Có một lần tôi được đi công tác cùng với Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. Ông đã tâm sự với tôi khá dài về phương hướng phát triển chăn nuôi./ Trồng gì trên 'chảo lửa'?
|
Đà điểu là vật nuôi thích hợp tại miền Trung |
Ông đã đi nhiều nước trên thế giới nên tầm nhìn rất rộng và luôn có những ý tưởng táo bạo cho Việt Nam.
Chính ông là người đầu tiên đưa đà điểu về nước. Nói đúng hơn, ông đã đưa từ Úc về 100 quả trứng đà điểu. Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương đã tiến hành ấp chúng. Cũng thật hú vía vì lâu nay Trung tâm chỉ ấp trứng gà, trứng vịt chứ đâu đã ấp những quả trứng to như cái mũ cối này. Nhưng thật may, cuối cùng trứng cũng nở.
Nó nở được 37 quả, hỏng mất 1, còn 36 con nuôi được tới trưởng thành. Đó là đàn đà điểu đầu tiên của chúng ta.
Chính ông Tạn đã từng khát vọng sẽ biến cả dài đất miền Trung thành những trang trại đà điểu khổng lồ. Ông nói: “Vùng đất ấy khô hạn lắm. Ta phải chọn những loài nào thích hợp được với khí hậu đó thì mới nên phát triển”.
Ý tưởng của ông được một Cty lớn ở miền Trung – Cty Khataco Khánh Hòa biến thành hiện thực. Hồi tôi vào thăm, Cty đã có tới hơn 26.000 con đà điểu. Họ nuôi ở nhiều trại. Lúc đó, bác Hoàng làm Tổng giám đốc.
Tôi có một kỷ niệm nhớ đời với bác Hoàng. Bác nói với tôi: “Con đà điểu chỉ được cái mình to nhưng đầu lại nhỏ. Con này ít óc nên ngu lắm! Nhưng nó ngu như vậy mà cả ông và tôi lại còn ngu hơn nó”.
Bác cười hà hà rồi giải thích: “Đà điểu cả đời sống ở trên sa mạc. Nó có cần nhà đâu. Mưa, nắng có ảnh hưởng gì tới nó đâu. Tại sao mình lại phải tốn tiền làm nhà cho nó”.
Thế rồi, bác đưa chúng tôi đi thăm. Các trang trại đà điểu của Cty nằm rải rác trên các đồi cát. Họ không làm nhà mà chỉ dùng cây tre quây xung quanh mà thôi…
Đà điểu dễ sống và dễ nuôi. Nó ăn cám và rau xanh như các loại gia cầm. Chỉ có khác là, rau của nó có thể là cỏ voi, là lá mía, lá ngô được cắt nhỏ. Nuôi nó 3 tháng là đã có thể đạt 30 kg. Nuôi 1 năm sẽ được trên 1 tạ.
Thịt đà điểu đỏ như thịt bò nhưng lại mềm như thịt gà, rất ngon, giàu dinh dưỡng, ít mỡ và ít cholesterol. Giá thịt đà điểu chưa bao giờ rẻ. Lông của chúng cũng bán được nhiều tiền. Đặc biệt, 1 cái da đà điểu nếu thuộc tốt thì có thể bán tới vài trăm đô la. |
Ông Tạn cho bọn tôi biết: "Ở bên Trung Quốc, máu đà điểu được chế biến và đóng thành viên nang. Đó là loại thuốc kỳ diệu cho đàn ông". Ông chia cho mỗi người mấy viên. Chúng tôi chưa dám uống vì sợ sẽ… hăng hơn đà điểu!
Rất nhiều nơi đã nuôi đà điểu. Tiềm năng đất đai ở khu vực miền Trung có thể nuôi được đà điểu còn rất lớn. Ta có thể biến ước mơ của cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thành hiện thực được không? Điều này đòi hỏi các cơ quan của Nhà nước phải vào cuộc. Khi nuôi nhiều lên thì thịt tiêu thụ như thế nào? Da sẽ thuộc ở đâu? Lông bán cho ai?...
Nếu tổ chức tốt, chúng ta hoàn toàn có thể đẩy mạnh việc nuôi đà điểu trên khắp mọi miền, đặc biệt là trên các dải cát ở miền Trung. Khi cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở vùng này, xin quý vị đừng quên đưa con đà điểu vào nuôi dưỡng.
Tôi đã đến thăm trang trại của anh Trần Vĩnh Dũng ở Đồng Hới, Quảng Bình. Anh nuôi tới 100 con đà điểu. Đàn đà điểu của anh phát triển rất tốt. Nắng nóng không ảnh hưởng gì tới chúng (nó còn sống được cả trên sa mạc cơ mà).
Chúng đẻ rất đều. Anh Dũng cũng ấp được trứng đà điểu và cấp con giống cho nhiều nơi. Ngoài ra, anh còn tổ chức nuôi tôm trên cát. Những ao tôm rộng lớn mọc lên giữa vùng cát trắng mênh mông.
