Nông dân cần mô hình có sức sống
15:51 - 28/05/2015
Nông dân nghèo chúng tôi, khi được tập huấn hay được nhận những khoản hỗ trợ để thực hiện các mô hình khuyến nông đều rất vui… Nhưng rồi những kinh nghiệm ấy, mô hình ấy nhiều khi trôi tuột đi, chẳng áp dụng được vào đời sống và sản xuất của chúng tôi.
Đoàn cán bộ Dự án HKI kiểm tra việc vận dụng kiến thức và kinh phí dự án hỗ trợ của nông dân. Ảnh: Kiều Thiện

Đánh thức năng lực nông dân

Tôi đã có hơn 40 năm làm nông dân, gắn bó với ruộng với nương khi mới lọt lòng mẹ, nhưng kiến thức về sản xuất hiệu quả thì chưa có bao nhiêu. Chính bởi thế nên bao năm tần tảo chúng tôi vẫn nghèo. Nhưng nói vậy không phải là Nhà nước bỏ quên chúng tôi mà chúng tôi được Nhà nước quan tâm nhiều lắm, đặc biệt là việc tập huấn khuyến nông, chuyển giao kiến thức làm ăn. Bản thân tôi cũng như không ít nông dân ở đây đã tham gia nhiều mô hình khuyến nông: Thâm canh lúa nước, thâm canh ngô lai, trồng cây ăn quả, nuôi lợn hướng nạc, nuôi gà thả vườn, tận dụng rác thải làm phân bón, sản xuất rau xanh trên đất vườn, đất ruộng một vụ… Khi cán bộ về tập huấn chúng tôi vẫn tham dự nhưng cán bộ quay lưng về đơn vị là kiến thức cũng bay theo. Vậy là dân nghèo vẫn nghèo.Khi tham gia những mô hình, những lớp tập huấn của “Dự án cải thiện an ninh lương thực hộ gia đình và dinh dưỡng thông qua việc sản xuất thực phẩm tại gia đình” (của một tổ chức phi chính phủ đang triển khai tại Sơn La) về mục tiêu dinh dưỡng và sức khỏe gắn với ổn định an ninh lương thực hộ trong 2 năm vừa qua, lúc đầu tôi cũng nghĩ: Rồi kết quả lại như các lớp tập huấn khác?

Đừng để dự án ra đi, người nghèo ở lại

Quan điểm
 
Nông dân Đinh Văn Quân
  Tôi hy vọng rằng sau 1-2 năm những dự án kết thúc, các mô hình vẫn còn nguyên sức sống và nhân rộng hơn nhiều, chứ không phải cảnh dự án ra đi, người nghèo ở lại! 
Thật may, điều này không xảy ra, hàng chục hộ nông dân ở xã Tân Lang này tham gia vào dự án và đã có những kết quả rất tốt. Chúng tôi đã được cải thiện thu nhập trên nhiều hoạt động: Chăn nuôi lợn, bò, gà, vịt; thâm canh rau xanh, ngô lúa, lúa, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường mà họ còn giúp chúng tôi những kinh nghiệm sống gắn với bảo vệ sức khỏe, phòng-chống-chữa trị bệnh tật. Những mô hình sản xuất gắn với dinh dưỡng mà họ xây dựng đã thành công và đang nhân rộng rất nhanh trên địa bàn xã, thiết thực giúp cho cuộc sống hôm nay và cả tương lai mai sau của chúng tôi thêm tốt đẹp.

 

Tôi ngẫm nghĩ và nghiệm ra rằng: Những lớp tập huấn, những mô hình kinh tế hay xã hội muốn đi vào đời sống người dân để phát huy hiệu quả cao nhất thì phải có cách làm thích hợp. Mô hình, dự án chỉ thành công khi mà đúng cách: Chọn đúng đối tượng tham gia, tuyên truyền kỹ, giải thích sâu và cử hẳn cán bộ kỹ thuật bám dân cả năm trời, cầm tay chỉ việc để những kiến thức ấy thành kiến thức của dân. Ngoài ra dự án cần hỗ trợ kinh phí để dân nghèo có điều kiện mà thử nghiệm kiến thức, mà vận dụng kiến thức ấy vào thực tế, tạo nên thành công trước mắt và lâu dài nên thu hút người dân làm theo rất nhanh. Họ cũng biết cách huy động, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng chung tay nên nhưng mô hình, những kiến thức của họ chuyển trao cho chúng tôi nhanh chóng đi vào đời sống và sản xuất của người dân.

Nguồn: Dân Việt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo