An Giang: Mô hình hay về giám sát việc thực hiện hợp đồng tiêu thụ lúa, nếp
(Cổng ĐT HND) – Căn cứ theo Chương trình phối hợp số 17 giữa Hội Nông dân Việt Nam- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam- Bộ Nông nghiệp & PTNT và Bộ Công Thương đã được bốn bên ký trước đó; ngày 05 tháng 12 năm 2014, Ban Thường vụ Hội Nông dân và Ban Thường trực UB MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang đã ký Kế hoạch số 62-KHPH/HND-MTTQ về việc phối hợp giám sát việc thực hiện hợp đồng tiêu thụ lúa, nếp vụ đông xuân năm 2014 – 2015.
Ban Thường vụ Hội Nông dân và Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh An Giang tổ chức việc tiến hành giám sát tại Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Giang, xã Thoại Giang- huyện Thoại Sơn- là bên đại diện cho hộ nông dân, liên kết với Công ty Gentraco có địa chỉ đóng tại địa bàn tỉnh. Thời gian giám sát vào vụ Đông Xuân 2014 – 2015 (từ tháng 12/2014 đến ngày 30 tháng 4 năm 2015).
Theo đó, nội dung sẽ giám sát việc xây dựng và ký kết thực hiện hợp đồng tiêu thụ lúa, nếp giữa doanh nghiệp và nông dân trong thực hiện Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và Thông tư 15/ 2014/ TT- BNNPTNT ngày 29/4/2014 của Bộ Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62.
Ban Thường vụ Hội Nông dân và Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN xã đã trực tiếp theo dõi, giám sát nắm tình hình thực hiện quy trình ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và hợp tác xã thông qua những phần việc như: Khảo sát thực tế, tiếp cận dự thảo hợp đồng; nắm tình hình thực hiện nội dung hợp đồng đã ký kết cũng như các ý kiến phản ánh, kiến nghị trực tiếp tại một số hộ nông dân. Qua đó, báo cáo tiến độ thực hiện về Hội Nông dân huyện, tỉnh (có dấu xác nhận của UBND xã).
Vào cuối năm 2014, Công ty Gentraco kết hợp cùng với UBND xã Thoại Giang tổ chức buổi Hội thảo và bao tiêu lúa. Đồng thời, cho nông dân trên địa bàn xã đăng ký danh sách ban đầu làm giống lúa IR50404 nhưng phải theo quy trình của công ty là sử dụng thuốc trừ sâu theo hướng dẫn Công ty Bayer (Dùng thùng Much More Rice của công ty Bayer).
Sau khi kết thúc hội thảo, đã có 42 hội viên, nông dân đăng ký tham gia với diện tích canh tác 128 ha. Tuy nhiên, cho đến khi giao thuốc đầu vụ thì chỉ có 27 hộ nhận thuốc với diện tích 120.5 ha.
Qua quá trình xem xét mẫu hợp đồng do Công ty Gentraco gửi Hội Nông dân xã gửi lên, Hội Nông dân tỉnh đã trao đổi, tư vấn để Hội Nông dân huyện và xã điều chỉnh, bổ sung một số nội dung mà mẫu hợp đồng do Công ty đưa ra không phù hợp với Quyết định số 62. Hội Nông dân xã chủ động liên hệ và đề nghị bên phía Công ty điều chỉnh lại cho phù hợp (do mẫu hợp đồng căn cứ QĐ 80/TTg đã hết hiệu lực).
Đến đầu năm 2015, Công ty Bayer tổ chức tập huấn lần thứ hai (thời điểm giữa vụ) để hướng dẫn bà con sử dụng thuốc đúng theo quy trình. Tiếp theo đó, đại diện của Công ty Gentraco và tổ trưởng đã ký hợp đồng được với 27 hộ, diện tích 120.5 ha, có xác nhận của UBND xã Thoại Giang sản xuất theo hợp đồng bao tiêu lúa IR50404. Tất cả 27 hộ nông dân đã được nhận thuốc đúng và đầy đủ theo như hợp đồng ký kết với công ty, xuống giống dứt điểm và hiện nay lúa đang phát triển tốt.
Tháng 3, Công ty Bayer lại tiếp tục tổ chức tập huấn lần thứ 3 (thời điểm cuối vụ) để hướng dẫn bà con sử dụng thuốc đúng theo quy trình. Tính đến cuối tháng 3, đã có 03 nông dân thu hoạch trên diện tích 3,5 ha, năng suất bình quân đạt 1,2 tấn/công, giá bán được ấn định ở mức 4.480 đồng/kg.
Nhìn chung, các cấp ủy cũng như chính quyền xã Thoại Giang đã rất quan tâm, hỗ trợ cho cả công ty, HTX và người dân trong mọi việc; từ họp dân, bàn bạc, thảo luận xây dựng bản hợp đồng và ký chứng thực vào bản hợp đồng. Đối với UBMTTQ và Hội Nông dân xã đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, tập hợp nông dân về lợi ích khi tham gia cánh đồng lớn tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó cũng thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân tham gia, hỗ trợ ban quản trị HTX đối với việc sửa đổi bổ sung các điều khoản trong hợp đồng kinh tế và giám sát quá trình ký kết cũng như trách nhiệm của các bên khi hợp đồng đã được ký kết. Việc thông tin báo cáo những kết quả đạt được, liên hệ nắm tình hình thực hiện cho Hội Nông dân huyện và tỉnh biết được duy trì thường xuyên, kịp thời.
Ban giám đốc Công ty Gentraco rất có thiện chí trong việc tiếp thu, chỉnh sửa hợp đồng theo góp ý và thực hiện hợp đồng kinh tế có trách nhiệm với người dân. Hơn nữa, việc tổ chức 2 lần hội thảo để hướng dẫn sử dụng thuốc trừ sâu cũng như quy trình chăm sóc lúa đến khi thu hoạch và cung ứng thuốc trừ sâu cho các hộ tham gia đúng thời gian quy định nên không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa.
Đến thời điểm hiện tại, Công ty đã thực hiện đảm bảo theo đúng như hợp đồng đã ký. Về phía người nông dân, cũng rất yên tâm khi sử dụng thuốc theo quy trình hướng dẫn của công ty, cây lúa cho năng suất cao, việc thu mua lúa cho nông dân được đảm bảo theo hợp đồng.
Nhìn chung, cấp ủy, UBND và Hội Nông dân các cấp cần quan tâm theo dõi thường xuyên hơn nữa để hỗ trợ kịp thời cho cả hai bên tham gia để hợp đồng bao tiêu được thực hiện tốt hơn. Vấn đề ổn định đầu ra cho cây lúa cũng cần được đảm bảo vì hiện nay nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Đối với UBND huyện, cần chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND xã thường xuyên quan tâm hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn cho các HTX, tổ hợp tác về thể thức hợp đồng, các căn cứ, các nội dung điều khoản trong hợp đồng quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo về hình thức, tính pháp lý cũng như hiệu lực thi hành để khi tiến hành ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của nông dân và doanh nghiệp, làm sao để đảm bảo được lợi ích của các bên cùng tham gia.