Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, bàn về giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới, nhiều đại biểu cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là hướng đi tất yếu. Nhưng, hiện tại khó khăn của NNCNC là không ít.
Tắc ở hạn điền và chính sách
Lâm Đồng là tỉnh đi đầu trong phát NNCNC, nhưng theo đại biểu Đoàn Văn Việt thì trong thời gian qua, ở Lâm Đồng, người trồng cà chua cũng có lúc phải bỏ cà chua chín rục trên cây vì giá quá thấp. Ngược lại, có một số nông sản khác được giá song mất mùa do tình trạng sâu bệnh hoành hành và chúng ta không kịp thời giải quyết, khắc phục. Trong tháng 4 vừa qua, Lâm Đồng có đến 11.000ha/14.000ha điều năng suất thấp do dịch bọ xít, muỗi hoành hành và gần như thất thu. Xảy ra tình trạng trên là do đa số bà con sản xuất quy mô nhỏ lẻ, tự phát không theo quy hoạch, trong khi công nghiệp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế dẫn đến giá trị nông sản thấp, thu nhập của một bộ phận nông dân chủ yếu vẫn là lấy công làm lời.
“Do đó, Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ và cụ thể hơn nữa để hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tạo bước chuyển biến trong sản xuất và kinh doanh nông sản như ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp đã từng đề xuất doanh nghiệp hóa nông dân, doanh nghiệp hóa nông nghiệp. Nội dung này, chính sách này hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII vừa qua để phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có các chính sách hỗ trợ nông nghiệp để khởi nghiệp, hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt phải có cơ chế để phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Đây là khâu quan trọng để giải quyết bài toán về giá trị hàng nông sản, một trong những giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán được mùa mất giá mà chúng ta thường gặp trong thời gian qua”, đại biểu Việt nhấn mạnh.
Theo đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam), Thủ tướng Chính phủ đã chủ động thực hiện bấm nút khởi động dự án khu nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam, tổ chức đối thoại với 2.000 doanh nghiệp và thực hiện triển khai 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư phục vụ cho quy trình sản xuất NNCNC. Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương có nhiều giải pháp như tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút sự tham gia của các đại sứ ở nhiều quốc gia, thu hút nhà đầu tư để nâng cao chất lượng cũng như tham gia mở rộng thị trường về phát triển nông sản…, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn một số khó khăn. Từ việc xây dựng, quản lý quy hoạch gắn với triển khai kế hoạch chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa được quan tâm đồng bộ và chưa có sự gắn kết trong tổ chức thực hiện. Việc ban hành, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số chính sách chưa đủ mạnh để hỗ trợ phát triển NNCNC và còn chậm so với yêu cầu. Cụ thể như chính sách tích tụ ruộng đất hiện nay vẫn chưa xác định được cơ sở pháp lý và chưa chỉ đạo cụ thể trên địa bàn cả nước, mới dừng lại ở việc thí điểm ở một số địa phương, nên còn gặp lúng túng khi thực hiện…
Đến chuyển giao công nghệ và quy trình sản xuất giống, quy trình canh tác, nuôi trồng còn hạn chế, chưa phát huy tối đa khả năng ứng dụng, chưa quan tâm nghiên cứu, dự báo và dự báo nguồn thông tin thị trường về sản phẩm, vẫn để tình trạng cung vượt quá cầu.
Lãi suất vay vốn làm NNCNC là 0,5- 1,5%
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) nhận định, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp. Cử tri Bình Phước và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh rất phấn khởi với chủ trương của Chính phủ khi triển khai gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng dành cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng trên thực tế việc triển khai gói tín dụng này gặp rất nhiều khó khăn.
Do vậy, đại biểu Hạnh đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường về giải pháp để các doanh nghiệp hợp tác xã nông nghiệp có thể sớm tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, Bộ trưởng sẽ tham mưu chính sách cụ thể gì để xóa bỏ cơ chế xin - cho hiện nay trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Chính phủ, các thành viên Chính đang phủ tập trung triển khai định hướng của Trung ương, của Quốc hội về việc chuyển dịch nông nghiệp mạnh hơn, nhanh hơn sang hướng nông nghiệp hàng hóa tập trung, với mục tiêu nòng cốt là đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai gói kích thích cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trị giá 100.000 tỷ đồng để khuyến khích các doanh nghiệp, các hợp tác xã, bà con nông dân tập trung đổi mới, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để sản xuất hàng hóa tập trung hơn, phù hợp với thị trường hơn.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã hoàn thành các bộ tiêu chí đánh giá nhóm sản xuất hàng hóa với đối tượng là các doanh nghiệp, các hợp tác xã và các nhóm hộ nông dân. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng vào cuộc. Đến nay, đã chỉ đạo được 8 ngân hàng thương mại với số vốn đăng ký là 120.000 tỷ đồng đưa vào chương trình này. Theo đó, từng đối tượng, từng quy mô, từng vùng sẽ được hưởng lãi suất của ngân hàng với mức chênh so với lãi suất thương mại bình thường trong doanh nghiệp là 0,5- 1,5%. Hiện, đã giải ngân được hơn 30.000 tỷ đồng cho các dự án, các doanh nghiệp, các khu vực sản xuất.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là bất kỳ khu vực nào có điều kiện ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở tiêu chí đã đưa ra thuộc các phân khúc, các quy mô cấp huyện, cấp tỉnh, vùng trọng điểm đều được áp dụng, chứ không phải xin cho. Còn trong quá trình thực hiện, nếu cần phải xúc tiến đầu tư, giới thiệu thông tin, cần cơ chế phối hợp thì các bộ sẽ sẵn sàng vào cuộc hỗ trợ”.
Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp công nghệ cao
Theo Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Tiêu chí xác định sẽ phân chia thành chương trình, dự án riêng, cụ thể:
Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chương trình tổng thể có mục tiêu chung, giải quyết chuỗi các vấn đề trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp, trong đó gồm các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là dự án sản xuất nông nghiệp phải đáp ứng được một trong các tiêu chí sau:
a) Dự án đầu tư thực hiện trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập khu;
b) Dự án trong vùng nông nghiệp ứng dụng nghệ cao đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định công nhận vùng;
c) Dự án của doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
d) Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khác không thuộc điểm a, b, c khoản này là dự án áp dụng các công nghệ được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường thuộc Danh mục quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
Dự án nông nghiệp sạch
Dự án nông nghiệp sạch là dự án sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
a) Dự án thực hiện tại các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu;
b) Dự án thực hiện tại các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
c) Dự án của doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Thông tư số 50/2011/TT-BNNPTNT ngày 15/7/2011 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg ngày 03/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
d) Dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp được cấp Giấy chứng nhận VietGAP theo Thông tư số 48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt;
đ) Dự án đầu tư mới vào sản xuất nông nghiệp sạch áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cấp quốc gia hoặc quốc tế tương đương (VietGAP, GlobalGAP, ASC, IMC…).
P.V
|