Vựa cam phố núi
09:09 - 30/05/2015
Xã Phù Lưu (Hàm Yên, Tuyên Quang) nằm dưới chân núi Cham Chu, với độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển. Nhờ hợp khí hậu, đất đai nên cây cam sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Vườn cam nhà anh Bảo

“Cứ đi khi nào thấy nhiều nhà hai tầng bên đường là tới ủy ban xã. Còn vào làng trồng nhiều cam phải đi xa hơn, khi tới nơi có nhiều biệt thự, nhiều xe ô tô như ở thành phố là tới”. Đó là lời chỉ đường của người dân khi chúng tôi tìm đến làng Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên, Tuyên Quang).
 

Phất lên nhờ thương hiệu

Xã Phù Lưu nằm dưới chân núi Cham Chu, với độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển. Nhờ hợp khí hậu, đất đai nên cây cam sinh trưởng và phát triển rất tốt. Ở đây, cây cam được trồng từ xa xưa, hỏi về nguồn gốc thì không ai còn nhớ. Ngày trước mỗi nhà chỉ trồng vài chục gốc, dần dà các hộ mua thêm đất nhân thêm giống để phát triển, tới giờ diện tích trồng cam của xã đã tới 819,7 ha và riêng hai làng Mường và Khiêng chiếm tới 600 ha.
 

Trước đây, cam không được giá, chỉ vài ba nghìn đồng 1 cân, người trồng cam cũng chỉ ổn định cuộc sống chứ nói đến làm giàu thì không thể. Từ năm 2010 cam sành Hàm Yên có thương hiệu bán tại vườn với giá từ 8.000 - 10.000 đ/kg, nhờ vậy mà họ hái ra tiền sau mỗi vụ thu hoạch. Nhà trồng nhiều trở thành tỉ phú sau vài năm, họ xây được nhà to, còn mua được xe hơi.
 

Phù Lưu chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày và Dao sinh sống, chiếm 81%. Đi từ đầu làng tới cuối làng để tìm một nếp nhà sàn ở đây thật hiếm hoi, có chăng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dọc hai bên đường nhà xây mọc lên như nấm, ô tô chạy về làng còi inh ỏi. Mọi thứ nơi đây giống một thành phố thu nhỏ hơn là một làng của xã miền núi.
 

Vào thăm ngôi biệt thự của anh Hoàng Ngọc Bảo nằm dưới chân núi ở cuối làng vừa mới xây xong. Anh Bảo còn trẻ lắm, mới 35 tuổi là người dân tộc Tày, vậy mà anh là chủ của 5 ha cam hơn 1.000 gốc, hàng năm thu về khoảng hơn 60 tấn, trừ chi phí nhẹ nhàng cũng được 300 - 400 triệu đồng.

13-22-23_h2

Ngôi nhà anh Hoàng Ngọc Bảo

Ông Ma Hoa Tàm, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, trước đây cây cam chỉ giúp bà con ổn định cuộc sống chứ không thể làm giàu. Từ năm 2010 cam sành có thương hiệu, bán được giá nên nhiều có tiền xây nhà, sắm ô tô...
Tính sơ sơ có 40 nhà vừa xây xong trị giá tiền tỷ/căn, chưa tính những nhà xây vài trăm triệu và đang xây. Xe ô tô đắt tiền cũng có gần 40 chiếc. Trong tương lai xã sẽ đề nghị xây dựng làng Mường trở thành khu du lịch sinh thái...


Hỏi về ngôi nhà mới xây anh cười nói: "Vài năm gần đây cam được giá, cuối năm cũng để ra được vài trăm triệu. Năm 2013 bắt đầu xây nhà đến cuối năm ngoái thì xong, khoảng 1,2 tỷ đồng. Tôi nghỉ học ở nhà trồng cam từ năm 1999, mới đầu có vài chục gốc, sau mua thêm đất để trồng tới giờ được hơn 1.000 gốc".
 

Tôi bảo anh xây được nhà rồi năm nay mua thêm chiếc ô tô thi thoảng chở cả nhà đi chơi cho tiện. Anh không ngần ngại đáp: "Đang tính cuối năm đấy!".
 

Có đến mới biết ở đây nhiều gia đình còn thu về tiền tỷ sau mỗi mùa cam chứ không phải chỉ tiền trăm. Gia đình anh Ma Văn Nhiêu trồng hơn 2.000 gốc cam, mỗi vụ được hơn 100 tấn thu bạc tỷ. Anh Nhiêu cũng mới xây xong nhà, dư giả anh mua luôn chiếc ô tô, cả nhà cả xe cũng khoảng hơn 2 tỷ.
 

Giàu vì chịu khó

Theo anh Bảo lên thăm vườn cam ở lưng chừng núi, tới nơi cũng là lúc đôi chân mỏi nhừ, mồ hôi rơi lã chã. Thế mà họ vẫn gánh ngược phân lên để bón và thuốc BVTV lên để phun.
 

Nói người dân ở đây hái ra tiền sau mỗi vụ thu hoạch cũng không phải chuyện đơn giản. Quá vất vả, họ nghĩ ra làm “tời vận chuyển” để giúp phần nào giải phóng sức người và ngựa. Thế nhưng không phải chỗ nào cũng làm được tời vì khi vận chuyển cũng khá nguy hiểm, phải được đặt ở nơi không có nhà và ít người qua lại. Chủ yếu họ vẫn dùng sức người là chính.

h5091237277

Người dân dùng tời đưa phân lên sườn núi để bón cam
 

Anh Bảo cho biết: "Giống cam sành trồng sau 3 năm là cho thu hoạch, cứ làm cỏ bỏ phân hàng tháng là cây phát triển tốt. Trồng cam đơn giản lắm, so với giống cây cùng họ thì ít thấy sâu bệnh hơn nhiều. Có lẽ là do phù hợp đất và khí hậu…".

Thanh Ngà/ Theo NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo