Một mô hình nuôi heo mới bằng đệm lót sinh học, vừa tránh được mùi hôi gây ô nhiễm môi trường, vừa không phải tắm dội cho heo nên tiết kiệm được nhân lực và khoản lớn chi phí. Đây là mô hình chăn nuôi đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam chỉ mới áp dụng từ vài năm trở lại và đang được bà con nông dân hưởng ứng thực hiện.
Với phương pháp nuôi mới này, người chăn nuôi chỉ cần sử dụng một lượt đệm lót bằng mùn cưa, trấu hoặc bã mía, vỏ dừa, thân cây ngô (bắp), trải xuống nền chuồng dày chừng 60 cm, sau đó mua chế phẩm sinh học Bannasa theo định mức 1 kg/35 m2, rắc trộn đều trên lớp đệm, sau 3 ngày chế phẩm sinh học sẽ tự sinh ra các sinh vật tiêu hủy các chất thải như phân, nước tiểu của đàn heo. Vì thế chuồng heo luôn sạch sẽ, không có ruồi, muỗi. Người chăn nuôi không phải tắm, dội chuồng và nhọc công xử lý chất thải. Vào mùa đông lớp sinh học tạo ra nhiệt giữ ấm cho đàn heo, giúp heo tăng trưởng nhanh.Đến thăm chuồng nuôi heo của anh Huỳnh Tấn Chiến ở khu phố 4, phường Tân An, thị xã La Gi, anh Chiến cho biết: Gia đình anh sống chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập chăn nuôi heo, thời gian trước đây anh nuôi theo phương pháp truyền thống, dù cố gắng xử lý thật tốt chất thải vẫn không thể tránh được mùi hôi, hàng xóm rất phiền phức, nhưng không biết làm gì hơn. Vừa qua anh xem báo thấy nhiều nơi nông dân chăn nuôi theo mô hình đệm lót sinh học, anh bỏ công tìm hiểu rồi nhờ thêm hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, gia đình anh mạnh dạn chuyển đổi cách nuôi. Đến nay, đàn heo rất mạnh khỏe, mau lớn, ngoài ăn cám, suốt ngày đàn heo cứ chúi mũi xuống lớp đệm lót rà kiếm thức ăn, quanh khu vực chuồng trại không hề có mùi hôi. Cũng theo lời anh Chiến, đây là lứa thứ hai anh nuôi theo mô hình đệm lót sinh học. Cái sướng thứ nhất nuôi heo theo phương pháp này là không gây ô nhiễm môi trường, bà con lối xóm không còn than phiền. Sướng thứ hai là không phải tốn công tắm heo, dội chuồng, nội khoảng này thôi đã thấy tiết kiệm đáng kể.
Về chi phí đầu tư cho cách nuôi mới này cũng hết sức ấn tượng, theo nhẩm tính của anh Chiến, tổng cộng chừng 200.000 đồng gồm tiền mùn cưa, trấu, tiền mua men vi sinh. Tính ra so với cách nuôi truyền thống giảm được trên 20% chi phí.
Cạnh đó, Nguyễn Thanh Hùng ở khu phố 3 cũng đã chuẩn bị xong chuồng trại, lớp đệm lót, chuẩn bị thả đàn heo 20 con. Hiện nay trên địa bàn Tân An, ngoài gia đình anh Chiến, anh Hùng còn rất nhiều gia đình khác cũng đang mạnh dạn chuyển đổi cách nuôi theo phương pháp đệm lót sinh học.
Với phương pháp chăn nuôi mới này, nếu bà con đồng loạt thực hiện, tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư do mùi phân heo phát tán sẽ giảm triệt để.