|
Thị trường trâu, bò thịt trong nước hiện nay còn rất lớn |
Những năm qua, ngành chăn nuôi trâu, bò của nước ta phát triển hết sức hạn chế. Theo Cục Chăn nuôi, đàn bò của cả nước những năm gần đây chỉ biến động từ 5,2 - 5,4 triệu con. Thị trường trong nước luôn trong tình trạng “khát” thịt bò khiến cho đàn bò thịt của Việt Nam biến động mạnh nhất trong các nước khu vực.
Năm 2016, tổng đàn trâu cả nước thường xuyên có mặt chỉ khoảng 2,5 triệu con, gần như không tăng qua các năm, thậm chí một số năm giảm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng thịt trâu trong nước lẫn nhu cầu xuất khẩu trâu đang ngày càng tăng chóng mặt khiến trâu thịt luôn “cháy hàng”.
Việc cải tạo đàn trâu trong nước gần như giậm chân tại chỗ. Một số đơn vị hiếm hoi trong nước có nghiên cứu về trâu như Trung tâm Phát triển chăn nuôi miền núi (Viện Chăn nuôi, tại Thái Nguyên), Trung tâm nghiên cứu trâu và đồng cỏ Sông Bé (Bình Dương) rơi vào bệ rạc, chỉ còn ít ỏi giống trâu Murrah chất lượng đã xuống thấp.
Tại nhiều địa phương, tận dụng tiềm năng, lợi thế đất đai, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình nuôi nhốt trâu, bò mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình như hộ anh Hầu Văn Đông, thôn Tấn Xà Phìn, xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. Anh cho biết: Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình anh được hỗ trợ vốn, kỹ thuật để phát triển chăn nuôi trâu vỗ béo. Hiện nay, trong chuồng của gia đình anh thường xuyên duy trì từ 13 - 14 con trâu; mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu nhập 40 – 50 triệu đồng từ chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa... Không chỉ gia đình anh Đông, hiện nay nhiều hộ dân trên địa bàn huyện bắt đầu coi chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.
Đã nhiều năm nay, ông Hoàng Văn Xuân ở bản Phát xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La duy trì mô hình nuôi bò cái sinh sản. Hiện tại ông luôn duy trì đàn bò với 5 con bò cái sinh sản và 1 bê con, hằng ngày luôn được ông chăm sóc và vỗ béo. Ông cho biết: Nuôi bò so với nuôi các con khác thì hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lại không tốn nhiều công chăm sóc vì chỉ cần có đất trồng cỏ cho bò ăn là được. Trung bình mỗi năm ông thu nhập 50-70 triệu đồng từ nuôi bò.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu Cục Chăn nuôi chủ trì, phối hợp với Viện Chăn nuôi bằng mọi cách phải xốc lại bằng được đàn trâu, bò để tăng tổng đàn trên cơ sở đẩy mạnh thu hút xã hội hóa và đầu tư tư nhân.
Đồng thời, phải tập trung cao độ để thúc đẩy đàn bò trong nước bằng các giải pháp làm tươi máu, tăng cường nhập khẩu bò cái giống tốt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhập khẩu bò nái, trên cơ sở lựa chọn đa dạng các bò nái tốt ở nhiều nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, sẽ tập trung khôi phục lại phong trào Sind hóa đàn bò trong nước, bởi trước đây phong trào này rất mạnh nhưng nhiều năm qua bị bỏ ngỏ. Khơi dậy phong trào Sind hóa là giải pháp tối ưu để tăng nhanh chất lượng đàn bò trong nước.
Bên cạnh cải tạo đàn bò, sẽ có đề tài lưu giữ, duy trì các giống bò bản địa như: Bò Mông, bò vàng để củng cố các chuỗi đặc sản chăn nuôi Việt Nam.
Đối với việc nghiên cứu cải tạo chất lượng đàn trâu, Bộ trưởng cho biết sẽ có giải pháp nâng cấp, đầu tư cho 2 trung tâm nghiên cứu về trâu tại Thái Nguyên và Bình Dương. Theo đó, tiếp tục rà soát, tìm kiếm các giống trâu tốt nhất trong khu vực, nhập khẩu về nước để tăng nhanh đàn trâu đực giống phục vụ khâu nhân giống trâu chất lượng cao trong nước.