Tìm đường cho cá tra "Bắc tiến", xây dựng nghề cá có trách nhiệm nếu không muốn bị "thẻ vàng"
17:26 - 02/11/2017
Lần đầu tiên, một hội chợ chuyên về cá tra quy mô lớn được tổ chức tại Hà Nội như một bước thăm dò thị trường để thúc đẩy tiêu thụ nội địa; những con số thiệt hại do thiên tai gây ra trong một hội thảo được tổ chức trong tuần qua khiến ai cũng giật mình. Thông tin EU có thể rút thẻ vàng với Việt Nam nếu không sớm cải tiến nghề đánh bắt thủy hải sản cũng được nhiều người chú ý.
 

Mở đường cho cá tra "Bắc tiến"

Chỉ với diện tích nuôi khoảng 5.000ha nhưng sản lượng cá tra đã đạt trên 1 triệu tấn, kim ngạch XK trên 1,7 tỉ USD, và là ngành hàng thủy sản XK chủ lực lớn thứ 2 của nước ta sau tôm nước lợ.

Hiếm có con thủy sản nào cho năng suất, giá trị và dễ nuôi như con cá tra. Cá tra đã từng một thời là con làm giàu cho nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian gần đây, giá cá tra có lên xuống nhưng tiềm năng để nuôi trồng, chế biến cá tra còn rất lớn.

Đến nay, với hơn 40 chủng loại sản phẩm giá trị gia tăng đã được chế biến từ cá tra, con cá tra Việt Nam đã được XK sang hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên ở thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường phía Bắc nước ta, các sản phẩm cá tra vẫn đang là mặt hàng rất mới mẻ, thậm chí xa lạ với nhiều người.

Theo các DN xuất khẩu cá tra, gần đây, Trung Quốc cũng là thị trường có sức hút rất lớn về tiêu thụ cá tra vì giá cả vừa phải, vận chuyển sang Trung Quốc khá gần, tiết giảm được chi phí. Vì vậy, hiện một số DN xuất khẩu cá tra đã và đang chuyển mạnh việc XK sang thị trường Trung Quốc. Nhất là gần đây, việc Hoa Kỳ áp dụng đạo luật Farm Bill tăng cường kiểm soát đối với sản phẩm cá da trơn cũng đang khiến nhiều DN khó khăn, tụt giảm mạnh về số lượng các lô hàng XK sang thị trường truyền thống này.

Trong bối cảnh đó, Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam chính là sự kiện có tính chất đòn bẩy cho chiến lược khai thác thị trường nội địa cũng như thị trường Trung Quốc nhằm từng bước đa dạng hóa thị trường cho mặt hàng cá tra, tránh để con cá tra bị phụ thuộc quá lớn vào một hay vài thị trường. Nói cách khác, chính chúng ta phải tạo thị trường tại chỗ, không nên chỉ trông chờ vào xuất khẩu.

Du khách trải nghiệm làm nhà nông

Đó là mô hình nông nghiệp phục vụ du lịch mà TP.HCM đang quan tâm đẩy mạnh, được mang ra bàn bạc tại hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại TP.HCM”, do Sở Du lịch kết hợp cùng Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM tổ chức sáng ngày 5.10.

Bà Phan Yến Ly, Trưởng phòng Điều hành khối du lịch quốc tế - Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, đề xuất 2 chương trình tour: “Củ Chi - Chiến tranh và hòa bình”, “Màu xanh và sức sống trên vùng đất thép Củ Chi” nhằm đưa du khách tìm hiểu đời sống thường nhật của người dân, nhất là cựu chiến binh hơn 40 năm sau chiến tranh. 

Với Cần Giờ, du khách sẽ được tham quan làng Hàu, làng Yến, để tận mắt tìm hiểu quy trình nuôi thủy sản; nuôi, thu hoạch và sơ chế tổ yến qua tour “Có một Sài Gòn rất khác”. Ngoài ra, còn có các chương trình tour dành cho học sinh, sinh viên VN đến tham quan kết hợp nghiên cứu các giai đoạn, quy trình trồng trọt, chăn nuôi tại nhiều điểm đến trên địa bàn TP.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, đánh giá du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP còn rất nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, khá ngạc nhiên khi có đến 30% dân số ở Sài Gòn không biết TP.HCM có biển, không biết những khu nông nghiệp công nghệ cao hằng năm đón hơn 10.000 khách, có những điểm sinh thái, nhà vườn, nông trại xanh ở ngay Q.9, Q.12, các huyện: Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn... mà họ có thể đến trải nghiệm không khí trong lành, mua nông sản sạch và nghỉ dưỡng sau một tuần làm việc bận rộn.

Thiên tai cướp đi 40.000 tỷ đồng trong năm 2016

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Thảm hoạ thiên tai lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng tăng cường về cường độ, tần suất, gây nhiều tổn thất lớn về người và thiệt hại cho nền kinh tế

Cụ thể, trong năm 2016, thiên tai đã gây tổng thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, thiệt hại từ thiên tai cũng xấp xỉ 50% của năm 2016. Tính chung trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người; thiệt hại về GDP bình quân hàng năm 20.000 tỷ đồng (chiếm 1-1,5% GDP).

Chia sẻ kỹ hơn về vai trò của công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ông Hirotada Matsuky, Giám đốc Bộ phận quan hệ quốc tế, Phòng Quy hoạch sông ngòi, Cục Quản lý sông ngòi và Phòng chống thiên tai Nhật Bản cho biết, ở Nhật Bản, chi phí đầu tư cho phòng ngừa, nghiên cứu và phát triển chiếm tỷ lệ rất lớn trong đầu tư cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai chủ yếu do địa phương thực hiện với sự hỗ trợ của chính quyền quốc gia để phát triển bền vững ở cấp địa phương/quốc gia. Địa phương chịu trách nhiệm chính trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và người dân. Trung ương có thể hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính. 

Quyết liệt hành động để xây dựng nghề cá có trách nhiệm, bền vững

Đã qua thời điểm 30/9 – thời hạn mà Liên minh Châu Âu (EU) dự định xem xét rút thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam nếu chúng ta không khắc phục được 5 nhóm nội dung mà EU cảnh báo và yêu cầu chúng ta khắc phục. Trao đổi về nội dung này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Đến nay, chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan chức năng thì EU nói là “đang xem xét”. Nhưng “đang xem xét” không có nghĩa EU sẽ không rút thẻ vàng với Việt Nam. Trong khu vực ASEAN, Campuchia đã bị thẻ đỏ, Philippin và Thái Lan đã bị EU rút thẻ vàng. Đối với Việt Nam, EU đã khuyến cáo từ năm 2012-2013, trong năm 2016 và 2017 EU liên tiếp cử các đoàn sang kiểm tra và cảnh báo chúng ta. Gần đây nhất, EU có cảnh báo: Đến 30/9/2017, chúng ta không khắc phục được 5 nhóm khuyến nghị của EU liên quan đến IUU, gồm hoàn thiện các thể chế; tổ chức, thực thi đánh bắt trên biển để đảm bảo làm sao chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; giám sát các tàu khai thác gắn với truy xuất nguồn gốc.

Một vấn đề nữa là tàu cá, ngư dân của chúng ta đi đánh bắt bất hợp pháp vùng biển các nước. Đây là vấn đề trọng tâm không chỉ EU và các nước liên quan cảnh báo, nhắc nhở chúng ta nhiều và thậm chí các diễn đàn quốc tế hoặc các cuộc gặp song phương, chúng ta cũng bị các nước, tổ chức lên án.

Theo ôn Tám, khuyến nghị của EU rất phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay và chúng ta cũng sửa Luật Thủy sản theo hướng này. Có nghĩa là, những nội dung trong Luật Thủy sản tới đây sẽ nhấn mạnh đến điều tra nguồn lợi cũng như khai thác nguồn lợi dựa trên trữ lượng và sản lượng tối đa cho phép. Với một số nghề chúng ta thấy không có lợi cho bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì chúng ta cũng khuyến cáo ngư dân chuyển đổi sang những nghề khác thân thiện hơn. Chúng ta cũng tổ chức cấm khai thác theo mùa, khu vực và đối tượng – những đối tượng nào cạn kiệt, suy giảm nhiều thì chúng ta sẽ có thời gian cấm, đặc biệt mùa sinh sản của thủy sản thì chúng ta phải cấm biển để khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản như các nước trong khu vực và trên thế giới hiện nay đang làm.


 


 


Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo