Vì sao Quảng Xương khó về đích nông thôn mới?
10:51 - 13/12/2017
Có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực không ngừng của toàn thể người dân, sau 6 năm bộ mặt nông thôn huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã có bước chuyển biến thần tốc.

Với khí thế dâng cao ngút, địa phương tự tin cán đích nông thôn mới (NTM) ngay trong năm nay, tuy nhiên…  

Tự tin cán đích

Năm 2011 bình quân toàn huyện chỉ đạt 6,13 tiêu chí/xã, nhận thức được khó khăn chồng chất, Huyện ủy, HĐND và UBND đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết dựa trên điều kiện thực tế, yêu cầu các cấp, ngành nắm bắt rõ chủ trương, định hướng để cũng nhân dân bắt tay triển khai.


 
Huyện Quảng Xương đang gặp khó vì chỉ tiêu 18.6

Ngày 23/2/2017, BCĐ Chương trình Xây dựng NTM huyện Quảng Xương được kiện toàn với 74 thành viên do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban. Sau khi sửa đổi quy chế hoạt động, BCĐ thường xuyên tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ, tiến hành làm việc với từng xã nhằm rà soát, đánh giá tiến độ, để từ đó tìm ra các giải pháp khắc phục những tồn đọng.

Căn cứ vào các quyết định, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh và tình hình thực tế, huyện đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phù hợp trong quá trình thực hiện nhằm tạo động lực thúc đẩy, đưa phong trào xây dựng NTM ngày một lan tỏa sâu rộng hơn.

Xác định phát triển SX, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, huyện đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp như quy hoạch, phát triển vùng lúa năng suất, chất lượng cao với trên 13.750ha, năng suất đạt 61,36 tạ/hạ; đẩy mạnh tích tụ ruộng đất; chuyển đổi 150ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi cá; triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn 400ha…

Về tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, nhờ huy động hiệu quả các nguồn lực, năm 2017 địa phương đã xây dựng và mở rộng trên 14km đường huyện; 24,5km đường giao thông xã; nâng cấp, xây mới 4 trạm bơm và 4,5km kênh mương tưới tiêu nội đồng; xây mới 4 nhà hội trường, 8 trường học, 15 nhà văn hóa thôn…

Từ những kết quả đạt được, Đảng bộ và nhân dân Quảng Xương tự tin cán đích NTM trong năm 2017, qua đó trở thành huyện thứ 2 (sau Yên Định) trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn. Thế nhưng, niềm tin đó đang bị dội “một gáo nước lạnh”.  

Vì đâu nên nỗi!

Theo Quyết định số 2288/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt danh sách các huyện, xã đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020”, Quảng Xương phải hoàn thành ngay trong năm 2017. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và người dân chung sức, đồng lòng mới đạt được. Tưởng đích đến không còn xa, thế nhưng diễn biến bất ngờ theo hướng hoàn toàn khác chỉ vì một lý do “bất khả kháng”.

Quảng Giao là 1 trong 5 xã của huyện Quảng Xương bị “vạ lây”

Nguồn cơn bắt nguồn từ việc Bộ LĐ-TB&XH ban hành Công văn số 4999/LĐTBXH-KHTC quy định chỉ tiêu 18.6 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về đảm bảo bình đẳng giới: “Có ít nhất 1 nữ lãnh đạo chủ chốt ở cấp xã, bao gồm các chức danh Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND”.

Điều đáng nói, Công văn này được ban hành ngày 12/12/2016, trong khi công tác nhân sự nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã hoàn tất. Chưa kể, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nêu nhấn mạnh việc “nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ” chỉ áp dụng từ năm 2020, cụ thể: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35 - 40%”.

Cũng bởi “nút thắt” trên mà 5 xã còn lại của huyện Quảng Xương là Quảng Chính, Quảng Nham, Quảng Giao, Quảng Khê và Quảng Phúc đang lâm tình cảnh sống dở chết dở. Nói đâu xa, trong đợt thẩm định mới đây, chiếu theo chỉ tiêu 18.6 cả 5 xã này đều không đủ điều kiện.

Ông Văn Doãn Chung, Chủ tịch UBND xã Quảng Giao bày tỏ : “Năm 2011 xã chỉ đạt 6 tiêu chí, có được thành công như ngày hôm nay là sự nỗ lực cao độ. Vì đều trông chờ thời khắc được công nhận, giờ mọi người rất thất vọng. Chỉ tiêu 18.6 được ban hành khi công tác nhân sự đã ổn định, giờ yêu cầu các địa phương thực hiện theo thì chả khác nào đánh đố”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Chính, ông Lê Đình Khoa cùng chung quan điểm: “Việc cơ cấu cán bộ phải đảm bảo quy trình về mặt tổ chức, phải có thời gian, con người chứ không thể nêu ra là làm ngay được. 18.6 chỉ là một trong số rất nhiều chỉ tiêu thuộc 19 tiêu chí quốc gia, nếu chỉ dựa vào yếu tố này sẽ không khách quan”.

“Nút thắt” 18.6 không chỉ làm khó huyện Quảng Xương mà còn ảnh hưởng lớn đến tình hình chung toàn tỉnh Thanh Hóa. Theo ông Trần Đức Năng, Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh, Thanh Hóa luôn thực hiện nghiêm túc công tác thẩm định, mỗi tiêu chí đều phải đánh giá tỉ mỉ, chính xác.

Tuy nhiên phải thừa nhận, chỉ tiêu 18.6 không phù hợp với thực tiễn giai đoạn hiện nay, để không ảnh hưởng đến tiến độ của chương trình và đảm bảo tính khách quan, nhất thiết phải sớm có sự điều chỉnh.


VIỆT KHÁNH
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo