Số liệu về việc xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm những quy định về Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) vừa được cơ quan chức năng công bố, đã khiến cả xã hội ngơ ngác:
Cứ 10 vụ vi phạm thì chỉ có 2 vụ bị xử phạt. Mức phạt bình quân là 200.000 đồng/vụ (?).
10 vụ vi phạm, chỉ phạt 2. Nghĩa là chỉ có 20% số vụ vi phạm những quy định về VSATTP bị xử phạt. 80% còn lại chỉ nhắc nhở. Mức phạt bình quân 200.000 đồng/vụ, điều đó có nghĩa là có rất nhiều vụ chỉ bị xử phạt ở mức 50 đến 100 ngàn đồng. Tại sao mức xử phạt lại nhẹ hều như vậy? Trong khi theo quy định của pháp luật, thì mức xử phạt tối đa có giá trị gấp 7 lần giá trị của lô hàng vi phạm. Lô hàng vi phạm trị giá 1 tỷ, thì mức phạt tối đa là 7 tỷ đồng. Về thẩm quyền ra quyết định xử phạt, thì chủ tịch UBND cấp xã, phường có thể ra quyết định xử phạt tới 5 triệu đồng, còn chủ tịch UBND cấp quận, huyện, có thể ra quyết định xử phạt tới 50 triệu đồng.
Sản xuất, phân phối thực phẩm bẩn, độc, mang lại lợi nhuận cực lớn. Ví dụ gần đây nhất là vụ cơ quan chức năng bắt được lô thịt bò thối, không rõ nguồn gốc, với số lượng 4 tấn. 4 tấn thịt thối đó, thu gom chỉ hết vài chục triệu đồng. Nhưng nếu mang đổ cho các quán ăn, các cơ sở chế biến thịt bò khô... với giá chỉ 50 ngàn đồng/kg (chưa bằng ¼ giá thịt bò sạch), thì chủ hàng đã thu về 200 triệu.
Nếu theo quy định, thì mức phạt tối đa phải là 1,4 tỷ đồng. Nhưng cơ quan chức năng chỉ phạt chủ hàng có 14 triệu (bằng 1% mức phạt tối đa). Phạt như thế, khác gì gãi ngứa? Hay như những thùng “rượu đê” ở Bắc Ninh. Gọi là “rượu đê” bởi chúng được sản xuất ngay trên đê. 60 lít cồn công nghiệp hòa với 140 lít nước giếng khoan, được 200 lít rượu. Xuất bán tại đê mỗi lít 10 ngàn, đã có ngay 2 triệu, trong khi 60 lít cồn công nghiệp chỉ có giá chưa đến 500 ngàn đồng. Mỗi ngày, chủ sản xuất có thể xuất đi hàng ngàn lít “rượu đê” như vậy. Vậy mà mức phạt cho mỗi lần bắt được, chỉ vài ba trăm ngàn đồng...
Chính những mức phạt quá nhẹ như thế, đã khiến tình trạng sản xuất thực phẩm bẩn, độc, vi phạm những quy định về VSATTP càng ngày càng trầm trọng, trở thành một thứ Phạm Nhan (một viên tướng kiêm thầy phù thủy của giặc Nguyên) chặt đầu này, lại mọc ra đầu khác.
Hai câu hỏi được dư luận đặt ra trước những thông tin trên: Với 80% số vụ vi phạm bị nhắc nhở ấy, có phải do cơ quan chức năng “thương” những chủ cơ sở vi phạm không? Hay phải “có gì” mới được bỏ qua, chỉ nhắc nhở? Thứ hai, với những mức phạt quá nhẹ như trên, phải chăng có sự thương lượng giữa mức phạt tối đa với mức phạt thực tế. Phần chênh lệc đó thì “ăn chia”?
Đã là đầu Phạm Nhan, thì chỉ có thanh kiếm thần của đức thánh Trần mới chặt được vĩnh viễn, không thể mọc ra đầu khác. Nhưng, bao giờ thì chúng ta có được thanh kiếm ấy?