Hiệu quả thiết thực từ các cơ sở giết mổ tập trung ở Thanh Hóa
11:46 - 27/09/2017
Ghi nhận thực tế cho thấy, các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang phát huy ưu thế rõ rệt so với phương thức truyền thống trước đây, góp phần không nhỏ trong quá trình hình thành chuỗi liên kết bền vững…

Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) hướng đến mục tiêu hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi bền vững, trong đó mô hình giết mổ tập trung là yếu tố tiên quyết. Sau 7 năm triển khai, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả khá khả quan.

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Viết Thái, PGĐ Sở NN-PTNT cho biết: “Các tổ nhóm GAHP đều phải tuân thủ chặt chẽ  các quy trình, từ giống, thức ăn, vệ sinh thú y cho đến kỹ thuật chăm sóc, lợn đến thời kỳ xuất chuồng sẽ được nhập cho các cơ sở nằm trong phạm vi dự án. Trước, trong và sau khi giết mổ, tất cả các khâu đều có sự giám sát, kiểm định chặt chẽ từ các đơn vị chuyên ngành nên chất lượng nguồn hàng luôn đảm bảo, người tiêu dùng đánh giá cao”.

05-27-48_4
Ông Nguyễn Viết Thái nhận định, các mô hình giết mổ tập trung đóng vai trò rất quan trọng

Nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ của dự án, các chủ lò mổ tập trung đã chủ động tiến hành đầu tư, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng theo đúng hướng dẫn thiết kế của PCU với các khu chức năng riêng biệt, đáp ứng nhu cầu giết mổ sạch. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở giết mổ tập trung và 21 cơ sở giết mổ nhỏ, qua khảo sát nhiều cơ sở phát huy hiệu quả cao.

Cách đây hơn 10 năm, gia đình ông Nguyễn Thế Tiếp trú tại khu phố 7, phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa đã áp dụng mô hình nhưng triển khai với quy mô nhỏ lẻ, do đó hiệu quả kinh tế mang lại tương đối èo uột. Vì lẽ đó, khi dự án Lifsap cam kết hỗ trợ 30.000 USD, ông Tiếp đã không ngần ngại vay mượn, huy động thêm 1,2 tỷ đồng nữa để mở rộng quy mô diện tích, nâng cấp toàn bộ hệ thống giết mổ theo đúng quy chuẩn VietGAHP vào đầu năm 2016.

Lò mổ của gia đình ông Tiếp rộng trên 600 m2, bao gồm đầy đủ các hạng mục thiết yếu như phòng giết mổ (hệ thống cáp treo xoay tròn, nồi hơi, bàn inox), phòng bảo quản cấp đông, phòng kiểm dịch, phòng ăn, phòng vệ sinh, khu nuôi nhốt.

05-27-48_1
Cơ sở giết mổ tập trung của ông Tiếp có mức vốn đầu tư hơn 1,8 tỷ đồng

Nguồn hàng được nhập từ các cơ sở chăn nuôi GAHP nông hộ thuộc dự án Lifsap trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trước khi chuyển về phải qua công đoạn kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng, con nào ốm yếu sẽ được nhốt riêng ở phòng cách ly để theo dõi, trường hợp nặng phải nhanh chóng tiến hành tiêu hủy để tránh lây lan.

Theo lời ông Tiếp, thực hiện theo quy trình giết mổ treo có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương thức truyền thống. Trước tiên con lợn sẽ được xử lý lấy các bộ phận tuần tụ, sau đó được vệ sinh kỹ càng nhằm hạn chế vi khuẩn, vi trùng lây nhiễm. Công đoạn gây mê bằng xung điện kế đó vừa giúp con vật tránh đau đớn, đồng thời kìm hãm quá trình tiết ra độc tố gây hại…

Triển khai bài bản, đáp ứng chặt chẽ quy trình về VSATTP nên cơ sở giết mổ tập trung của ông Tiếp nhanh chóng chiếm được niềm tin của các hộ dân cũng như nhiều DN hàng đầu về lĩnh vực chăn nuôi (Pic Food, C.P, Bắc Bình…). Tính bình quân, mỗi ngày lò mổ đảm bảo công suất từ 30-40 đầu lợn, con số tương đối khả quan trong bối cảnh tình hình chăn nuôi đang khá trầm lắng.

Ông Tiếp bộc bạch: “Bấy lâu nay người tiêu dùng như đang lạc vào mê hồn trận, không thể phân biệt được đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn việc hình thành chuỗi liên kết khép kín, đảm bảo xuyên suốt từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến lúc xuất bán là việc làm vô cùng cấp thiết.

Triển khai theo chuỗi đồng nghĩa với giá thành đầu vào cao hơn, chưa kể áp lực về thuế má, chi phí kiểm dịch, tiền thuê mướn nhân công. Tuy nhiên cái được lớn nhất là chất lượng sản phẩm đảm bảo, một khi có được niềm tin của người tiêu dùng thì hiệu quả kinh doanh chắc chắn sẽ được nâng lên”.

05-27-48_2
Cơ sở áp dụng quy trình giết mổ treo hiện đại nên phát huy hiệu quả rõ rệt

Xác định rõ ràng quản điểm nên ông Tiếp không sớm thỏa mãn với những gì đang có, điều này được thể hiện bằng việc mua thêm 3.500 m2 đất tiếp tục mở rộng quy mô. Để tiết kiệm kinh phí và hạn chế tối đa rủi ro, ông Tiếp tích cực đấu mối với một số DN cùng nhau bắt tay triển khai, dự kiến đến năm 2019 khu giết mổ quy mô hiện đại bậc nhất sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Viết Thái khẳng định, hiệu quả thiết thực từ các cơ sở giết mổ tập trung mang lại trong thời gian qua là không phải bàn cãi. Theo kế hoạch năm 2017, Thanh Hóa sẽ triển khai thêm 2 lò mổ quy mô trên địa bàn huyện Thọ Xuân và TP Thanh Hóa, cùng với đó là 17 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ khác…

VIỆT KHÁNH- VIỆT THƯ
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo