Nơi thủy nông viên 'hùng hậu'
17:35 - 11/05/2015
Giám đốc HTXNN Nhơn Phúc, ông Trần Văn Từng, cho biết: Xã Nhơn Phúc có 8 thôn, mỗi thôn được bố trí từ 3 - 5 TNV. Mỗi TNV có trách nhiệm dẫn nước tưới từ 15 - 20 ha đất SX tùy địa bàn.
Bước vào mùa vụ, các tài công trực tại trạm bơm 24/24 để bơm nước phục vụ SX

Trong chuyến công tác về HTXNN Nhơn Phúc (TX An Nhơn-Bình Định) vừa qua, lúc vào đến trụ sở thì tôi gặp ngay quang cảnh náo nhiệt trong phòng họp của HTX, hàng chục nông dân đang bàn tán xôn xao. 

Ngại ngùng, tôi hỏi nhỏ một nông dân trung niên: “Hôm nay HTX có việc gì mà đông vui vậy anh?”. “Có gì đâu, chuẩn bị gieo sạ vụ HT 2015, anh em thủy nông viên (TNV) bọn tui họp lại để bàn công việc dọn dẹp kênh mương, kế hoạch dẫn nước để phục vụ SX”, anh trả lời.

Hóa ra đây là cuộc họp các TNV của HTXNN Nhơn Phúc. Không khí của cuộc họp rất sôi nổi, hàng loạt vấn đề được đặt ra.

Nào là tuyến kênh mương nội đồng kia đang xuống cấp, rò rỉ lớn, cần phải sửa chữa gấp mới có thể phục vụ SX cho vụ HT trong điều kiện nắng hạn. Nào là kế hoạch phối hợp để những vùng ruộng cao không bị thiếu nước trong quá trình cây lúa phát triển làm ảnh hưởng năng suất…Ý kiến nào cũng đầy trách nhiệm.

Cuối buổi họp, tôi tranh thủ gặp Giám đốc HTXNN Nhơn Phúc, ông Trần Văn Từng, để lấy thêm thông tin.
 

Nói về lực lượng TNV, ông Từng khoe: “HTX chúng tôi có 462 ha đất canh tác lúa và 130 ha trồng cây màu. Do địa bàn xã nằm cuối nguồn nước tưới nên việc dẫn nước đưa về từng đám ruộng luôn gặp khó khăn, nhất là vào những mùa hạn.

Trong điều kiện này, chúng tôi bằng mọi cách phải duy trì lực lượng TNV đảm trách việc cung ứng nước để bảo đảm mùa vụ. Hiện TNV và cán bộ HTX có đến 33 người phối hợp với nhau làm việc rất nhịp nhàng”.
 

Theo ông Từng, xã Nhơn Phúc có 8 thôn, mỗi thôn được bố trí từ 3 - 5 TNV. Mỗi TNV có trách nhiệm dẫn nước tưới từ 15 - 20 ha đất SX tùy địa bàn. Tiền công được HTX tính theo diện tích đảm nhiệm tưới.

“Để duy trì hoạt động của lực lượng TNV, chúng tôi sử dụng hết nguồn thu thủy lợi phí nội đồng do UBND tỉnh quy định ở mức thu 25.000 đ/sào/vụ đối với diện tích nước tự chảy và 32.500 đ/sào/vụ đối với diện tích hưởng nước trạm bơm điện để đầu tư hết cho công tác nạo vét kênh mương.
Đồng thời trích một phần kinh phí từ nguồn cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước để chi trả công nạo vét kênh mương cho các TNV. Tuy nhiên, dù đã “dốc cạn” các khoản, nhưng chế độ dành cho các TNV vẫn còn rất thấp so với công lao động bên ngoài”, ông Từng bộc bạch.

Nông dân Lê Văn Đức (56 tuổi), TNV phụ trách địa bàn thôn Nhơn Nghĩa Đông có trách nhiệm lo nước tưới cho 57 ha lúa và 5 ha cây màu. Trong số đó có 38 ha nằm trong diện "ăn" nước tự chảy từ hồ Núi Một và 25 ha "ăn" nước trạm bơm.
Đối với diện tích ăn nước tự chảy, trước mỗi vụ SX ông Đức phải mất đến 80 công để nạo vét kênh mương, mỗi công được HTX trả 57.000 đ, tổng thu khoản 5 triệu đ; công nạo vét hệ thống kênh mương ăn nước trạm bơm được nhận thêm 4 triệu đ nữa.

09-18-58_2

Đầu vụ TNV vất vả với công việc nạo vét kênh mương

“Có hoạt động của TNV, trên địa bàn không bao giờ xảy ra nạn nông dân tranh giành nước tưới vừa làm thất thoát nguồn nước vừa dẫn đến xô xát gây mất an ninh trật tự trên địa bàn”, ông Trần Văn Từng.

“Nếu là vụ ĐX có nhiều thời gian chuẩn bị, tui vận động người trong gia đình ra nạo vét kênh mương để nhận được số tiền kha khá một chút. Vào những vụ HT, thời gian chuẩn bị ít quá, nếu làm cật lực mà vẫn không kịp thì trong giai đoạn cuối tui phải thuê công ngoài, chấp nhận trả cho họ 130.000 đ/công. Dù thâm tiền nhưng hoàn thành nhiệm vụ, cũng vui”, ông Đức nói trút lòng.
 

Theo lời ông Đức, với nhiệm vụ dẫn nước tưới cho diện tích 57 ha, ông phải làm chung với 1 người nữa mới lo xuể công việc. Từ khi bước vào vụ SX đến khi thu hoạch phải làm quần quật suốt 4 tháng, tính cả công nạo vét kênh mương và công dẫn nước mỗi người được nhận 9 triệu đồng/4 tháng.
 

“Tui còn làm luôn chức trưởng thôn và đi thu tiền thủy lợi phí nội đồng cho HTX để kiếm thêm thu nhập may ra mới đủ xoay xở cuộc sống gia đình”, ông Đức bộc bạch.

Nông dân Nguyễn Kỳ Sơn (57 tuổi), TNV phụ trách tưới cho 30 ha đất SX trên địa bàn thôn Thắng Công, bày tỏ thêm: “Bước vào mùa vụ là tui làm “lún xác” đến cuối vụ. Gặp thời điểm nắng nóng gay gắt là phải làm thâu đêm thì mới hoàn thành được nhiệm vụ. Gặp những lúc sông khô không bơm nước lên được hoặc máy bơm bị trục trặc, nước chậm về là nông dân cứ vây mình mà mắng, dù không phải lỗi do mình nhưng cứ phải ráng nghe”.


Theo ông Trần Văn Từng, GĐ HTXNN Nhơn Phúc, dù những TNV của HTX đang làm việc rất có trách nhiệm, nhưng nếu thu nhập của họ cứ kéo dài mức “thấp tịt” như thế này thì khó mà duy trì lực lượng. Bởi, với mức 2,5 triệu đ/tháng/người thì thu nhập của TNV còn thấp hơn lương làm bảo vệ cho các Cty, mà suốt ngày phải phơi lưng dưới nắng.
 

Ông Từng đề nghị: “Chỉ cần tăng mức thu thủy lợi phí nội đồng lên 500.000 đ/ha/năm (25.000 đ/sào/vụ) là thu nhập của TNV sẽ tương đối được bảo đảm. Đối với bà con nông dân, mức tăng 25.000 đ/sào/vụ chẳng đáng là bao, chỉ mất thêm 4 kg lúa/vụ mà việc cung ứng nước cho SX được lo chu đáo”.

Vũ Đình Thung/ Theo NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo