh |
Bưởi Phúc Trạch có hình cầu tròn, bề ngang và chiều cao gần bằng nhau, phần cuống quả không lồi, đế quả hơi lõm, vỏ có màu xanh vàng, không trơn không ráp, múi màu hồng nhạt hoặc màu trắng trong. Bình quân, trọng lượng mỗi quả cho đến khi thu hoạch đạt từ 1- 1,5 kg, có khoảng 14- 16 múi/quả. Bưởi có mùi thơm nhẹ tự nhiên đặc trưng, múi vị ngọt, hơi thanh chua.
Sản phẩm bưởi Phúc Trạch được ưa chuộng không chỉ vì chất lượng, dễ ăn, tốt cho sức khỏe mà còn vì rất dễ trong khâu bảo quản. Là loại quả có lớp vỏ dày, cứng nên trong quá trình vận chuyển đi xa rất ít khi quả bị dập nát. Ngoài ra, có thể giữ được bưởi tươi ngon rất lâu mà không cần bất kỳ loại hóa chất bảo quản nào.
Do có nhiều ưu điểm vượt trội như vậy nên hiện nay, cây bưởi Phúc Trạch đã và đang được nhân giống trồng rộng rãi trên khắp các địa bàn của 22 xã, thị trấn thuộc huyện Hương Khê. Tổng diện tích trồng bưởi Phúc Trạch trên địa bàn huyện Hương Khê hiện nay vào khoảng gần 2.000 ha, trong đó, trên 820 ha đã cho thu hoạch quả.
Đáng chú ý, từ năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch” cho sản phẩm “Bưởi quả” huyện Hương Khê, tại QĐ số 2180/QĐ-SHTT. Theo đó, khu vực chỉ dẫn địa lý thuộc địa bàn các xã: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố, Hương Giang, Hương Thủy, Phú Phong, Hương Xuân, Phú Gia, Hương Bình, Hương Long, Phúc Đồng, Hà Linh, Hương Vĩnh, Hòa Hải, Hương Trà, Phương Mỹ, Phương Điền, Hương Liên. Đây đều là những khu vực có sự tương đồng về hình thái, chất lượng đặc thù của sản phẩm, cũng như tính chất đặc thù về điều kiện địa lý, có số lượng trồng bưởi tập trung nhiều và cho chất lượng quả ngon.
Việc cấp Giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Phúc Trạch đã tạo điều kiện cho người sản xuất và người kinh doanh bưởi tại địa phương có thêm cơ hội nâng cao vị thế cạnh tranh cũng như giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại lợi ích cho người trồng bưởi, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của vùng.
Một điển hình trồng bưởi giỏi ở địa phương là gia đình ông Nguyễn Văn Bình ở thôn 6, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê. Ông Bình cho biết: Những năm gần đây, nhờ áp dụng tốt các biện pháp canh tác kỹ thuật nên vườn bưởi của gia đình ông luôn đạt năng suất cao. Đặc biệt, trong vườn có 01 cây bưởi cổ được gia đình ông trồng từ năm 1995, hiện đã được Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cấp biển cây giống đầu dòng vào năm 2013.
Cây bưởi cổ này mỗi năm thường cho thu hoạch bình quân khoảng trên 200 quả. Riêng năm 2016, cây bưởi này đậu tới trên 500 quả, giúp cho gia đình ông có thu nhập hơn 25 triệu đồng. “Chỉ với hơn hai sào đất vườn, tôi trồng 35 gốc bưởi, mỗi năm gia đình cũng thu nhập được khoảng 100 triệu đồng”- Ông Bình phấn khởi cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui và kết quả đạt được thì người trồng bưởi ở địa phương hiện cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Gần đây nhất, sự tàn phá do thiên tai đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến quy mô, năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm bưởi Phúc Trạch.
Để góp phần khẳng định uy tín, chất lượng của sản phẩm đặc trưng trong vùng, bên cạnh việc đầu tư, hỗ trợ người dân về các biện pháp kỹ thuật, lãnh đạo địa phương đã hết sức chú trọng trong việc tìm đầu ra ổn định cho thương hiệu bưởi Phúc Trạch. Theo đó, tập trung khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn cùng liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Chính vì vậy, một số HTX được thành lập tại Hương Khê với mục đích để cung cấp bưởi Phúc Trạch đúng nguồn gốc, an toàn, chất lượng tới tận tay người tiêu dùng.
Một vấn đề hết sức quan trọng nữa là các ngành chức năng cần phải làm sao để bảo tồn và phát triển được nguồn gen quý của đặc sản bưởi Phúc Trạch. Do nhiều năm về trước, địa phương có chính sách khuyến khích thanh niên lập nghiệp, phát triển các vườn cây ăn quả. Trong khi đó, khá nhiều loại cây có múi được trồng chủ yếu theo hình thức tự phát, nhỏ lẻ, trà trộn dòng gen kém, nên sản lượng quả không cao, chất lượng chưa đồng đều.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng xác định cây bưởi Phúc Trạch là một trong 15 sản phẩm chủ lực, đã đưa mục tiêu phát triển, mở rộng diện tích trồng bưởi Phúc Trạch vào Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Hiện nay, bưởi Phúc Trạch đã có tem, có logo cụ thể. Sản lượng bưởi Phúc Trạch hàng năm đạt khoảng 10.000 tấn.
Được biết mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã quyết định phê duyệt dự án bảo tồn, nhân giống và phát triển bưởi Phúc Trạch thuộc huyện Hương Khê giai đoạn 2016- 2020, với tổng mức kinh phí đầu tư hơn 60 tỷ đồng.
Theo đó, dự án có quy mô phấn đấu đến năm 2020, toàn vùng sẽ đạt diện tích trồng bưởi trên 3.000 ha. Mục tiêu của dự án nhằm: Bảo tồn, quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn gen bưởi Phúc Trạch; nghiên cứu áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tăng năng suất, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm; tổ chức nhân giống đảm bảo chất lượng, số lượng phục vụ cho việc phát triển vùng trồng mới; hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, năng suất, chất lượng cao…