Trải qua gần 20 năm kể từ những ngày đầu “lò dò” đặt chân đến thị trường Mỹ, tôm cá Việt Nam hiện đã giành được thị phần khá ổn định, lọt vào danh sách những sản phẩm thủy sản được ưa thích tại Mỹ.
Chinh phục “ông lớn” Mỹ
Năm 1994, những lô hàng thủy sản đầu tiên của Việt Nam xuất hiện tại thị trường Mỹ. Dù giá trị kim ngạch trong những năm đầu tiên còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 6 triệu USD, tuy nhiên, theo đánh giá, việc đặt chân được đến thị trường rộng lớn này đã mở ra cơ hội mới cho ngành thủy sản Việt Nam.
Đến năm 2001, Mỹ lọt vào danh sách các nước nhập khẩu chính của thủy sản Việt Nam với tổng giá trị khoảng 500 triệu USD, chiếm khoảng 28,4% thị phần. Hiện tại, Mỹ là thị trường lớn nhất của thủy sản xuất khẩu Việt Nam ở 4 mặt hàng, gồm tôm, cá tra, cá ngừ và cua ghẹ.
Là sản phẩm xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam, mặt hàng tôm đông lạnh cũng đã có mặt tại thị trường Mỹ từ đầu những năm 2000. Đặc biệt, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng mạnh trong năm 2013 với giá trị kim ngạch đạt khoảng 831 triệu USD, tăng 82,5% so với năm 2012.
Bên cạnh tôm, cá tra cũng được xem là “con cá vàng” của thủy sản Việt Nam tại thị trường Mỹ. Năm 2009, lần đầu tiên cá tra, cá basa Việt Nam lọt vào danh sách thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ, xếp ở vị trí thứ 10, với mức tiêu thụ bình quân 0,356 pound/người (1pound = 0,45kg). Kể từ đó đến nay, loài cá này đã không ngừng “thăng hạng” tại Mỹ. Năm 2011, với mức tiêu thụ bình quân đạt 0,628 pound/người, tăng thêm 0,223 pound so với 0,405 pound trong năm 2010, cá tra Việt Nam lần đầu tiên vượt qua cả cá da trơn Mỹ nhảy từ vị trí số 9 lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng 10 loại thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ, tức tăng thêm 3 bậc so với năm trước đó.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến, Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sự gia tăng nhanh chóng của xuất khẩu cá tra vào Mỹ đã khẳng định vị trí loại thủy sản này trong lòng người tiêu dùng Mỹ. Hiện tại, Mỹ là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam, chiếm khoảng 22% thị phần trong năm 2014.
Biển to, sóng lớn
Cũng theo ông Trương Đình Hòe, thị trường Mỹ là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhưng cũng là thị trường phức tạp nhất và khó khăn nhất bởi các tranh chấp thương mại hay các yêu cầu kỹ thuật khắt khe trong xuất nhập khẩu hàng hóa...
Theo đó, những vụ kiện chống bán phá giá, vụ kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm đông lạnh… đã khiến nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Mỹ gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Văn Lĩnh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng), cho rằng, cùng với sự tăng trưởng của xuất khẩu tôm cá Việt Nam vào Mỹ, hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản nội địa nước này ngày càng teo tóp. Do đó, hàng rào thuế quan và các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng là cách để Chính phủ nước này bảo vệ người tiêu dùng và ngành sản xuất trong nước.
Việc áp thuế chống bán phá giá lên tôm, cá nhiều lần khiến doanh nghiệp Việt gần như phải buông bỏ thị trường Mỹ, lượng xuất khẩu giảm rõ rệt. Cụ thể, sau khi lần đầu tiên đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá vào cuối năm 2002, lượng cá tra Việt Nam tại thị trường Mỹ đã giảm từ 5.000 tấn năm 2003 xuống còn 274 tấn năm 2005. Mới đây nhất, trong quý I.2015, xuất khẩu thủy sản vào Mỹ đã giảm đến 44% so với cùng kỳ năm trước do bị áp thuế cao.
Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam liên tục bị cảnh báo về tình trạng nhiễm khuẩn, kháng sinh… khi Mỹ thắt chặt kiểm tra, kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu. Năm 2014, số lô hàng bị cảnh báo nhiễm kháng sinh tại Mỹ cũng tăng 1,6 lần, lên 58 lô. Mặt hàng thủy sản bị cảnh báo nhiều nhất là tôm và cá tra, một số ít là cá rô, lươn, ếch. Hay như gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương đi Mỹ gặp khó khăn, bị trả hàng liên tục vì cá nhiễm vi sinh như khuẩn E.Coli, Salmonella…