Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” tổ chức sơ kết công tác đến hết quý III/2017.
|
Toàn cảnh Hội nghị. |
Ngày 25/9/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1449/QĐ-TTg công nhận huyện Thanh Trì đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Như vậy đến nay, toàn TP đã có 3 huyện được công nhận đạt chuẩn (cùng với Đan Phượng và Đông Anh). 255/386 xã (chiếm khoảng 66% tổng số xã) được TP công nhận NTM. 88/131 xã còn lại đều đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và thương mại - dịch vụ. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên đã đạt trung bình 239 triệu đồng/ha.
Kết quả nổi bật trong xây dựng NTM thời gian qua là đến nay, toàn TP đã thực hiện dồn điền đổi thửa được trên 78.750ha (đạt 103% kế hoạch). Diện tích đất dôi dư sau dồn điền đổi thửa gần 1.837ha, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi. Đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa đạt gần 98%, trong đó, có 4 huyện đã hoàn thành gồm: Thường Tín, Phúc Thọ, Thanh Trì, Thạch Thất. Đến nay, toàn TP có 89 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng thành công 59 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, giúp đời sống nông dân ngày một được nâng cao, hiện đạt trung bình trên 36 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ nghèo khu vực nông thôn Hà Nội tiếp tục giảm nhanh, dự kiến cuối năm 2017 còn dưới 2,8%. Một số huyện có tỷ lệ nghèo thấp gồm: Gia Lâm (1,3%), Đông Anh (1,85%), Thanh Trì (1,87%)…
Đánh giá cao nỗ lực của các sở ngành, địa phương trong thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong kết quả thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU. Sản xuất nông nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ, hộ gia đình. Liên kết sản xuất nông nghiệp còn yếu. Việc đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ nghèo tại một số huyện còn cao, điển hình như: Ba Vì (7,1%), Mê Linh (4,2%), Sơn Tây (4%)… Tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch còn thấp. Hiện, còn 5 huyện chưa hoàn thành dồn điền đổi thửa với 793ha (Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Mỹ Đức, Quốc Oai)...
Theo đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các sở, ngành đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu nông sản Thủ đô. Nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao giá trị canh tác nông nghiệp. Đẩy mạnh khuyến công, khuyến nông, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Liên quan tới vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu Sở LĐ,TB&XH đẩy nhanh tiến độ giải ngân đào tạo nghề tại các địa phương. “Tiền đã bố trí mà không tiêu được là khuyết điểm, là lỗi của chúng ta…” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh. Cùng với đó, các địa phương tập trung đầu tư cho các xã phấn đấu hoàn thành NTM trong năm 2017, tránh dàn trải, bảo đảm chất lượng, tiến độ các công trình, nhất là các công trình do các quận nội thành hỗ trợ. Các huyện đôn đốc hoàn thiện hồ sơ các xã đạt chuẩn trên tinh thần “không chạy theo hình thức, thành tích”.
Chia sẻ với người dân các huyện chịu ảnh hưởng của mưa lũ thời gian qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các sở, ngành các địa phương tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ. Trong đó, quan tâm tới vấn đề vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Không được phép lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống thiên tai, nhất là đối với bảo đảm an toàn đê điều, công trình thủy lợi. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tin tưởng, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của TP, người dân các địa phương sẽ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.