Hoàn thiện hệ thống phân phối nông sản: Cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng
17:26 - 02/11/2017
Một số nông sản Việt hiện đang đứng vị trí hàng đầu thế giới về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu có thể kể đến như: gạo, thủy sản, cà phê, hồ tiêu, hạt điều... Bên cạnh đó, các nông sản thiết yếu như: rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống có khả năng cung ứng với khối lượng lớn và chất lượng khá ổn định. Tuy nhiên, hệ thống phân phối hàng nông sản kể cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đang tồn tại nhiều bất cập.
Theo các chuyên gia kinh tế, hệ thống phân phối nông sản Việt hiện tồn tại quá nhiều khâu trung gian. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua nông sản tại Siêu thị Co.op mart

Mua đứt, bán đoạn

Ở thị trường nội địa, nhà sản xuất luôn phải đối mặt với tình trạng “được mùa, mất giá”; nhà phân phối bị động vì hàng hóa cung ứng lệ thuộc vào mùa vụ, thời tiết. Về phía người tiêu dùng phải chi trả quá cao so với giá gốc trong khi hàng nông sản thiếu sự kiểm soát chất lượng. Đối với hệ thống phân phối hàng nông sản xuất khẩu, tình hình “mua đứt, bán đoạn” luôn diễn ra, các tác nhân trong chuỗi sản xuất hầu như không hề biết sản phẩm của mình sẽ đi đâu, về đâu.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do kênh phân phối nông sản hiện nay có quá nhiều tác nhân và thiếu liên kết với nhau. Theo ông Trần Thế Như Hiệp, Viện Kinh tế-Xã hội TP Cần Thơ, rau an toàn trên địa bàn TP Cần Thơ được phân phối ra thị trường thông qua 3 kênh chính. Thứ nhất, nông dân - người thu gom - thương lái - người bán sỉ (vựa) - người bán lẻ - siêu thị - người tiêu dùng. Đây là kênh phân phối phổ biến nhất với 78,2% lượng rau an toàn được bán ra và có đầy đủ các tác nhân cùng tham gia. Thứ 2 là nông dân - thương lái -người bán lẻ - người tiêu dùng, chiếm khoảng 17,5% lượng rau. Thứ 3, một số ít nông dân bán trực tiếp rau an toàn cho người bán lẻ và không thông qua các khâu trung gian khác, chỉ chiếm 4,3% lượng rau. “Việc gia tăng các tác nhân trung gian trong kênh phân phối rau an toàn là nguyên nhân khiến chi phí marketing của kênh phân phối tăng lên, kéo theo giá trị gia tăng của toàn chuỗi cũng tăng. Đáng lưu tâm là sự gia tăng giá trị của chuỗi hoàn toàn là chi phí marketing không có bất cứ sự chuyển đổi giá trị sản phẩm nào của rau an toàn”- ông Trần Thế Như Hiệp nói.

Theo ông Phạm Nhật Trường, Phó Giám đốc Phòng Kinh doanh Hệ thống siêu thị Co.opmart, thời gian qua, nhằm mục đích tạo nguồn hàng ổn định, chất lượng cho hệ thống phân phối, Saigon Co.op đã đồng hành, hỗ trợ các hộ nông dân trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, với nhiều hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin, hỗ trợ hướng dẫn thực hiện trồng trọt, chăn nuôi theo đúng quy trình sản xuất đạt chứng nhận sản phẩm an toàn hay VietGAP. Tuy nhiên, quá trình phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng vẫn gặp nhiều bất cập như: sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở ở xa, thông tin giao dịch chậm không thuận tiện cho việc giao nhận hàng hóa; nguồn cung không ổn định do ảnh hưởng yếu tố thời vụ, thời tiết; thị trường biến động, lúc giá cao, nông dân không giữ giá bán sản phẩm...

Tái cấu trúc thế nào?

Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, những bất cập nói trên là thách thức lớn đối với hệ thống phân phối và bán lẻ nông sản Việt. Và để hoàn thiện hệ thống phân phối hàng nông sản trước hết phải từ việc quy hoạch, tổ chức lại sản xuất. Đây là điều kiện tiên quyết để giải quyết bài toán cung vượt cầu vào thời điểm chính vụ và khan hàng khi vào cuối vụ hoặc nghịch vụ. Theo ông Phạm Nhật Trường, Phó Giám đốc Phòng Kinh doanh Hệ thống siêu thị Co.opmart, các nhà sản xuất cần xây dựng kế hoạch lâu dài, đầu tư kỹ thuật cao nhằm tạo ra các sản phẩm mới, độc, lạ, có giá trị kinh tế cao, sản phẩm đặc sản... Các hộ nuôi, trồng lưu ý ngoài việc chọn lọc sản phẩm đầu tư theo xu hướng tiêu dùng, nên phân khu vực nuôi, trồng ra thành ao, vèo nhỏ để đáp ứng tốt nhu cầu của kênh phân phối lẻ.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và hình thành hệ thống phân phối hiện đại để làm cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Theo đó, ngành chức năng cần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng trong hệ thống phân phối để tạo điều kiện cho những nhà phân phối và bán lẻ tốt nhất ra đời. Đặc biệt, cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự hỗ trợ thực hiện các phương thức cung ứng dịch vụ, hợp đồng nông sản, thực hiện chuỗi phân phối hiện đại. Đồng thời, khuyến khích các cá nhân, tổ chức thành lập mạng lưới phân phối và bán lẻ mang tính quốc tế để phân phối và bán lẻ hàng nông sản Việt Nam. Đây là cách để thay thế dần phân phối hàng qua trung gian nước ngoài tốn nhiều chi phí và rủi ro cao.

Ông Bart Van Ahee, Giám đốc Công ty VAHOL B.V, Hà Lan, cho biết: “Hiện một hộp xoài cát Hòa Lộc (5kg) xuất sang châu Âu có giá 58 USD (tương đương 1,3 triệu đồng). Để bán được giá này, trong vòng 48 giờ sau khi hái khỏi cây, các trái xoài phải đến được châu Âu. Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản mà phải xây dựng được chuỗi cung ứng, phân phối và hậu cần hoàn thiện. Đồng thời, các tác nhân trong chuỗi cũng phải cộng đồng trách nhiệm để cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro”. Đồng quan điểm trên, đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, đề xuất các bộ ngành hữu quan thí điểm xây dựng đầu mối dịch vụ xuất khẩu cá tra. Đây là cách làm hữu hiệu không chỉ giảm đáng kể chi phí vận chuyển, dịch vụ mà còn loại trừ cạnh tranh nội bộ về giá, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng; làm giảm nguy cơ các vụ kiện chống bán phá giá và tạo cơ sở xây dựng thương hiệu quốc gia cho con cá tra Việt Nam.

Theo ông Trần Thế Như Hiệp, Viện Kinh tế-Xã hội TP Cần Thơ, đặc điểm sản xuất rau an toàn của người dân vẫn còn manh mún, sản lượng nhỏ lẻ, chưa thể sản xuất hàng hóa. Nông dân không thể cung ứng một số lượng lớn cho các đầu mối như vựa, siêu thị… Tình huống này đòi hỏi phải có sự tham gia của tác nhân thu gom để tập hợp sản phẩm. Do đó, để kênh phân phối rau an toàn phát triển bền vững cần phải chọn lựa kênh phân phối có ít tác nhân trung gian nhất. Cũng liên quan đến vấn đề các tác nhân tham gia vào hệ thống phân phối nông sản, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho rằng việc giảm tác nhân cùng tham gia vào hệ thống phân phối là cần thiết. Tuy nhiên, không thể ngày một, ngày hai có thể làm được mà phải có lộ trình phù hợp theo hướng giảm dần hoặc bỏ các khâu không cần thiết. Bởi bản thân người nông dân không thể làm ra sản phẩm rồi bán cho người tiêu dùng hoặc mang đi xuất khẩu được. Vấn đề làm làm sao để các tác nhân trong chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối cùng chia sẻ lợi nhuận, rủi ro…

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo