Ứng xử đúng với trên 2 triệu ha rừng nghèo kiệt
11:46 - 27/09/2017
Để trở thành nhà nước kiến tạo, việc sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng lần này cần xem xét tháo gỡ các rào cản và phát huy nội lực trong xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp nhanh và bền vững.

+ Tiết kiệm 59.000 tỷ, làm lợi cho xã hội hàng triệu tỷ

+ Cần sớm thay đổi quyền sở hữu rừng

rung163237807
Kiểm tra phát triển rừng gỗ lớn

Ngân sách nhà nước gặp khó, việc thắt chặt chi tiêu trở thành yêu cầu bức thiết. Chưa kể đến nhiều khoản nợ công kéo dài và có nhiều món nợ nước ngoài đến kỳ đáo hạn... cho nên có thể nói nguồn vốn Chính phủ đầu tư vào phát triển kinh tế nói chung và ngành lâm nghiệp trong thời gian tới sẽ khó khăn.

Để trở thành nhà nước kiến tạo, việc sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng lần này cần xem xét tháo gỡ các rào cản và phát huy nội lực trong xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp nhanh và bền vững.

Việc quy định “Sở hữu rừng” tại Điều 7: Khoản 1, quy định: “Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân, gồm có: a) Rừng tự nhiên; b) Rừng trồng do Nhà nước đầu tư; c) Rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng cho hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật”, và Khoản 2 quy định “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng”, là “rào cản lớn” đối với phát triển kinh tế lâm nghiệp bởi một số lý do sau đây:

Một là: Sẽ không khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong việc đầu tư bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên nghèo kiệt.

Bởi, nếu chủ rừng có đầu tư rừng tự nhiên nghèo kiệt hoặc khoanh nuôi tự nhiên từ đất trống trở thành rừng tự nhiên... thì cũng sẽ thuộc sở hữu của Nhà nước. Như vậy, các chủ rừng chỉ còn cách lựa chọn giải pháp là "cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt" (chẳng hạn chặt rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng rừng) và không có ý định đầu tư phát triển rừng tự nhiên.

Hai là: Gây áp lực về vốn để phát triển kinh tế rừng tự nhiên nghèo kiệt lên chủ rừng.

Nếu chọn giải pháp là cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt thì người dân phải chi phí cho mỗi ha cao hơn khoảng 25 triệu đồng so với giải pháp lâm sinh để phát triển rừng tự nghiên nghèo kiệt (trong đó 5 triệu đồng/ha chi cho tiền lập hồ sơ khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thực hiện các thủ tục hành chính, hội đồng thẩm định hồ sơ kỹ thuật cải tạo rừng... và 20 triệu đồng/ha cho việc mua cây giống, phân bón, đào hố, trồng rừng, chăm sóc rừng 3 năm đầu và tỉa thưa khi rừng khép tán...).

Ba là: Giảm hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường trong phát triển rừng tự nhiên nghèo kiệt.

Theo số liệu hiện trạng rừng năm 2016, ban hành kèm theo Quyết định 1819/QĐ-BNN-TCLN ngày 16/5/2017 của Bộ NN-PTNT, toàn quốc có 2.362.296ha rừng nghèo kiệt là rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng sản xuất. Để phát huy có hiệu quả diện tích rừng này, nếu nhà nước sở hữu “rừng tự nhiên” thì nhân dân sẽ không đầu tư phát triển rừng tự nhiên mà lựa chọn giải pháp cải tạo rừng. Như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường, làm hạn chế khả năng giữ nước của rừng, gây xói mòn, rửa trôi đất...; ngược lại nếu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được giao rừng lựa chọn giải pháp kỹ thuật lâm sinh làm giàu rừng tự nhiên nghèo kiệt ước tiết kiệm khoảng 59 nghìn tỷ đồng (tạm tính bình quân tiết kiệm 25 triệu đồng/ha cho việc chỉ áp dụng biện pháp kỹ thuật lâm sinh nuôi dưỡng rừng mà không cải tạo rừng). Ngoài ra thu nhập từ kinh tế rừng mang lại sau 5 năm làm giàu rừng tự nhiên nghèo kiệt đạt khoảng 50 đến 100 triệu đồng/ha sẽ tạo nguồn thu nhập đáng kể cho hàng triệu hộ gia đình sống tại khu vực nông thôn, miền núi, sinh lợi cho kinh tế xã hội hàng triệu tỷ đồng.

Từ thiệt hại nặng nề về kinh tế, tính mạng con người do thiên tai gây ra thời gian gần đây, nhất là xu hướng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, khẳng định: Vai trò của ngành Lâm nghiệp không những đóng góp giá trị kinh tế cho sự phát triển của đất nước mà còn có vai trò quan trọng trong việc duy trì, điều tiết nguồn nước, bảo vệ các công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi, thủy điện... làm nền tảng để các ngành kinh tế khác phát triển; việc kinh doanh rừng tự nhiên là hướng sản xuất bền vững cần được khuyến khích phát triển.

Từ một số vấn đề nêu trên, chúng tôi đề xuất sửa đổi Điều 7 về sở hữu theo hướng: Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với rừng tự nhiên “là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; rừng tự nhiên là rừng sản xuất có trữ lượng trung bình trở lên khi giao cho các thành phần quản lý”; đối với rừng tự nhiên là rừng sản xuất có nguồn gốc từ rừng tự nhiên nghèo kiệt hoặc đất trống được chủ rừng đầu tư thành rừng có giá trị kinh tế thuộc sở hữu của chủ rừng.

NGUYỄN TRỌNG QUYỀN (PGĐ Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên - Thanh Hóa)
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo