(TNNN) – Trồng ngô phục vụ chăn nuôi theo hướng công nghiệp đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh quan tâm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
|
Nhờ hiệu quả mang lại, mô hình trồng ngô nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi đang được nhân rộng tại nhiều địa phương |
Đề án Chăn nuôi bò giống, bò thịt chất lượng cao đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh xây dựng với sự tham gia đầu tư của hai Doanh nghiệp lớn đó là Tổng Công ty Khoáng sản - Thương mại (Mitraco) và Công ty CP chăn nuôi Bình Hà (Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai). Mục tiêu của đề án, phấn đấu đến năm 2020 tăng tổng đàn bò từ 203 nghìn con lên 362 nghìn con; tỷ lệ bò Zebu, bò chất lượng cao từ 54,4% tăng lên hơn 80%.
Để thực hiện thành công đề án trên, ngoài việc chỉ đạo các địa phương thâm canh tăng năng suất, chất lượng 5.000 - 6.000 ha ngô vụ đông/năm, Hà Tĩnh dự kiến chuyển đổi gần 6.000 ha đất lúa kém hiệu quả ở các vùng trung du, miền núi, bãi ngang ven biển, vùng thiếu nước sang trồng cỏ, trồng ngô… nhằm đáp ứng nguồn thức ăn xanh cho đàn bò.
Nhằm giải quyết những khó khăn trong sản xuất,chuyển đổi hợp lý hóa về cơ cấu cây trồng, tăng cao năng suất và hiệu quả thu nhập, được sự chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai mô hình “Xây dựng vùng trồng ngô nguyên liệu phục vụ chăn nuôi trên đất trồng sắn, đất bỏ hoang và đất trồng lúa kém hiệu quả” tại xã Kỳ Hợp huyện Kỳ Anh từ tháng 2 – 6/2016 với quy mô 5ha, liên kết với Công ty Vitad Việt Nam bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Mô hình được triển khai trên đất trồng sắn trước đây của bà con nông dân và sử dụng 2 giống ngô là NK6326 và P4199, ngô được trồng theo phương thức hàng đơn, mật độ 56.000 cây/ha. Khi cây ngô được 80 – 85 ngày tuổi thì tiến hành thu hoạch cả cây và trái non, sản phẩm được công ty Vitad Việt nam thu mua tại ruộng với đơn giá 1000đ/kg để làm thức ăn cho bò. Với chiều cao cây đạt bình quân từ 2,2 - 2,5 m, chiều dài trái bắp non 20 cm, trọng lượng cả cây và trái bắp là 1,0 – 1,2 kg/cây, năng suất ngô non đạt từ 56 - 60 tấn/ha, người trồng ngô thu 56 - 60 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 20 - 35 triệu đồng, tăng hơn 25 triệu đồng so với trồng sắn.
Qua kết quả trên cho thấy việc chuyển đổi đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng thâm canh ngô sinh khối có hiệu quả cao hơn. Các giống ngô đã được chọn lọc, áp dụng quy trình sản xuất phù hợp với cây ngô sinh khối có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng sắn. Với ưu điểm về thời gian sinh trưởng ngắn, mỗi năm người dân có thể sản xuất được 3 vụ ngô so với việc sản xuất 01 vụ sắn, do đó làm tăng rõ rệt hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Mô hình mới được triển khai trong một vụ nhưng đã mang lại hiệu quả về nhiều mặt cũng như mang lại thành công về mặt khoa học trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phục vụ đề án chăn nuôi bò giống, bò thịt chất lượng cao và thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh gắn với xây dựng nông thôn mới và để khẳng định hiệu quả, Trung tâm khuyến nông tiếp tục triển khai mô hình 2 vụ tiếp theo nhằm làm cơ sở cho việc nhân rộng mô hình ra các xã khác của huyện Kỳ Anh và các huyện khác trong toàn tỉnh.
Tuy nhiên, để việc trồng ngô làm thức ăn có thể phát triển ổn định, ngoài công tác xây dựng Mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, Công ty Vitad Việt Nam cần có chính sách khuyến khích bà con nông dân, như phải có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, thực hiện ký kết hợp đồng thu mua, có chính sách hỗ trợ cho tạm ứng vốn, giống ngô, vật tư phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm để bà con nông dân yên tâm phát triển sản xuất.
Sau một thời gian triển khai, mô hình mẫu trồng ngô sinh khối, trồng cỏ làm nguyên liệu phục vụ cho dự án chăn nuôi bò thịt và bò giống của Công ty TNHH Phú Lâm tại xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái, Quảng Ninh cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, mô hình này tiếp tục được huyện Hải Hà triển khai tại một số xã, đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho nông dân địa phương.
Gia đình bà Trưởng Sám Múi ở bản Tình Á, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà là một trong những hộ dân thực hiện việc chuyển đổi diện tích trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng ngô nguyên liệu theo chủ trương của huyện với diện tích gần 1.000m2.
Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, gia đình bà được Công ty TNHH Phú Lâm cung ứng trước giống, phân bón và được hướng dẫn kỹ thuật... nên gia đình bà yên tâm phát triển sản xuất. Với gần 1.000m2 trồng thí điểm đạt năng suất khoảng 5 tấn, sản phẩm được Công ty TNHH Phú Lâm thu mua tại ruộng với đơn giá 950 đồng/kg để làm thức ăn cho bò.
Như vậy, mỗi ha ngô có thể thu hoạch được 45 đến 50 tấn ngô sinh khối, doanh thu từ 40 đến 45 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí cho lãi khoảng 6,5-7 triệu đồng/ha/vụ. Bà Múi chia sẻ: “Gia đình tôi năm nay mới trồng giống ngô này, bán được hết nên thu nhập cũng cao. Tôi sẽ tiếp tục triển khai trồng thêm nhiều diện tích để có nhiều tiền, không còn đói nghèo nữa”.
Việc triển khai thành công mô hình mẫu trồng ngô sinh khối làm nguyên liệu phục vụ chăn nuôi của công ty TNHH Phú Lâm đã và đang mở ra hướng phát triển sản xuất mới cho bà con nông dân huyện Hải Hà. Hiện nay, ngoài việc mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối, nhiều địa phương của huyện Hải Hà cũng đã xây dựng thêm mô hình trồng cỏ với diện tích lên tới trên 70ha.
Với mục tiêu xây dựng và hình thành mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, từ cuối tháng 8/2016, bằng nguồn kinh phí của Công ty TNHH Phú Lâm, huyện Hải Hà đã thực hiện chuyển đổi diện tích lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối tại các xã Quảng Minh, Quảng Đức… với diện tích mô hình mẫu là 20 ha. Mô hình sử dụng giống ngô lai đơn NK7328, P4199 và AVA 3668, đây là các giống ngô có khả năng chịu hạn tốt, sinh trưởng và phát triển khoẻ, dễ chăm sóc, chiều cao đạt từ 2,2-2,3m, có đường kính thân lớn; thời gian sinh trưởng từ khi gieo trồng đến lúc chín sữa khoảng 70-75 ngày, có khả năng thích ứng rộng với điều kiện ngoại cảnh, thổ nhưỡng của các địa phương.
Công ty TNHH Phú Lâm cũng đang triển khai tập huấn quy trình kỹ thuật, hỗ trợ 100% giống và 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ dân tham gia mô hình nhằm khuyến khích bà con nhân dân mở rộng diện tích trồng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu trong chăn nuôi.
Công ty đã xây dựng xong trang trại với quy mô 5.000 con bò. Do thiếu nguyên liệu nên hiện nay mới triển khai nuôi 500 con, lượng thức ăn hàng ngày tốn khoảng 10 tấn/ngày. Để mở rộng quy mô chăn nuôi cần lượng thức ăn rất lớn nên công ty đang cố gắng cùng với bà con nông dân, chính quyền địa phương triển khai vùng nguyên liệu tại các huyện Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà.
Ông Phùn Quay Nàm – Chủ tịch UBND xã Quảng Đức, huyện Hải Hà cho biết thêm: “Hiện nay chúng tôi đang triển khai mô hình trồng ngô và cỏ cung cấp thức ăn cho bò, đây là mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Qua quá trình triển khai mô hình đã cho hiệu quả nên chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng, qua đó tận dụng diện tích đất canh tác, nâng cao giá trị sử dụng đất, góp phần tạo việc làm và giảm nghèo tại địa phương”.