Anh tâm sự, lúc anh quyết tâm ra đây để xây dựng trang trại, mọi người bảo anh là thằng điên, vùng hoang mạc xơ xác ấy thì làm ăn được gì. Nhưng anh, chị vẫn quyết tâm. Cho tới hôm nay, các ao tôm của anh cũng thu được cả tỷ bạc.
Ngoài ra, anh còn đà điểu, lợn rừng, nhông cát và cá ở các mương quanh trại tiếp tục cho anh nguồn thu rất lớn. Rõ ràng, trên những vùng khô hạn, thậm chí là hoang hóa, nếu chúng ta chọn đúng đối tượng và làm đúng cách vẫn có thể có được những nguồn thu lớn.
Có một lần tôi vào Hòa Thắng (huyện Bắc Bình, Bình Thuận). Giữa trưa nắng rát, một cặp vợ chồng hì hục đào bắt nhông trên cồn cát nóng bỏng. Họ đào suốt 1 ngày mà chỉ bắt được có vài cặp nhông. Nhưng từng đó cũng đã đủ để họ phấn khởi lắm rồi.
Tôi bàn với anh em ở địa phương để tổ chức nghiên cứu và xây dựng nên quy trình nuôi nhông cát cho bà con. Cả chủ tịch và phó chủ tịch xã đều xung phong đi đầu để làm thực nghiệm. Kết quả rất mỹ mãn.
Chúng tôi hoàn thành quy trình và phổ biến rộng rãi cho bà con. Nay ở Hòa Thắng đã có tới trên 300 hộ tổ chức nuôi nhông cát. Rất nhiều nơi bà con đã tiến hành nuôi. Nóng như vậy mà bà con vẫn có cách để kiếm ra tiền thì là điều rất nên học tập.
Trong lúc chúng ta chờ đợi Nhà nước có đầy đủ kinh phí để áp dụng các biện pháp tiên tiến như Israel để chung sống với nắng hạn thì các biện pháp đơn giản, những giống vật nuôi quen thuộc cũng giúp cho bà con ta có thêm nguồn thu nhập, vượt qua những mùa hè nóng bỏng, khô cháy. |
Một loài bò sát khác là con kỳ đà cũng có thể tổ chức nuôi dễ dàng. Anh Đỗ Thanh Tùng (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) có một trại gà lớn giữa một cồn cát. Anh tổ chức ấp và cung cấp giống cho địa phương. Tận dụng lượng gà con bị chết và các quả trứng bị hỏng, anh nuôi thêm kỳ đà.
Kỳ đà là loài lại thích ăn các thịt đã bị phân hủy và đã bốc mùi. Trứng thối đối với chúng là món ăn hảo hạng. Kỳ đà chịu nắng hạn rất giỏi. Có lẽ, đó là đặc điểm chung của các loài bò sát. Con lớn có thể dài tới 2,5 m và nặng 8 - 9 kg.
Thịt kỳ đà ngon hơn thịt cá sấu. Lưỡi và mật của chúng lại là vị thuốc quý. Da kỳ đà sau khi thuộc được bán rất đắt… Vì vậy, những vùng khô hạn, bà con nên nghĩ tới việc nuôi thêm các loài bò sát như kỳ đà, nhông cát, rắn… để có thêm nguồn thu nhập.
Còn về gia súc thì dê và cừu là hai đối tượng truyền thống mà bà con ở vùng này đã nuôi từ lâu. Đấy là những loài vật nuôi có khả năng thích nghi tuyệt vời với nắng nóng.
Có những gia đình ở đây nuôi tới vài trăm con dê. Buổi sáng, đàn dê đi rầm rầm như cả sư đoàn. Giống dê Bách Thảo có lẽ là giống dê khá nhất ở đây, con đực có thể nặng tới 70 - 80 kg.
Dê chịu kham, chịu khổ hơn nhiều loài khác. Việc tổ chức nuôi chúng cũng không tốn kém nhiều về chuồng trại. Giá thịt dê hình như chỉ có tăng chứ không bị giảm…
Nhưng thích ứng nhất với vùng khô hạn này phải kể tới con cừu. Cừu chịu nắng nóng hơn tất cả các loài vật nuôi khác. Bầu trời như thiêu như đốt mà nó vẫn cần mẫn đi tìm những ngọn cỏ hiếm hoi trên những thửa ruộng khô khốc. Hết cái ăn được, nó phải dùng tới cả xương rồng.
Trong những cánh rừng neem mà bà con trồng ở Phước Dinh, chúng tôi đã thấy nhiều đàn cừu nối nhau đi kiếm ăn ở đó. Dưới tán neem, nhiệt độ thấp hơn vẫn có những vạt cỏ mọc được.
Tôi vẫn mơ ước, hàng chục vạn thanh niên tình nguyện của cả nước sẽ về những vùng này để góp sức trồng rừng và tốt nhất là rừng neem. Họ sẽ làm nên một mùa hè xanh đầy ý nghĩa. Có rừng là sẽ giữ được nước. Có nước thì cây cỏ sẽ mọc lên, có điều kiện chăn thả gia súc…