Giải cơn khát cho càphê Tây Nguyên
16:53 - 24/04/2015
Tây Nguyên đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều diện tích cây trồng, trong đó có càphê. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường, việc tìm các giải pháp kỹ thuật nhằm tiết kiệm nguồn nước tưới, phân bón, công lao động và giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là vô cùng quan trọng.

Biện pháp tưới tràn gây lãng phí nguồn nước, tốn công lao động.

Thiếu nhưng vẫn lãng phí

Hiện, nông dân Tây Nguyên vẫn chủ yếu sử dụng những phương pháp tưới truyền thống, vừa lãng phí nguồn nước mà hiệu quả mang lại cũng không cao. Đơn cử như tại Lâm Đồng, bà con thường tưới bằng phương pháp tưới dí từ 3-4 lần/năm, nên rất tốn tiền, lượng nước tưới và công sức tưới.Toàn tỉnh hiện có khoảng 70% diện tích càphê được tưới bằng nước mặt, nước ngầm và nhờ mưa trong giai đoạn mùa khô.
 

Ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, một trong những thách thức để phát triển càphê bền vững là vấn đề nước tưới và tưới nước như thế nào để đáp ứng yêu cầu cho cây càphê sinh trưởng. Theo thói quen canh tác của nông dân, khi bước vào mùa khô thường áp dụng phương pháp tưới trực tiếp vào gốc cây hoặc tưới phun mưa với lượng từ 450 - 500 lít nước/cây/lần và trung bình tưới 4 lần cho mỗi mùa tưới, như vậy 1ha tiêu tốn 1.800 - 2.000m3/năm. Với 203.746ha càphê hàng năm Đắk Lắk tiêu tốn gần 500 triệu mét khối nước (nếu áp dụng phương pháp tưới phun mưa thì lượng nước tưới còn nhiều hơn).


Trong khi đó, từ đầu tháng 3/2015, mực nước các sông suối trên địa bàn giảm nhanh, nguồn nước ngầm đang suy giảm mạnh; hầu hết các hồ chứa nhỏ đã cạn khô hoặc dưới mực nước chết, các hồ vừa còn khoảng 20 - 50% dung trích trữ. “Đây thực sự là một thách thức lớn”, ông Bộ nói.

Tương tự như vậy, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, dù đang thiếu nước nghiêm trọng nhưng nông dân chủ yếu áp dụng những phương pháp tưới truyền thống, trong đó có đến hơn 70% diện tích áp dụng biện pháp tưới gốc (lượng nước khoảng 600-800 lít/gốc/lần tưới), chỉ có khoảng 10% diện tích áp dụng biện pháp tưới phun mưa.

 

Còn tại Kon Tum, hệ thống các công trình thủy lợi mới chỉ đáp ứng được 21,3% nhu cầu tưới cà phê Robusta (khoảng trên 3.000ha), 67,3% chủ yếu tưới từ công trình nhỏ lẻ như giếng khoan, giếng đào, bơm trực tiếp từ sông suối  ( khoảng trên 9.500ha), còn lại diện tích trên 1.610ha (chiếm 11,4 %) càphê chè không phải tưới nước, nhờ tiểu khí hậu (quanh năm ẩm ướt) tại các vùng Đông Trường Sơn của tỉnh Kon Tum.
 

Mặc dù đã được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn về các phương pháp tưới nước tiết kiệm, nhưng qua khảo sát thấy, nông dân vẫn sử dụng một lượng nước tưới lớn, vượt mức yêu cầu của cây, không những gây lãng phí mà còn làm suy giảm độ phì nhiêu của đất, tốn công và nhiên liệu tưới.
 

Cần nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm

Để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên đang tích cực xây dựng các mô hình tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân tiết kiệm trên cây càphê. Đơn cử như tại tỉnh Lâm Đồng, năm 2012, Ban quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 6 mô hình trên diện tích 6ha tại các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà; năm 2013 Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng 2 mô hình, diện tích 1ha tại huyện Lâm Hà. Kết quả cho thấy, áp dụng cách tưới mới, lượng nước tưới so với tưới bồn giảm khoảng 200 lít/gốc/lần (tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua đường ống với công thức tưới 300 lít/gốc, chu kỳ 25 ngày/lần hiệu quả tương đương so với tưới bồn khoảng 500 lít/gốc/lần). Mỗi lần tưới kết hợp bón phân bà con chỉ cần hòa tan hoàn toàn lượng phân trong bồn thông qua hệ thống tưới tiết kiệm nước, phân theo hệ thống đi đến từng gốc cây, do đó sẽ tiết kiệm được 100 công lao động trong việc làm bồn và bón phân cho 1 ha/năm, góp phần giảm thất thoát phân bón, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón của cây càphê.

Theo TS.Trương Hồng, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, việc áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm (tưới dựa vào độ ẩm đất, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt) so với cách tưới phổ biến hiện nay của nông dân đã làm tăng hiệu quả kinh tế từ 12,69 - 16,6%. “Thử nghiệm mô hình tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước tại 2 huyện thuộc tỉnh Gia Lai trong 2 năm cho thấy, năm 2012, thu nhập của mô hình tăng trung bình 11,4 triệu đồng/ha (11,7%) ; năm 2013 tăng 15,2 triệu đồng/ha (17,9%)", TS.Hồng nói.
 

Đánh giá của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho thấy, công nghệ tưới nhỏ giọt có rất nhiều ưu điểm như, tưới chủ động, điều chỉnh lượng nước phù hợp với nhu cầu trong các giai đoạn sinh trưởng của cây, tiết kiệm được lượng nước tưới từ 30 - 40% so với phương pháp tưới truyền thống ( tưới dí trực tiếp vào gốc). Chủ động trong quản lý dinh dưỡng (bón phân, các chất tăng cường sinh trưởng và hấp thu dinh dưỡng các loại thuốc bảo vệ cây trồng...), không phụ thuộc vào thời tiết (mưa hoặc nắng). Tăng hiệu quả bón phân và tiết kiệm được 30 - 40% lượng phân bón so với bón phân thủ công. Giảm trên 90% chi phí nhân công tưới và bón phân; phù hợp với mọi điều kiện địa hình khác nhau, đặc biệt và địa hình đồi dốc Tây Nguyên; duy trì độ ẩm thường xuyên và không có lượng phân bón vô cơ dư thừa từ đó hạn chế hiện tượng chai cứng đất; tăng năng suất càphê từ 15 - 20% và chất lượng và tỷ lệ đồng đều của hạt cà phê tăng lên; dễ lắp đặt và vận hành bảo dưỡng, việc xúc rửa, bảo trì cho hệ thống tưới chỉ mất khoảng 2 giờ/năm trên quy mô 1ha.
 

Công ty cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh, đại diện Tập đoàn Netafirm (Israel) tại Việt Nam, đơn vị trực tiếp tư vấn và chuyển giao công nghệ tưới nhỏ giọt trên càphê tại Đắk Lắk cho biết, tổng chi phí đầu tư cho mô hình tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho cây càphê là 54 triệu đồng/ha; thời hạn sử dụng tối thiểu 10 năm, như vậy khấu hao mỗi năm chỉ 5,4 triệu đồng/ha. Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm giảm được khoảng 70 – 80% công lao động, 40% lượng nước tưới/ha, chưa kể tiết kiệm được chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Trong khi đó, mỗi vụ năng suất chỉ cần tăng trung bình 0,3 tấn/ha (sau khi ứng dụng mô hình), với giá càphê hiện nay thì thu nhập đã tăng lên được 13,8 triệu đồng.
 

Theo TS.Trần Văn Khởi, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trước kia nông dân thường áp dụng 2 biện pháp là tưới vào bồn cây (tưới dí) và tưới tràn, một số nông trường lớn dùng biện pháp tưới phun mưa. Do nguồn nước ngày càng khó khăn, chi phí cho nước tưới ngày càng lớn nên việc nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp tưới tiết kiệm là rất quan trọng và nên tiến hành theo 2 hướng chính: Xác định lượng nước tưới/gốc/lần, số lần tưới/năm thích hợp nhất; thay đổi phương pháp tưới theo dạng nhỏ giọt, phun mưa thấp và cục bộ trong từng bồn cây. Ngoài tưới nhỏ giọt, bà con có thể áp dụng phương pháp tưới phun mưa, hoặc giữ nguyên phương pháp tưới dí nhưng phải xác định lượng nước phù hợp. “Một vấn đề rất quan trọng là xác định đúng thời điểm tưới nước lần dầu, nếu tưới sớm làm đảo lộn quá trình ra hoa, lãng phí nước, ra hoa không tập trung; tưới muộn cây khó phục hồi lại vì đã bị héo”, ông Khởi khẳng định.
 

Đối với kỹ thuật tưới dí, ông Khởi cho rằng, bà con cần xác định lượng nước tưới vừa phải, hợp lý bằng cách dùng ống cao su thường có đường kính 50mm đưa nước vào từng gốc. Trước khi tưới nước phải vét bồn xung quanh gốc và tán cây để chứa nước. Không đào bồn quá sâu bởi vì trên 80% trọng lượng rễ tập trung ở tầng đất có độ sâu từ 0-40cm.  Nông dân có thể tưới với lượng nước 450-500 lít/cây cho lần tưới đầu tiên, khoảng 20 ngày sau tưới đợt 2 khoảng 400-450 lít/cây.
“Song song với kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, bà con cần áp dụng quy trình phân bón hợp lý, sử dụng các chế phẩm đúng để làm tăng năng suất cà phê, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế nông hộ, đảm bảo chất lượng sản phẩm và giảm ô nhiễm môi trường”, ông Khởi nói.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm đến cuối tháng 3/2015 lượng mưa đo được thấp hơn mức trung bình năm 2014 như MĐrăk 5,5mm; Đà Lạt 3mm; Kon Tum 67mm; Đắk Tô 8,3mm; YaLy 8mm… Lượng nước trữ tại các hồ chứa thủy lợi hiện nay ở mức thấp hơn so với dung tích thiết kế, trung bình chỉ đạt 50 – 60%, một số hồ đã hết nước hoặc ở mức rất thấp như Đắk Lắk các hồ nhỏ xấp xỉ mực nước chết, các hồ lớn cũng chỉ đạt từ 22 – 38% diện tích thiết kế.

Khánh Nguyên
Nguồn: Theo KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo