Thịt lợn là nguồn thực phẩm quan trọng trong bữa ăn hàng ngày và cũng là đối tượng nuôi chủ yếu của người Việt.
Mặc dù đóng vai trò lớn trong ngành chăn nuôi nhưng chăn nuôi lợn nông hộ hiện đang gặp nhiều khó khăn và đặt ra nhiều thách thức.
|
Chất lượng con giống (lợn) còn nhiều hạn chế |
Cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác tại Nghệ An, do giá lợn hơi bấp bênh, giá thành thức ăn chăn nuôi luôn ở mức cao nên từ lâu, gia đình bà Hà Thị Hương ở huyện Thanh Chương đã bỏ chăn nuôi lợn thịt, chuyển sang nuôi lợn nái. Tuy nhiên, cùng với việc giá lợn thịt hơi giảm sâu kỷ lục, lứa lợn vừa rồi, giá lợn con cũng chạm đáy khiến bà tỏ ra bi quan với chăn nuôi lợn.
Bà Hương cho biết, trước đây, nông dân chủ yếu sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi lợn, lãi không đáng là bao nhưng không bao giờ thua lỗ; chất lượng thịt thơm ngon, không lo ế ẩm. Khi chăn nuôi hướng công nghiệp “lên ngôi”, nhiều hộ chuyển hẳn sang sử dụng thức ăn công nghiệp. Cách chăn nuôi này nhàn nhã, lợn chóng lớn, tỷ lệ nạc cao hơn…nhưng không tận dụng được các phụ phẩm, sản phẩm nông nghiệp trong khi giá lợn luôn lên xuống thất thường. Thời điểm giá lợn hơi cao nhất lên đến tren 50 nghìn đồng/kg nhưng mỗi hộ nuôi 5 - 10 con lợn thịt, bán xong lứa lợn, cầm tiền đi trả tiền thức ăn chăn nuôi, tiền con giống, tính ra, lãi cũng chẳng đáng là bao.
“Thực tế chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ như hiện nay chỉ làm giàu cho đại lý thức ăn chăn nuôi và tư thương. Đó là chưa kể như thời điểm hiện nay, giá lợn hơi thấp quá, nhiều hộ dân khốn đốn. Vài năm lại đây, tôi bỏ hẳn nuôi lợn thịt, chuyển sang nuôi lợn nái với mục đích tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, thường thì chẳng bao giờ lỗ. Nhưng năm nay, mỗi con lợn giống gần chục kg xuất chuồng chỉ được trên 200 nghìn đồng cũng khó bán, tôi đang lỗ nặng. Đến nuôi lợn nái mà còn khốn đốn thì tôi nghĩ, chăn nuôi lợn nông hộ khó lòng tồn tại lâu dài”.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 900 nghìn con lợn. Trong đó, lợn thịt là 708 nghìn con; lợn nái 190 nghìn con... Tổng sản phẩm thịt của Nghệ An là 125.753 tấn lợn hơi/năm, đứng thứ 5 cả nước về chăn nuôi lợn. Trong số này, nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm trên 95% số lượng và sản lượng lợn. Chăn nuôi lợn nông hộ ở Nghệ An thực sự đang gặp khó và đặt ra quá nhiều vấn đề cần giải quyết.
Ông Ngô Đức Quỳnh, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nghệ An cho biết: “Đàn lợn địa phương hiện nay cần được cải tạo nguồn giống để được nâng cao tầm vóc từ đó nâng cao hiệu quả chăn nuôi cho nông hộ. Ngoại trừ các trang trại, doanh nghiệp lớn, nguồn giống nông hộ tiếp cận là giống địa phương cải tạo nhưng tầm vóc, năng suất rất thấp. Khi phát triển chăn nuôi nông hộ, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng ngày càng hiện diện và trở thành nỗi lo lớn.
|
Ông Ngô Đức Quỳnh: Chăn nuôi lợn nông hộ đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết |
Về lâu dài, chăn nuôi nông hộ khó lòng cạnh tranh được với hướng chăn nuôi tập trung, trang trại. Nghệ An đang hướng tới việc chuyển dần chăn nuôi ra xa khu dân cư; nhỏ lẻ sang tập trung; chuyển từ đồng bằng sang trung du miền núi; sử dụng bể khí sinh học hoặc đệm lót sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ưu tiên số 1 của Nghệ An là liên kết với doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, cung cấp đầu vào và bao tiêu đầu ra cho nông dân. Chỉ có như thế, chăn nuôi nông hộ mới tiếp tục tồn tại, sản phẩm có tính cạnh tranh cao…”.
Đó cũng là thực trạng chung của chăn nuôi lợn nông hộ tại Việt Nam hiện nay. Câu chuyện chăn nuôi này được chia sẻ tại Hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu về an toàn thực phẩm chuỗi giá trị chăn nuôi lợn quy mô nông hộ tại Việt Nam được Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) cùng ĐH Y tế Cộng đồng và Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức.
Sau 5 năm khảo sát và nghiên cứu tại 2 tỉnh Hưng Yên và Nghệ An, dự án đã chỉ ra nhiều vấn đề cho chăn nuôi nông hộ tại nước ta hiện nay. Điều tra cho thấy, mức biến động của thị trường và giá thức ăn chăn nuôi là quan tâm hàng đầu của các hộ chăn nuôi. Trở ngại chính trong chăn nuôi nông hộ hiện nay là chất lượng thuốc thú y, thiếu vốn và biến động thị trường; chất lượng và bảo quản thức ăn chăn nuôi; biến động giá thức ăn; an toàn sinh học trong chăn nuôi; công tác quản lý tỷ lệ chết ở lợn con; cung cấp nước uống cho lợn; phát hiện và kiểm soát dịch bệnh.
Thịt lợn là loại thịt tiêu thụ nhiều nhất tại Việt Nam trong số các loại thịt được tiêu thụ (chiếm 56%). Lượng thịt tiêu thụ trung bình của người Việt là 29,1kg/người/năm; 83% thịt lợn tiêu thụ có nguồn gốc từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ… |
Về phía người chăn nuôi, chuồng lợn hiện nay chủ yếu nằm trong khu dân cư (92%); tình trạng các giống lợn khác nhau trong chuồng, sự tiếp xúc giữa các đàn nhóm tuổi khác nhau, lợn ốm, lợn bị thương trong chuồng chiếm tỷ lệ cao…
Trong khi đó, có ô chuồng dành riêng cho lợn mới nhập về, người chăm sóc có bảo hộ lao động chiếm tỷ lệ rất thấp.
Việc tiêu độc khử trùng không được thực hiện thường xuyên; quản lý trại và thực hành an toàn sinh học còn hạn chế.
Hai bệnh quan trọng trong chăn nuôi lợn hiện nay tại Nghệ An là dịch tả và lở mồm long móng lại thiếu…
Phát biểu tại hội thảo, ông Fred Unger, điều phối viên dự án đến từ ALRI cho biết: “Dự án đã đưa ra được những đánh giá sâu rộng về tình hình an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh. Những kết quả nghiên cứu này là điều kiện cần thiết để đưa ra những giải pháp khả thi trong thời gian tới”.
|
Ông Fred Unger đánh giá cao kết quả nghiên cứu về ATTP chuỗi giá trị chăn nuôi lợn quy mô nông hộ tại Việt Nam |