Tiết kiệm 30 triệu tiền thuốc BVTV
Ra khu vườn, ông Le hướng dẫn chúng tôi quan sát những tổ kiến mà mình gây đàn. Thấy mọi người chăm chú nhìn kiến trên cây, ông Le giải thích: “Đây là loài kiến vàng ưa làm tổ trên cao, đặc tính rất khỏe, hung dữ, có khả năng tấn công các loại sâu bọ, côn trùng; kể cả sâu róm lông xù mà nhiều người chỉ thấy đã sợ. Còn giống kiến đen này rất thích ở hốc cây. Qua theo dõi thấy kiến hoạt động suốt ngày, món khoái khẩu của nó là rệp sáp”.
Quê ông Le ở xã Tuyên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Lúc mới lên Đồng Nai, ông bán cây giống để mưu sinh. Thấy đất rẻ, ông mua 1,2 ha ở ấp Lộc Hòa. Khi bắt tay vào SX thì đất nhiễm phèn nặng nên ông lại cặm cụi đào ao xả phèn, rồi nuôi cá, trồng cây ăn trái. Nhưng chỉ có cây quýt là ổn, còn cá nuôi thì chậm lớn, cây khác thì úng chết liên miên.
Chán nản, ông để lại vườn cho vợ trông coi rồi lên huyện Định Quán (Đồng Nai) mua thêm 3 ha vườn tại ấp 9, xã Gia Canh để canh tác. Và tại đây duyên nợ đã đưa ông đến với việc nuôi kiến.
Ông Le nhớ lại: “Lúc mới mua đất ở Định Quán thấy vườn còn thưa, chỉ có ít cây điều, sầu riêng, chôm chôm nên tui quyết định trồng thêm ca cao. Trong một lần tập huấn canh tác ca cao, TS Phạm Hồng Đức Phước (ĐH Nông lâm TPHCM) đã gợi ý tui sử dụng nguồn lợi tự nhiên tại chỗ để bảo vệ cây trồng. Sau đó thầy Phước chỉ cho tui cách nuôi kiến”.
Mới đầu thấy ông nuôi kiến, nhiều người dân ở đây cho là ông “có vấn đề”. Bởi lúc họ đi phun thuốc BVTV thì ông nhàn nhã pha trà ngồi uống. Rồi họ thêm “chướng mắt” khi thấy ông lúi húi làm tổ cho kiến ở và giăng dây mở lối cho chúng di chuyển…
Bất chấp mọi lời gièm pha, ông vẫn theo dõi và chăm sóc đàn kiến của mình bất kể trời nắng hay mưa. Và vụ thu hoạch đầu tiên đã không phụ công ông. Dù không sử dụng thuốc BVTV song vườn không xảy ra dịch bệnh, năng suất trái cao hơn hẳn các hộ xung quanh.
Hiện nay, dù đã nhường phân nửa diện tích vườn cho con cái, ông chỉ còn canh tác 1,5 ha song cũng thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Nhờ nuôi kiến mà mỗi năm ông còn tiết kiệm thêm 30 triệu đồng tiền mua thuốc BVTV và mướn công xịt thuốc.
Nuôi kiến không khó
Sau thành công trong việc thuần hóa, nuôi dưỡng đàn kiến, năm 2009 ông Le tiếp tục đưa kiến vàng về nuôi trong khu vườn ở huyện Trảng Bom. Đến nay, đàn kiến của ông đã trở thành một “đạo quân” hùng mạnh cực kỳ chuyên nghiệp và lợi hại trong việc bảo vệ cây trồng.
Năm 2014, chôm chôm trong vườn ông Le tại Trảng Bom cho năng suất cao hơn năm trước đó khoảng 20%, bán xong thu về hơn 45 triệu đồng, còn sầu riêng mới bói trái cũng cho thu gần 10 triệu...
Ông Le khẳng định việc nuôi kiến không khó bởi kiến cũng như các vật nuôi khác, phải cho nó thức ăn thì mới giữ chân lâu được. Đặc tính lớn nhất của kiến là rất thích sống trên các loại cây ra hoa để hút mật và bắt các loài sâu bọ, côn trùng tìm đến.
Khi nuôi phải giăng dây để tạo đường đi của kiến từ nhánh cây này sang nhánh cây khác. Quá trình di chuyển giúp kiến phát hiện và tiêu diệt côn trùng gây hại.
Điều thú vị nữa ở kiến là cũng giống như ong, khi chúng phát triển đông đúc quá mức thì sẽ tự sinh ra kiến chúa và tách bầy để tạo nên đàn mới. Có thể hỗ trợ kiến bằng cách giăng thêm dây, tăng thêm thức ăn tạo điều kiện thuận lợi cho chúng di chuyển lập đàn mới.
“Kiến vốn thích hoang sơ rậm rạp, môi trường sống phải thật yên tĩnh nên tránh gây tiếng động lớn mạnh, hạn chế va chạm rung lắc tổ kiến, tỉa cành tạo tán phải cân đối vừa phải… Dây giăng cho kiến di chuyển phải chọn dây điện thoại, dây ni lông cũ. Để các loại dây này ngoài trời, phơi nắng mưa vài tháng cho bớt mùi mới được giăng”, ông Le chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Viết Thê, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Trảng Bom: “Từ khi biết ông Le sử dụng mô hình nuôi kiến trong vườn, tôi đã xuống tận nơi kiểm tra và đánh giá cao hiệu quả của mô hình này. Bởi kiến nuôi đã tiêu diệt hầu hết các sâu bọ, côn trùng. Do không dùng thuốc BVTV nên có rất nhiều côn trùng giun, dế, vi sinh vật… sinh sống trong đất, làm đất luôn tơi xốp, giàu dưỡng chất. Rễ cây cũng phát triển mạnh và dễ hấp thụ phân bón..”.