Sắn - cây trồng phổ biến chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc... mang lại nguồn thu ngoại tệ gần 1 tỷ USD/năm (2013). Để sắn phát triển cân đối, chống đổ ngã, kháng bệnh, cho năng suất cao cần phải chú ý bón đủ, đúng lượng, bón đúng cách.
Sắn là cây trồng phổ biến chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc… với diện tích 0,54 triệu ha đem lại thu nhập ổn định cho nông dân với sản lượng gần 10 triệu tấn sắn tươi, xuất khẩu 2,7 triệu tấn sắn khô hàng năm. Tuy nhiên do canh tác quảng canh, ít đầu tư phân bón, bón không đúng cách, nặng dùng phân đạm, năng suất còn rất thấp 19 tấn/ha, củ nhiều xơ, tỷ lệ chất khô, lượng tinh bột thấp, cây sắn mắc nhiều bệnh, năng suất mới chỉ bằng 15-20% tiềm năng năng suất, gây hiện tượng xói mòn, suy thoái đất. Các nghiên cứu chỉ ra, để có năng suất 23,5 tấn/ha, trên đất đỏ vàng trên đá phiến sét cây sắn cần hút đi: 80,3 kg N, 97kg P2O5, 43,8kg K2O, 54,4 kg CaO, 23,8kg MgO, như vậy sau mỗi vụ cây sắn “bóc lột” từ đất một lượng dinh dưỡng rất lớn, đặc biệt là kali và các trung vi lượng như CaO, MgO…, do vậy để năm sau sắn phát triển cân đối, chống đổ ngã, kháng bệnh, cho năng suất cao, tỷ lệ xơ và nước thấp, tinh bột cao, cần phải chú ý bón đủ, đúng lượng, bón đúng cách. Sau đây là quy trình thâm canh sắn đạt trên 80 - 100 tấn/ha bằng phân bón Văn Điển:
Quy trình kỹ thuật
1. Đất trồng: Đất trồng sắn phải được dọn sạch tàn dư thực vật như cỏ, thân cây sắn… tốt nhất nên trồng sắn ngay sau khi làm đất để đảm bảo độ ẩm và hạn chế rửa trôi đất khi gặp mưa to.
- Đối với đất có độ dốc <15 độ, cày sâu và bừa kỹ để đất tơi xốp, thoáng khí và sạch cỏ dại. Nếu đất bằng thì lên luống để thoát nước.
- Đối với đất có độ dốc >15 độ, không nên cày bừa mà chỉ cần làm cỏ, bổ hốc và trồng sắn trực tiếp theo đường đồng mức, không cần lên luống, làm như vậy sẽ giữ được độ ẩm của đất và tránh xói mòn đất thành rãnh khi mưa.
2. Giống và hom sắn - Giống sắn: Nên sử dụng những giống sắn mới có năng suất củ tươi cao, tỷ lệ tinh bột và tỷ lệ chất khô cao như KM60, KM94, KM98-7… (vùng thâm canh nên sử dụng giống KM94; vùng đất cát, khô, nghèo dinh dưỡng nên sử dụng giống KM60 và KM98-7).
- Hom sắn: Chọn những cây sắn giống khỏe mạnh, không bị nhiễm sâu bệnh, ngắn đốt từ vườn nhân giống hoặc nương sắn sản xuất, đã đủ 8 tháng tuổi trở lên. Chọn đoạn giữa thân để chặt hom giống, loại bỏ những cây bị khô, bị trầy xước. Dùng dao sắc chặt hom, khi chặt tránh làm giập nát 2 đầu hom. Chiều dài hom 15 – 20cm, tối thiểu mỗi hom có 4 – 6 đốt. Để tránh sâu bệnh hại sau trồng, nên xử lý hom giống trước khi trồng bằng cách nhúng vào các hỗn hợp thuốc diệt nấm Fomadehyt hoặc rải thuốc xử lý đất như Basudin, Carbofuran theo hàng hoặc hốc trước khi đặt hom sắn.
3. Thời vụ: Ở miền Bắc, 1 năm chỉ trồng được 1 vụ vào đầu mùa xuân và thu hoạch vào cuối đông; tuy nhiên ở từng vùng khác nhau, thời vụ cũng khác nhau:
- Trung du miền núi phía Bắc: Trồng từ trung tuần tháng 2 đến đầu tháng 3.
- Tây Bắc, Tây Nguyên: Trồng vào đầu tháng 4 trước khi có mưa 5 – 10 ngày.
4. Kỹ thuật trồng
+ Mật độ thâm canh: Khoảng cách hàng – hàng: 1,0m; cây – cây: 0,8m (mật độ 10.000 hom/ha).
+ Cách bón phân:
- Chủng loại phân NPK đa yếu tố (ĐYT) 6:12:5 (6N:12 P2O5:5 K2O: 2S: 8MgO: 16CaO:15SiO2: Zn, B, Mo, Cu, Co…) hoặc 5:10:3 (5N:10 P2O5:3 K2O: 1S: 8MgO: 16CaO:15SiO2: Zn, B, Mo, Cu, Co…) Văn Điển.
- Bón lót phân 6:12:5 với lượng 610kg/ha (22 kg/sào BB), phân 5:10:3 với lượng 700kg/ha (25 kg/sào). Chú ý: Đào hốc bỏ phân, lấy đất phủ kín phân mới đặt hom.
- Bón thúc lần 1: Khi cây sắn được 2 tháng tuổi, bón thúc 75kg đạm urea + 100kg kali/ha (2,7kg urea + 3,5kg kali/sào).
- Bón thúc lần 2: Khi cây sắn cao 60-80cm, bón thúc 250 - 300kg phân ĐYT/ha (9-10kg/sào). Chú ý: Bón phân xa gốc 20-30cm rồi vun đất lấp kín phân.