Từng được hứa hẹn là doanh nghiệp “đầu kéo” cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh khi đi vào hoạt động, tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai dự án chăn nuôi bò thịt, bò giống tại huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, Cty CP chăn nuôi Bình Hà mang tai tiếng nhiều hơn danh tiếng.
|
Dự án bò Bình Hà mới chỉ hoạt động hơn 2 năm nhưng đã gây ra rất nhiều hệ lụy cho người dân địa phương |
Dự án này không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn khiến không ít lãnh đạo địa phương mất niềm tin với nhân dân.
Hủy hoại môi trường
Trước khi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn nhưng không đánh đổi môi trường để lấy dự án”. Quan điểm của Hà Tĩnh kiên quyết là vậy, tuy nhiên quá trình thực hiện Cty Bình Hà gần như “bỏ ngoài tai” những quy định của pháp luật về công tác bảo vệ môi trường.
Minh chứng “mở màn” đầu tiên là hình ảnh hàng chục tấn phân bò được Cty phơi trực tiếp trên nền đất ngoài trời mà không có lót chống thấm; hố chôn bò chết sơ sài, không rắc vôi bột khử trùng hay hiện tượng giếng nước của người dân khu vực rào Vang Vang, xã Cẩm Mỹ đổi màu và có mùi tanh… vào giữa tháng 3/2016. Sau khi báo chí vào cuộc phanh phui, các cơ quan chức năng vào cuộc thanh, kiểm tra, ra quyết định xử phạt hành chính 140 triệu đồng.
Sau khi bị xử phạt Cty này cam kết hoàn thành các hạng mục bảo vệ môi trường song song với hoạt động sản xuất. Lúc này, người dân kỳ vọng nỗi ám ảnh mùi hôi thối do dự án kết thúc ở đây. Tuy nhiên, giữa tháng 9/2017, PV tiếp tục nhận được phản ánh bức xúc của người dân và chính quyền 2 xã Cẩm Quan, Cẩm Mỹ về những hệ lụy mà “đại” dự án này đã và đang gây ra.
Anh Dương Văn Trung, thôn trưởng thôn 4, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên ngao ngán cho hay, từ khi dự án bò Bình Hà đi vào hoạt động đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn liên tục xảy ra. Nguồn nước sinh hoạt trong khu vực bẩn vô cùng. Cơ quan chức năng cho biết thì xét nghiệm nước xả thải của trang trại đủ quy chuẩn thải ra môi trường, tuy nhiên chúng tôi nhìn bằng mắt thường thì không đảm bảo bởi “nước thải có lúc đen, lúc sẫm xanh. Khi đặc bốc mùi hôi thối, lội xuống nước thì ngứa”.
|
Nguồn nước khe Vang Vang đen ngòm, bốc mùi hôi thối (ảnh do người dân cung cấp) |
Anh Trung nhấn mạnh: “Nước thải họ vẫn xả ra rào Vang Vang. Có lúc họ xả trộm, tranh thủ trời mưa, chập tối và gần sáng(?!)”.
Lũ quét giữa mùa hè
Dự án chăn nuôi bò Bình Hà xây dựng trên địa phận hành chính xã Cẩm Quan, tuy nhiên hệ thống xử lý chất thải lại đổ sang đất xã Cẩm Mỹ nên cũng dễ hiểu khi lãnh đạo xã Cẩm Mỹ ngồi hàng tiếng đồng hồ với PV để “tố” những hệ lụy do Cty Bình Hà gây ra cho người dân địa phương.
Vị lãnh đạo này mệt mỏi nói: “4 năm (2012 - 2015) xã vận động dân chuyển đổi 2 lần. Một lần chuyển sang trồng cao su, một lần chuyển sang nuôi bò. Cả 2 lần đều thất bại. Diện tích đất chuyển sang nuôi bò là bát cơm manh áo của người dân, bây giờ xảy ra cơ sự thế này xã không biết ăn nói thế nào với bà con”.
Theo vị lãnh đạo xã Cẩm Mỹ, khoảng đầu tháng 9 trong khi đi kiểm tra ông phát hiện Cty Bình Hà vẫn phơi phân giữa bãi đất trống, không có mái che. Ngoài ra, một số hồ chứa không có mái che, khi trời mưa chắc chắn nước phân sẽ tràn ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm.
“Tháng 10/2016 lần đầu tiên trong lịch sử trên địa bàn Cẩm Mỹ xảy ra lũ quét, cuốn trôi nhiều cầu cống, kênh mương nội đồng, hoa màu; gây ngập lụt hơn 200 hộ dân. Thậm chí giữa mùa hè năm 2017 lũ cũng gây ngập một số hộ dân ở thôn 1. Tôi khẳng định 100% là do Cty Bình Hà, bởi mấy trăm ha trong vùng dự án trước đây là rừng phòng hộ đã bị chặt để trồng cỏ, xây dựng cơ bản”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
|
Phân bò vẫn phơi mưa phơi nắng trong khu vực trại bò xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên |
Ngoài gây ô nhiễm môi trường, lãnh đạo xã Cẩm Mỹ cho rằng, việc phối hợp quản lý giữa Cty với chính quyền địa phương không có. Mặc dù dự án xây dựng trên phần đất của Cẩm Mỹ nhưng họa hoằn lắm lãnh đạo Cty mới xuất hiện. Hầu hết các cuộc làm việc đều ủy quyền, hoặc cử cấp dưới không có quyền quyết định đứng ra đàm phán. Thậm chí, nhiều cuộc họp do lãnh đạo tỉnh, huyện chủ trì, mời năm lần bảy lượt nhưng cán bộ Cty đến dự họp cấp cao nhất cũng chỉ là... cấp phó.