Những năm qua, phong trào nuôi gà đồi đã được nhiều địa phương triển khai, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có xã Hà Hiệu (Ba Bể - Bắc Kạn).
|
Mô hình nuôi gà đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Với lợi thế đồi rừng, bãi chăn thả rộng, người dân xã Hà Hiệu đã chú trọng phát triển chăn nuôi gà đồi theo quy mô gia trại với số lượng từ vài trăm con trở lên, có kiểm soát dịch bệnh tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Tiêu biểu trong số đó là ông Chu Đức Phương, thôn Bản Mới, người được bà con trong thôn ưu ái đặt cho cái tên “Phương gà đồi”.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phương cho biết: Trước đây, ông và bà con trong thôn chủ yếu chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, thiếu kiểm soát dịch bệnh, sản phẩm làm ra phục vụ nhu cầu gia đình là chính. Sau khi được tham gia thực hiện mô hình nuôi gà đồi an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến lâm Bắc Kạn triển khai, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách thức nuôi gà truyền thống, ông đã mạnh dạn mua 200 con về nuôi. Sau một thời gian nuôi, gà phát triển tốt, thích ứng nhanh với điều kiện của địa phương nên ông mạnh dạn mở rộng quy mô, đầu tư mua thêm giống gà về nuôi và coi đây là hướng phát triển kinh tế bền vững của gia đình. Trung bình mỗi năm gia đình ông nuôi 2 – 3 lứa, mỗi lứa 300 – 500 con.
Sau quá trình học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, nhận thấy giống gà mua từ ngoài vào không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng khó kiểm soát, năm 2009, ông mạnh dạn đầu tư máy ấp trứng về để sản xuất gà giống, một mặt phục vụ nhu cầu chăn nuôi của gia đình, mặt khác cung ứng ra thị trường cho các hộ có nhu cầu phát triển chăn nuôi. Hàng năm, gia đình ông cung ứng ra thị trường từ 15.000 – 20.000 con gà giống phục vụ cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế của xã và người dân có nhu cầu chăn nuôi. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế cho gia đình, ông Phương còn động viên, khuyến khích các hộ dân trong thôn phát triển nghề nuôi gà đồi thông qua việc cung ứng giống, kỹ thuật, tìm đầu ra…, nhờ đó số hộ nuôi gà đồi có quy mô từ 200 con trở lên tăng từ 7 hộ năm 2013 lên thành 21 hộ năm 2015.
Ông Lê Ngọc Lợi, Chủ tịch UBND xã Hà Hiệu, cho biết, những năm qua, Hà Hiệu luôn là địa phương đi đầu trong phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là xây dựng các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, trong đó có chăn nuôi gà theo hướng tập trung với số lượng lớn. Để chăn nuôi gà đồi đạt hiệu quả cao, thông qua các chương trình dự án như Chương trình 30a, Dự án 3PAD…, nông dân được hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật để phát huy hiệu quả mô hình.
Có thể khẳng định, nuôi gà đồi là hướng chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo cho người dân. Tuy nhiên, để chăn nuôi gà thả đồi theo hướng tập trung, rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc xác định mục tiêu phát triển bền vững, tuyên truyền, quảng bá, kết nối thị trường để nông dân yên tâm sản xuất.