Sinh ra trong gia đình thuần nông, lớn lên ông Nguyễn Như Hảo đi bộ đội. Xuất ngũ, ông về quê sinh sống và được UBND xã Cát Quế giao phụ trách tài chính xã. Năm 2005, ông được nông dân (ND) tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội ND xã Cát Quế (Hoài Đức, Hà Nội).
Lâu nay, người dân xã Cát Quế chủ yếu trồng táo trong vườn, năng suất thấp, thu nhập không cao. Ông Hảo đã quyết định chọn cách làm khác, đổi từ trồng táo sang trồng bưởi. Vào ngày nghỉ, ông khăn gói đi học hỏi nhiều nơi về kỹ thuật trồng bưởi và các loại cây ăn quả… Hễ nghe huyện, thành phố có lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả, ông Hảo lại tìm đến. Sau khi “tầm sư học đạo”, thu được vốn kiến thức kha khá, ông quyết định mở rộng diện tích trồng bưởi. Từ 50-70 cây bưởi xen kẽ vào 5 sào táo ban đầu, giờ đây ông Hảo đã có tới 2 mẫu. Các loại cây trong vườn được đa dạng hóa: Bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, cam, chanh đào, ổi Đài Loan… “Bây giờ chỉ mới một nửa vườn cây cho thu hoạch nên nguồn thu vẫn còn hạn chế, khoảng 300 triệu đồng/năm. Ít năm nữa, khi tất cả các cây cho thu hoạch thì doanh thu của gia đình phải 500 - 600 triệu mỗi năm” – ông Hảo tự tin nói.
Không chỉ nêu gương làm kinh tế, ông Hảo thường xuyên trò chuyện, giúp đỡ hội viên ND kinh nghiệm làm vườn, giới thiệu mô hình làm ăn hiệu quả và tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật. Tâm huyết với bưởi Quế Dương, ông lại lặn lội đi học tìm cách bảo tồn, nhân giống, phát triển. Cứ có hội chợ nào ông lại cùng bà con mang sản phẩm của xã đi trưng bày, rồi mang đến giới thiệu ở các cửa hàng rau quả sạch, các siêu thị. Năm 2014, giống bưởi quý Quế Dương đã được công nhận thương hiệu. Ông Hảo đã cùng một số hộ dân khác sáng lập Hội Sản xuất và kinh doanh bưởi Quế Dương. Giờ đây bưởi Quế Dương bán tại vườn của hội viên có giá từ 30-35 ngàn đồng/kg, không ít hội viên trồng bưởi đã thoát nghèo.