Thiệt hại từ sản xuất nông nghiệp không theo quy hoạch
15:07 - 22/08/2017
(TNNN)- Thời gian qua, việc tự phát mở rộng diện tích cây trồng ngoài quy hoạch tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương. Đây là căn nguyên tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nguồn cung nông sản vượt cầu, sản phẩm dư thừa, nông dân thiệt hại lớn về kinh tế, cạn kiệt tài nguyên đất, nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Tự phát và "phá rào" quy hoạch là hai vấn đề lớn đang đặt ra nhiều thách thức đối với sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay. 
Tự phát mở rộng diện tích cây trồng ngoài quy hoạch tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương


Ngành cà phê là một ví dụ điển hình. Thống kê tại các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, năm 2016 đã có 30.000ha cà phê bị phá bỏ để trồng hồ tiêu và các loại cây khác. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết: Dự kiến sản lượng cà phê niên vụ này sẽ giảm 20-30%. Việc chặt bỏ cà phê thay thế bằng cây trồng khác sẽ gây ra những hệ lụy nặng nề như: Phá vỡ quy hoạch, dễ gây nhiễm bệnh chéo, giảm năng suất - chất lượng cây trồng...
 
 
Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích cây cà phê trên toàn tỉnh Đắk Lắk là 170 ngàn ha, hồ tiêu 15 ngàn ha... Ông Lê Văn Thành - Chi cục trưởng Chi cục Chi Cục Trồng trọt và Bảo Vệ Thực Vật (thuộc Sở NNPTNT) nêu con số, tính đến năm 2016, diện tích cây cà phê đã đạt đến 203 ngàn ha, hồ tiêu đạt hơn 27 ngàn ha… như vậy quy hoạch các vùng trồng cây công nghiệp của tỉnh đã “vỡ trận”. Cũng theo ông Thành, mở rộng vùng quy hoạch luôn đi đôi với rủi ro cho nông dân nhưng hiện nhiều huyện vẫn xin được mở rộng vùng trồng trọt.
 
 
Tại tỉnh Khánh Hòa, giá sầu riêng tăng đột biến khiến nông dân đua nhau mở rộng diện tích trồng loại cây này. Đơn cử tại huyện Khánh Sơn hiện có tới gần 500ha sầu riêng. Mặc dù từ cuối năm 2016, huyện khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích loại cây trồng này ở những khu vực nằm ngoài vùng quy hoạch như: Đất lâm nghiệp, khu vực có độ dốc cao, xa nguồn nước tưới. Song từ cuối năm 2016 đến nay, giá sầu riêng liên tục tăng khiến nông dân không chỉ tự phát mở rộng diện tích ở những khu vực thấp, mà còn trồng ở cả những khu vực đồi cao, đất lâm nghiệp khiến người dân phải đối diện với nguy cơ thiếu nước tưới do hạn hán kéo dài như những năm trước. Thực trạng trên cũng đang xảy ra tại một số huyện khác của tỉnh Khánh Hòa.
 
 
Còn tại các tỉnh Tây Nguyên, diện tích trồng sắn tăng mạnh trong những năm gần đây đang trở thành nỗi lo của các nhà quản lý. Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có hơn 400.000ha sắn, riêng các tỉnh Tây Nguyên có 160.000ha. Nhiều diện tích được quy hoạch trồng ngô lai, bông vải nay nông dân đã tự phát chuyển sang trồng sắn khiến sản lượng sắn tăng mạnh. Chẳng hạn như tỉnh Gia Lai, đến nay các nhà máy chế biến chỉ tiêu thụ được 40% sản lượng sắn toàn tỉnh. Số còn lại trôi nổi trên thị trường, bị tư thương ép giá, nông dân thiệt hại lớn về kinh tế.
 
 
Theo Bộ NN&PTNT, hiện còn nhiều loại cây trồng đang vượt quy hoạch ở hầu hết các địa phương như: Dưa hấu (Quảng Ngãi), hành tím (Sóc Trăng), thanh long (Bình Thuận), mía tím (Hòa Bình)…
 
 
Không chỉ riêng trồng trọt mà chăn nuôi cũng vậy. Từ thời điểm trước Tết Nguyên đán 2017 đến nay, giá lợn thịt giảm kỷ lục, từ 57.000 đồng/kg, xuống còn 30.000 đồng/kg. Đây là hệ lụy của tình trạng tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi khi thấy giá lợn xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc tăng cao, bất chấp khuyến cáo của nhiều chuyên gia nông nghiệp về tiềm ẩn rủi ro. Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc tự ý tăng đàn, phát triển chăn nuôi lợn tự phát đã khiến cung vượt cầu.
 
 
Tình trạng sản xuất tự phát, không theo quy hoạch đã diễn ra trong nhiều năm nay. Việc bà con ồ ạt trồng khi giá lên cao hoặc tự ý chặt bỏ cây trồng khi giá thấp, bỏ qua các khuyến cáo của các cơ quan chức năng là thực trạng đã diễn ra ở nhiều địa phương. Thực trạng này dễ gây nên những hệ lụy dư thừa nguồn cung khiến giá xuống thấp, gây thiệt hại cho bà con nông dân mà việc rớt giá của thịt lợn, chuối, tiêu… trong những tháng đầu năm là một minh chứng.
 
 
Ngoài ra, việc tự ý mở rộng các loại cây trồng còn làm mất thương hiệu cho các sản phẩm mang tính chủ lực, được quy hoạch sản xuất. Cụ thể như việc cam Cao Phong (Hòa Bình) vốn là sản phẩm có thương hiệu, được người tiêu dùng cả nước tin tưởng, tuy nhiên nhiều địa phương thuộc tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh nông dân tự ý phá bỏ vải trồng cam khiến chất lượng giống cam này kém, khi tiêu thụ tại thị trường thương lái lại mượn mác cam Cao Phong, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu sản phẩm.
 
 
Rõ ràng hiện nay, người nông dân phá quy hoạch là do họ cũng đang mông lung, không biết nên trồng gì, chủ yếu là bắt chước lẫn nhau. Thứ hai, thông tin quy hoạch hiện nay còn chậm, dẫn đến tình trạng địa phương không biết thực hiện theo quy hoạch gì, địa phương nào cũng nghĩ mình đang nằm trong quy hoạch.
 
 
Thực tế, việc định hướng và quy hoạch các vùng sản xuất cây trồng được Bộ NN&PTNT đề ra có ý nghĩa quan trọng. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Quy hoạch các loại cây trồng được Bộ tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở tài nguyên, khí hậu từng vùng. Đặc biệt, quy hoạch có xem xét đến từng vùng, từng sản phẩm cũng như thực trạng, nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới, qua đó đưa ra bài toán về diện tích, sản lượng cũng như các giải pháp kỹ thuật, lộ trình triển khai. Việc phá vỡ quy hoạch, tự phát mở rộng diện tích sản xuất sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế, làm suy kiệt tài nguyên đất, nước và tiềm năng xuất khẩu một số nông sản chiến lược.
 
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, quy hoạch vùng sản xuất với mục đích cuối cùng là bảo đảm phát triển ổn định, bền vững, mang lại lợi nhuận cho các bên tham gia, đặc biệt là tăng lợi nhuận cho người nông dân. Vì thế, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã nghiên cứu, khảo sát và ban hành “Quy hoạch các ngành hàng nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” khá bài bản và khoa học. Đến nay đã có 42 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu được phê duyệt và tổ chức thực hiện, trong đó có 24 quy hoạch trên phạm vi cả nước; 18 quy hoạch vùng, sản phẩm cụ thể.
 
 
Từ các bài học vừa qua, các cơ quan cũng phải rút kinh nghiệm trong việc nhanh chóng điều chỉnh các quy hoạch một cách linh hoạt, đề xuất với nhà nước không cứng nhắc trong việc thực hiện phê duyệt quy hoạch. Khi tín hiệu thị trường tốt, chúng ta nhanh chóng có biện pháp tuyên truyền xuống địa phương, để địa phương biết và điều chỉnh quy hoạch.
 
 
Thứ hai là thông tin thị trường kịp thời, để địa phương xác định tăng hoặc giảm quy mô sản xuất, hướng dẫn nông dân cho phù hợp.
 
 
Thứ ba, Bộ NN&PTNT xác định cần phải xây dựng thành công ba trục sản phẩm để tạo đột phá. Cụ thể, nhóm thứ nhất là sản phẩm chủ lực quốc gia gồm những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.
 
 
Nhóm thứ hai là các sản phẩm cấp tỉnh, Bộ sẽ cùng với các tỉnh phối hợp xây dựng những vùng nguyên liệu, xác định những đối tượng lợi thế của từng tỉnh, từ đó tập trung nhóm giải pháp tổng thể vào để đưa những mặt hàng này thành những mặt hàng chủ lực của địa phương, ví dụ như vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên, na dai Lạng Sơn, xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp)…tới đây sẽ được xây dựng theo hướng mỗi địa phương có 1 – 2 sản phẩm chủ lực.
 
 
Cuối cùng, nhóm sản phẩm vùng miền, gồm những đặc sản nhưng có quy mô nhỏ, sẽ được xây dựng và phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã theo mô hình “mỗi làng, xã một sản phẩm”.

Nhật Trung
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo