Đó là định hướng của tỉnh Thanh Hóa về chiến lược phát triển mía đường giai đoạn 2015 - 2020.
|
Thanh Hóa hướng tới xây dựng các cánh đồng mẫu lớn trồng mía |
Thanh Hóa là tỉnh có diện tích, sản lượng mía nguyên liệu rất lớn (diện tích bằng 11,3%; sản lượng bằng 10,4% của cả nước). Toàn tỉnh có 4 nhà máy đường, gồm: Cty CP Mía đường Lam Sơn (2 nhà máy); Cty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan và Cty CP Mía đường Nông Cống, hoạt động với tổng công suất 19.000 tấn mía/ngày; có 17/27 huyện trồng mía nguyên liệu với hơn 51.100 hộ gia đình tham gia.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, hoạt động SXKD mía đường trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra, tổng diện tích bình quân hàng năm đạt hơn 33.800 ha, đáp ứng cơ bản nguyên liệu cho các nhà máy đường hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động có thu nhập ổn định.
“5 năm qua cùng với việc đưa các giống mía mới vào trồng, các Cty và người trồng mía tập trung áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào SX đã góp phần đưa tổng sản lượng đường đạt gần 970.000 tấn, bình quân mỗi năm khoảng 200.000 tấn đường các loại. Các nhà máy SX đường tinh luyện chất lượng cao RS, RE chiếm 70 - 80%, còn lại là đường vàng; chất lượng các loại đường đều đạt tiêu chuẩn quốc tế”, ông Lê Như Tuấn, GĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho hay.
Mặc dù mía được xác định là cây trồng chủ lực ở Thanh Hóa nhưng theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Cty CP Mía đường Lam Sơn, hiện khâu tổ chức SX chủ yếu làm thủ công, chưa xây dựng được cánh đồng mẫu lớn nên năng suất, sản lượng mía bình quân của Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung vẫn đang thua kém các nước trong khu vực, dẫn đến hiệu quả kinh tế đem lại cho người dân chưa cao.
Hơn nữa, việc cung ứng phân phón trên địa bàn cũng đang thả nổi, mạnh đơn vị nào thì đơn vị đó cung ứng mà chưa đi vào quy củ thống nhất, gây ra tình trạng nhập nhèm phân bón, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả SX của người trồng mía.
Ông Tam cho rằng, cây mía không chỉ SX để làm đường mà còn tái tạo ra khoảng 200 triệu KW điện/năm nếu cả 4 nhà máy đường của tỉnh cùng làm năng lượng tái tạo. Ngoài ra, cây mía còn cung cấp nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi.
“Vì vậy, tỉnh không nên giảm diện tích mía mà cần có chủ trương tổ chức liên kết với các HTX, hình thành những cánh đồng mẫu lớn khoảng 500 ha trở lên để đưa cơ giới hóa đồng bộ vào SX, góp phần đẩy mạnh thương hiệu cây mía xứ Thanh”, ông Lê Văn Tam kiến nghị.
Được biết, ngoài SXKD mía đường, Cty CP Mía đường Lam Sơn đang có một trung tâm nghiên cứu phát triển giống mía đã và đang cung cấp giống cho nhiều Cty khác thuộc khu vực phía Nam.
Lãnh đạo Cty CP Mía đường Nông Cống thì trăn trở trong việc nâng cao năng suất mía và chữ đường. Bởi hai yếu tố trên quyết định thu nhập của người trồng mía cũng như mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi đang có kế hoạch nâng công suất nhà máy lên 6.000 tấn mía đứng/ngày. Do đó, rất cần tỉnh hỗ trợ mở rộng vùng nguyên liệu và có chính sách phù hợp cho cây trồng chủ lực này”, bà Vũ Thị Huyền Đức, Chủ tịch HĐQT Cty CP Mía đường Nông Cống nói.
"Các doanh nghiệp mía đường cũng cần xác định cụ thể giống mía cho từng vùng nguyên liệu và hỗ trợ địa phương, người dân lựa chọn xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng mía, quy mô thấp nhất từ 100 ha trở lên, có như vậy mới nâng cao thu nhập được cả người dân và doanh nghiệp", ông Quyền nói. |
Để phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía đường giai đoạn 2015 - 2020, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 tổng diện tích mía giữ ổn định khoảng 25.800 ha; năng suất 90 tấn/ha; sản lượng mía nguyên liệu đạt 2,3 triệu tấn; chữ đường trong mía bình quân đạt 11 CCS. Phát triển vùng thâm canh 20.000 ha, năng suất từ 110 - 120 tấn/ha vào năm 2020 và ổn định đến năm 2025.
“Muốn thực hiện đạt mục tiêu trên, chúng tôi đã xây dựng 5 giải pháp cơ bản, gồm: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; giải quyết hài hòa lợi ích của người trồng mía với doanh nghiệp; thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành SX mía nguyên liệu; đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa các dây chuyền SX đường, tổ chức SX các sản phẩm phụ sau đường; triển khai thực hiện và xây dựng các chính sách...”, ông Lê Như Tuấn thông tin thêm.
Cơ bản thống nhất với những quan điểm của các sở ngành và các Cty, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: “Ngành mía đường đã đóng góp rất lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho một vùng rộng lớn của tỉnh trong nhiều năm”.
Ông Quyền đề nghị các Cty khi xây dựng phương án SX phải gắn với thị trường và vùng nguyên liệu; trong tương lai phải tiến đến ổn định vùng nguyên liệu và nâng cao quy mô công suất các nhà máy. Bố trí thời gian vụ ép phù hợp để tận dụng tối đa năng suất và chữ đường cây mía. Đối với những diện tích có độ dốc cao trên 10 độ, cần xem xét chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn.