Vĩnh Phúc: Hiệu quả từ mô hình nuôi vịt trời
18:01 - 28/09/2017
(TNNN) - Vài năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi thử nghiệm giống vịt trời. Từ những kết quả bước đầu cho thấy, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các hộ gia đình nâng cao thu nhập.
|
Với nhiều đặc tính vượt trội, hiệu quả kinh tế đem lại từ việc chăn nuôi vịt trời so với nuôi các loại vịt khác cao gấp 2 lần |
Toàn xã hiện có 12 hộ chăn nuôi vịt trời, hộ ít cũng có hàng trăm con, hộ nhiều nuôi với quy mô lên đến hàng nghìn con/hộ. Các hộ chủ yếu sử dụng những diện tích đất ở vùng chiêm trũng để kết hợp vừa chăn nuôi thủy sản với chăn nuôi vịt trời.
Hiện nay, trong toàn xã có nhiều hộ đi đầu, làm gương về mô hình nuôi vịt trời giỏi và thành công. Điển hình là gia đình ông Chu Văn Toàn ở thôn Tiền Phong, người có số lượng nuôi vịt trời lớn nhất ở địa phương. Với diện tích gần 3 ha mặt nước, hiện gia đình ông Toàn đang nuôi khoảng 2.400 con vịt trời bán thịt thương phẩm, 200 con vịt trời bố, mẹ để đẻ trứng ấp nở, nhân giống và bán con giống.
Ông Toàn cho biết: Khoảng 3 năm về trước, nhờ được đi học tập mô hình nuôi vịt trời ở các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh nên gia đình ông đã đầu tư công sức, tiền của xây dựng chuồng trại chăn nuôi để chuyên nuôi giống vịt trời. Đến nay, qua thực tế, ông nhận thấy hiệu quả kinh tế đem lại từ việc chăn nuôi vịt trời so với nuôi các loại vịt khác cao gấp 2 lần.
Tuy nhiên, do là loài hoang dã nên vấn đề lựa chọn vịt trời làm giống là rất quan trọng, vì nó quyết định đến 70% hiệu quả thành công trong quá trình nuôi cũng như khả năng tăng trưởng, chống dịch bệnh, ngoại hình… Do đó, trong quá trình ấp vịt trời giống, người nuôi buộc phải lựa chọn kỹ con giống và áp dụng theo đúng các tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật mới đem lại hiệu quả.
Thêm vào đó, dù nguồn gốc vịt trời đã được người nuôi thuần dưỡng, song bản tính hoang dã của chúng vẫn còn. Vì vậy, trong quá trình nuôi, người nuôi nên giữ khoảng cách với vịt để tránh làm chúng hoảng sợ. Vịt trời ăn một lượng thức ăn rất ít, so với vịt nhà thì nuôi vịt trời không hề khó bởi không cần mất nhiều công chăm sóc do chúng có sức đề kháng tốt, khả năng kháng bệnh cao khi nuôi bán hoang dã nên ít bị dịch bệnh.
Nguồn thức ăn cho vịt trời cũng không cầu kỳ, chủ yếu là các loại như: Cám, ngô, lúa, các loại rau, cây chuối… đều dễ kiếm trong vườn nhà. Với nhiều đặc tính tốt như vậy nên người nông dân có thể thử nghiệm để phát triển mô hình này.
Về kinh nghiệm chăn nuôi đàn vịt, ông Toàn chia sẻ: Ngoài việc tăng cường các loại vi chất, khoáng chất như sắt, canxi và các chất khoáng để tạo xương, giúp cho con giống có bộ khung chắc khỏe… Một bí quyết quan trọng để nhân giống đàn vịt trời là người nuôi cần phải đánh dấu từng con vịt bố, mẹ ở đàn nào, dòng nào. Việc làm này để đến khi phối giống với nhau sẽ tránh trường hợp vịt bị cận huyết làm suy thoái giống.
Nuôi vịt trời cũng giống như vịt ta nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn do chất lượng thịt của vịt trời thơm ngon hơn. Mỗi con vịt trời có cân nặng vừa phải, con trưởng thành đạt khoảng 1,2- 1,5 kg là rất phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng nên cũng dễ tiêu thụ.
Trong khi giá vịt ta chỉ bán được từ 50- 60.000 đồng/kg thì vịt trời hiện được bán ra thị trường với giá từ 80.000- 85.000 đồng/kg. Mô hình này đã mang lại cho gia đình ông Toàn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Khắc Đoan- Chủ tịch Hội ND xã Tân Phong cho biết: Để tạo điều kiện cho hội viên, nông dân trong xã tiếp cận được tiến bộ kỹ thuật, mở rộng chăn nuôi, nâng cao thu nhập, đồng thời khắc phục dần tình trạng thả gia súc, gia cầm tự do nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, Hội ND xã đã xây dựng dự án đầu tư chăn nuôi vịt trời sinh sản. Quy mô ban đầu của dự án với 10 hộ tham gia, tổng số vốn gần 800 triệu đồng; trong đó, vốn tự có 494 triệu đồng và vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh 300 triệu đồng.
Không chỉ đứng ra thế chấp vay vốn, Hội ND xã còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật giúp cho bà con nông dân và các hộ nuôi vịt trời nắm được kiến thức áp dụng vào mô hình để đem lại hiệu quả cao nhất. Hội cũng tích cực tuyên truyền, vận động để nhiều hội viên, nông dân biết về mô hình. Hội cũng tìm kiếm khách hàng giúp hội viên tiêu thụ vịt ổn định.
Dự án nuôi vịt trời đang được kỳ vọng, nếu thành công sẽ phát triển thành mô hình Tổ liên kết phát triển sản xuất và dần tạo dựng được thương hiệu riêng cho vịt trời Tân Phong. Đồng thời, mô hình sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh học tập và làm theo, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề, kinh tế ở nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Mai Anh