Một đất nước không có tài nguyên nước nhưng lại có công nghệ tiết kiệm nước, xử lý nước rất tốt. Đó là cách người Do Thái làm giàu từ bàn tay trắng hay nói nôm na là “tay không bắt tiền”. Chúng tôi đã tham quan một nhà máy sản xuất phụ kiện nối ống PE (dùng trong lãnh vực cấp thoát nước), tất cả các khâu sản xuất hoàn tự động từ nguyên liệu hạt nhựa PE đầu vào… cho đến đóng thùng - dán nhãn nơi xuất đến…và chuyển lên kệ chứa chờ ngày xuất kho.
Dây chuyền sản xuất quá ấn tượng nhưng không tạo sự hào hứng vì tôi không thể tưởng tượng được khi nào thì Việt Nam mới đạt được đến trình độ này, chúng ta bị tụt hậu quá xa để có thể mơ ước chế tạo được một dây chuyền sản xuất tương tự như vậy ở xứ ta!
Như đã trình bày, Israel không có nguồn nước và không thể dùng nước sông Jordan hay khử mặn nước biển để tưới nông nghiệp, họ tái sử dụng khoảng 75% nước thải sinh hoạt và thu hồi nước mưa để tưới nông nghiệp. Trong phần sau, các bạn sẽ thấy họ yêu quý từng giọt nước tưới nông nghiệp để không gây ra bất kỳ sự lãng phí nào!
Đây là một trong những nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt để tái sử dụng tưới nông nghiệp, công nghệ xử lý nước thải ở đây cũng tương tự như công nghệ phổ biến ở Việt Nam. Xa xa phía sau là những cánh đồng trồng chuối được che phủ bởi nhà lưới để: a) hạn chế ánh sáng mặt trời vào mùa hè, b) tạo không gian vừa đủ để duy trì môi trường thích hợp, giữ ẩm, tiết kiệm nước tưới.
|
Trạm tưới nông nghiệp ngoài trời |
Hình trên là một trong rất nhiều trạm tưới nông nghiệp ngoài trời, bơm nước nằm ở phòng bơm trung tâm. Quy trình vận hành hoàn toàn tự động, được điều khiển bởi hệ thống máy tính trung tâm:
1. Tất cả các loại van điều khiển tưới nước đều là van tự vận hành bằng thủy lực không dùng điện và Israel đã phát triển công nghệ này để:
a) tiết kiệm điện, b) an toàn vận hành, c) tránh việc kéo dây điện điều khiển đi ngoài trời từ phòng điều khiển trung tâm, d) ở những vùng gần biên giới các nước Arab, việc van tự vận hành bằng thủy lực giúp cho việc vận hành an toàn, tránh bị phá hoại và người nông dân không phải đối mặt với rủi ro trong việc vận hành/bảo trì
2. Nước tưới được cung cấp từ hồ nước như mô tả ở trên, phân bón/thuốc trừ sâu được chứa trong bình màu đen và được hòa trộn tự động với nước tưới.
3. Từng ống tưới nước nhỏ được dẫn âm dưới rễ/luống cây và nước tưới được phun rỉ ra qua những lỗ nhỏ trên thân ống, vừa đủ thấm vào rễ cây
4. Chu trình/thời gian tưới được điều khiển tự động theo cảm biến nhiệt độ, độ ẩm trong đất
5. Tín hiệu điều khiển từ phòng điều khiển trung tâm là tín hiệu rada và thiết bị phát/thu sóng được gắn trên cột kim loại nhỏ trong hình.
6. Đất xung quanh trạm tưới là đất đá cứng
Điểm tham quan kế tiếp là nhà máy xử lý nước sinh hoạt/uống được, vì đây là nhà máy công nghệ cao và yêu cầu an ninh nên việc quay phim chụp ảnh bị cấm hoàn toàn, an ninh ở nhà máy được bảo vệ bởi quân đội nhằm tránh việc bị đầu độc nguồn nước, khi chúng tôi đến, quốc kỳ Việt Nam được gắn trang trọng cùng với quốc kỳ các nước khác ở ngay sân trước của nhà máy.
Nước thô được lấy từ hồ Galilee (hay còn gọi là nước sông Jordan) được dẫn về nhà máy, các quy trình xử lý nước hoàn toàn tự động để tạo ra nước uống được trong đó có một công đoạn rất đặc biệt như sau:
1. Trong ngăn/hồ này nuôi hơn một trăm loài cá nhỏ, mỗi loài cá ăn một loại vi khuẩn, cặn bã… trong nước
2. Có vài loài cá ăn chất phân thải ra của các loài cá khác
3. Có vài loài cá ăn các loài cá khác
4. Sự cân bằng sinh thái của các loài cá trong hồ là chỉ thị chất lượng nước và hướng dẫn việc điều chỉnh quy trình xử lý nếu cần thiết
Sau chuyến thăm của Tổng thống Israel, báo chí gần đây có đề cập đến nền nông nghiệp xanh của Israel và chúng tôi may mắn được hướng dẫn tham quan các cánh đồng xanh hoàn toàn tự động trên đất sa mạc!
Người Do Thái xem cây trồng nông nghiệp như một “đứa bé” và họ cung cấp tất cả những tiện nghi tốt nhất để uốn nắn chăm sóc “những đứa bé” nên “người” và thu hoạch được rau củ đạt chất lượng tốt nhất, đồng đều nhất, năng suất cao nhất và đem lại lợi nhuận nhiều nhất.
Trước khi quyết định đầu tư trồng loại cây nào, việc đầu tiên là nghiên cứu về đất đai, thổ nhưỡng, đặc điểm sinh học của cây, nguồn nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu (nếu thật sự cần thiết), chất lượng phục vụ cho thị trường nào, năng suất… từ đó đề ra loại nhà lưới và chiều cao thông thủy thích hợp, tránh việc tiêu tốn năng lượng vận hành không cần thiết.
Sau đó là việc nghiên cứu nhu cầu thị trường và giá cả thương phẩm, điều này thông thường do một công ty tư vấn, bao tiêu sản phẩm phụ trách. Nếu thị trường không thuận lợi cho sản phẩm vào thời điểm đầu tư thì chuyển sang loại cây khác phù hợp với thị trường để đem lại lợi nhuận cao hơn.
Tất nhiên là yếu tố rủi ro vẫn hiện diện giống như các ngành nghề khác nhưng “nếu không chấp nhận rủi ro thì thà ở nhà đóng cửa ngủ” - là câu trả lời của anh kỹ sư Do Thái cho một câu hỏi về sự rủi ro khi đầu tư của một người trong đoàn.
Nông nghiệp xanh đã được Israel phát triển khoảng gần 15 năm và tôi tự hỏi hình như nước ta đã chọn chưa đúng “bạn chơi” trong suốt nhiều năm qua dẫn đến việc “bỏ quên” nông nghiệp.
Muộn còn hơn không, tôi nghĩ Israel là “một người bạn” thích hợp có thể giúp chúng ta phát triển nông nghiệp. Liệu chúng ta đã định hướng đúng con đường “công nghiệp hóa hiện đại hóa” chưa và sẽ hiện thực hóa khẩu hiệu này như thế nào trong một đất nước đầy tiềm năng về nông nghiệp nhưng lại không được đầu tư và phát triển đúng mức!
Tạm biệt Israel và hy vọng gặp lại những kỹ sư Do Thái này trên cánh đồng nông nghiệp của chúng ta.