Đưa “cây tỷ phú” về xã nghèo
21:52 - 26/04/2015
Hơn 120ha rừng thuộc các xã nghèo của tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng đang dần được phủ màu xanh của cây gáo trong dự án khuyến nông “Trồng rừng thâm canh”. Đây là loại cây cung cấp nguồn gỗ lớn cho các tỉnh miền núi phía Bắc, mở ra hướng phát triển cho trồng rừng gỗ lớn mang lại giá trị kinh tế cao.

Cây gáo đang được trồng thử nghiệm ở một số địa tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: Hoàng Phiêu

Dự án do ông Nguyễn Hữu Thọ - Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên làm chủ nhiệm (thuộc chương trình khuyến nông T.Ư) được thực hiện trong 3 năm (từ tháng 1.2013 đến tháng 12.2015).

Hướng phát triển rừng gỗ lớn

Gáo là loài cây có đặc thù sinh trưởng, phát triển nhanh, sau khi trồng từ 8 - 10 năm, cây gáo đã trở thành cây gỗ lớn, đường kính 30-40cm, năng suất gỗ 1m3/cây. Trong điều kiện sinh trưởng thuận lợi, năng suất gỗ của gáo có thể đạt mức 80-90m3/ha/năm, sau 5-8 năm có thể khai thác gỗ lớn. Tại Thái Lan, cây gáo được gọi là “cây tỷ phú”, Trung Quốc gọi gáo là “cây thần kỳ”… đều nhờ vào khả năng sinh trưởng nhanh và mang lại lợi nhuận kinh tế cao.Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, với những nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Thành Tây và Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đều khẳng định cây gáo có khả năng sinh trưởng tốt trên những địa hình như đất thung lũng, chân đồi, ở độ cao so với mặt biển dưới 1.000m, hoặc trên đồi thoải, bát úp, có tầng đất dày, đất tốt thích hợp với điều kiện tự nhiên ở trung du và miền núi phía Bắc. Ngoài ra, cây gáo còn có thể trồng phân tán ở đất vườn nhà, đường, ven sông suối, trong lâm viên, công viên,… để lấy gỗ hoặc làm cây cảnh, cây bóng mát, cây công trình.

Cũng theo ông Thọ, trong tổng số 120ha được trồng tại 3 mô hình và 6 điểm trình diễn, có 60ha được trồng tập trung và 60ha trồng phân tán. Dự án thu hút 240 hộ gia đình tham gia trực tiếp vào mô hình. Các hộ dân và nhóm hộ tham gia dự án sẽ được ký kết hợp đồng, được hỗ trợ về giống và phân bón, đồng thời được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gáo.

Cây “đại mộc”

Theo các nhà khoa học, cây gáo thuộc họ cà phê, là loài cây đại mộc, cây trưởng thành cao đến 30m, sinh trưởng nhanh, thân thẳng, ít cành nhánh; tốc độ tăng trưởng đạt từ 2,5 – 4 cm/vòng/năm. Gỗ thân cây gáo được dùng để sản xuất đồ gia dụng, thùng xe, trang trí kiến trúc; gỗ cành, ngọn là nguyên liệu tốt để làm ván sợi nhân tạo, ván MDF, bột giấy; vỏ, rễ gáo có thể làm thuốc, lá có thể làm thức ăn chăn nuôi.

Kết quả thực hiện dự án cho thấy, đến hết năm 2014 (2 năm sau khi gây trồng), tại các mô hình trình diễn, cây gáo sinh trưởng tốt, chiều cao trung bình từ 1,3 - 1,9m, cá biệt có nơi cao trên 2,5m (tại Thái Nguyên), tuy nhiên có nơi chiều cao mới đạt 1,3m (tại Cao Bằng). Đến năm thứ hai, cây gáo đã sinh trưởng ổn định, hầu hết các hộ tham gia mô hình đều thực hiện việc làm cỏ gốc 2 lần/năm, kết hợp bón thúc và ủ gốc giữ ẩm trong mùa đông.

Ông Hồ Văn Lâm, ở xã Yên Ninh (Phú Lương, Thái Nguyên) cho biết, gia đình ông có hơn 2ha đất rừng, trước đây thường canh tác các loại cây lương thực hoặc cây lâm nghiệp ngắn ngày phục vụ sinh hoạt, thu nhập từ trồng rừng rất thấp. Từ năm 2013, sau khi được cán bộ khuyến nông cung cấp thông tin, gia đình ông đã tham gia thực hiện dự án. Sau khi ký kết hợp đồng xây dựng mô hình trình diễn cây gáo, gia đình được hỗ trợ về cây giống, một phần phân bón. Đến nay, sau 2 năm trồng diện tích gáo nhà ông Lâm sinh trưởng và phát triển tốt, chiều cao cây đạt 2,0m dần phủ xanh diện tích rừng trước đây phần lớn gia đình ông thường bỏ hoang.

Ông Nguyễn Văn Thịnh- cán bộ lâm nghiệp xã Hòa Mục (Chợ Mới, Bắc Kạn) chia sẻ: “Qua 2 năm trồng, cây gáo phát triển khá tốt, ít bị sâu bệnh, tỷ lệ cây chết không đáng kể. Tuy thời gian trồng đến lúc thu hoạch hơi lâu nhưng cây gáo hứa hẹn sẽ mang lại và giá trị vượt trội. Nếu được quy hoạch thâm canh và khai thác hợp lý, cây trồng này sẽ là một trong những cây phát triển kinh tế cho bà con trong vùng”.

  Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, việc triển khai dự án đã gặp phải một số khó khăn bởi đây là cây trồng mới ở một số vùng nên nhiều nông dân còn chưa tự tin lựa chọn để trồng rừng; địa điểm triển khai dự án là các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa; các đồng bào dân tộc ít người, trình độ dân trí không đồng đều...
Nguồn: Theo Dân Việt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo