Xóa cảnh qua sông phải lụy đò
Vùng nông thôn huyện Châu Thành, An Giang vốn có đặc thù kênh rạch chằng chịt nên việc đi lại của bà con gặp muôn vàn khó khăn. “Thấy cảnh con cháu mình đi học phải đem theo cái thau để cởi quần áo bỏ vô, bơi qua sông cho khỏi ướt mà đứt ruột. Chỗ nào may mắn có được chiếc cầu khỉ thì lại phải vác xe đạp, lần từng bước qua sông, khó khăn vô cùng. Chiếc cầu treo là ước mơ của biết bao người” – lão nông Thạch Văn Nhơn (Ba Nhơn – SN 1945) bộc bạch.
Từ hình ảnh gian khó đó, Ba Nhơn cùng 2 ông bạn già Phạm Văn Liếu (Tư Liếu - SN 1946) và Nguyễn Văn Hùng (Ba Hùng - SN 1949), quyết chí hợp lực xây cầu. “Tôi là nhà thiết kế, lo bản vẽ; Ba Hùng là nhà xây dựng, lo nhân công, lực lượng trực tiếp làm cầu; anh Ba Nhơn là nhà vận động, lo kêu gọi, quyên góp tài vật” – ông Tư Liếu cho biết nhiệm vụ cụ thể của từng người.
Lão nông Ba Hùng cho biết từ khi có ý tưởng bắc cầu treo của nhóm (vào năm 1996) cho đến khi thực hiện được chiếc cầu treo đầu tiên cũng mất đến 3 năm. “Sau khi trình bày ý tưởng và nguyện vọng bắc cầu treo, tôi được UBND huyện mời lên và sau đó yêu cầu tôi phải có bản vẽ. Rồi tôi cũng vẽ được bản vẽ đầu tiên, sau đó chờ Sở GTVT thông qua, đến năm 1999 thì bắc được chiếc cầu đầu tiên qua rạch Chắc Cà Đao, xã Hòa Bình Thạnh” – ông Tư Liếu nhớ lại.
Những nhịp cầu nhân ái
Quan điểm
Tính từ 1999 đến nay, 3 anh em tụi tôi đã vận động xây được trên 250 cây cầu treo kiên cố và bán kiên cố chủ yếu là ở huyện Châu Thành. Còn sửa chữa, duy tu và bắc cầu gỗ thì không sao nhớ hết.
Dưới sông ghe thuyền qua lại thuận lợi, học sinh hai bên bờ thì vui mừng khôn tả mà nhà nước chỉ bỏ ra có 20 triệu đồng trong tổng kinh phí 120 triệu đồng làm cầu. Phần còn lại đều do 3 lão nông Tư Liếu, Ba Nhơn và Ba Hùng vận động nhân dân địa phương đóng góp.
“Từ chiếc cầu đầu tiên, suốt 15 năm nay 3 anh em tụi tôi ngày ngày vẫn cặm cụi người thì lo bản vẽ, người lo vận động, người lo nhân công, cứ thế hết xã này qua xã khác và từ từ ra các huyện khác và tỉnh khác. Cầu nào có quy mô lớn thì nhà nước và nhân dân cùng làm” – ông Ba Hùng cho biết.
Lão nông Ba Nhơn chia sẻ: “Tính từ 1999 đến nay, 3 anh em tụi tôi đã vận động xây được trên 250 cây cầu treo kiên cố và bán kiên cố chủ yếu là ở huyện Châu Thành. Còn sửa chữa, duy tu và bắc cầu gỗ thì không sao nhớ hết. Mỗi người chỉ góp một ít nhưng làm nên chiếc cầu mang lại ý nghĩa xã hội lớn lao nên bà con nhân dân khắp nơi đều chung lòng. Chúng tôi bắc được nhiều cầu treo chính là nhờ kết nối được những tấm lòng”.
Ông Hồ Quang Hoài - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Châu Thành cho biết: “15 năm qua, họ đã góp phần rất lớn phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, làm thay đổi diện mạo nông thôn huyện Châu Thành. Đặc biệt nhờ có cầu mà hạn chế đáng kể hiện tượng học sinh vùng nông thôn bỏ học giữa chừng”.