Giá lợn hơi thấp nhất thế giới mà không người mua: Đâu là giải pháp?
Chưa bao giờ người chăn nuôi lợn rơi vào cảnh “bĩ cực” như hiện nay khi giá lợn hơi tuột dốc không phanh, đẩy người nuôi vào cảnh thua lỗ nặng, nhiều người đứng trước nguy cơ phá sản.
Trước tình thế đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã họp khẩn và kêu gọi sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Nhưng xem ra, đó chỉ là giải pháp tình thế.
Thực trạng ngành nuôi lợn
“Bỏ thì thương, vương thì tội” là tình cảnh chung của những người nuôi lợn trong thời điểm này. Bởi giá bán ra đã giảm chạm đáy, trong khi sức tiêu thụ chậm nên càng nuôi càng lỗ.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, mặt hàng thịt lợn (ngành đang chiếm tỷ trọng trên 70% thị phần các sản phẩm chăn nuôi cũng như cơ cấu tiêu dùng thực phẩm hàng ngày của người dân Việt Nam) đang phải đối mặt với những bất lợi rất lớn về thị trường. Giá lợn hơi loại tốt (trung bình từ 100 – 110 kg/con) đã xuống thấp dưới 28.000 đồng/kg, có nơi xuống dưới 25.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là trong những tháng mùa hè sắp tới. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và cũng đang là giá thấp nhất thế giới hiện nay. “Nếu tình trạng này kéo dài thì phần lớn các hộ chăn nuôi và ngay cả những hộ trang trại lớn cũng sẽ không trụ được, kéo theo nhiều hệ lụy đối với các hoạt động kinh doanh đầu vào của ngành chăn nuôi, nhất là đối với các hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, việc khôi phục lại sản xuất chăn nuôi lợn cũng sẽ rất khó khăn do suất đầu tư cho chăn nuôi lợn cao (trung bình từ 15 - 25 triệu đồng/nái), chu kỳ sản xuất dài, từ 15 - 20 tháng.
Thực tế, vấn đề phát triển nóng của ngành chăn nuôi lợn hiện nay đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cảnh báo từ lâu, ngay trong những thời điểm mà giá lợn hơi đang ở mức trên 50.000 đồng/kg, nhưng người dân và các doanh nghiệp vẫn mở rộng quy mô chăn nuôi.
Có thể thấy, trong vòng 20 năm qua, sản lượng thịt đã tăng trên 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn, cả nước hiện có 3,2 triệu con lợn. Không chỉ phát triển quá nóng ngành chăn nuôi lợn hiện nay vẫn chủ yếu ở quy mô hộ gia khi có tới 55% nuôi ở quy mô vừa và nhỏ, 45% quy mô trang trại. Các khâu trong quá trình sản xuất rời rạc, dẫn đến khi thị trường có rủi ro tạo khó khăn cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ vẫn theo kiểu truyền thống, đó là bán thịt tươi, tổ chức thị trường nội địa và xuất khẩu (XK) yếu kém. XK mới chỉ tập trung ở một số ít thị trường như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, hầu hết các thị trường lớn chúng ta chưa tiếp cận được. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thịt lợn rất lớn, tuy nhiên, chúng ta cũng chưa tiếp cận được thị trường này theo đường chính ngạch.
Doanh nghiệp vào cuộc
Trước sự khó khăn của người chăn nuôi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã kêu gọi sự vào cuộc, chia sẻ của các doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi (TACN). “Thậm chí lúc này doanh nghiệp bán hàng không cần lấy lãi. Trong lúc này phải có trách nhiệm chia sẻ với người nuôi, đây cũng là biện pháp nuôi dưỡng thị trường lâu dài”, ông Cường nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam, tính toán, hiện nay, giá TACN khoảng 9.000 đồng/kg, 4 kg thức ăn mới được 1kg thịt hơi, và với giá bán như hiện nay thì chắc chăn người chăn nuôi lỗ nặng. Do đó, các DN TACN cần chia sẻ những khó khăn hiện tại với người nông dân. Bên cạnh đó, nhà nước cần đẩy mạnh khơi thông thị trường XK.
Trong buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT bàn về các giải pháp cấp bách cứu ngành chăn nuôi được tổ chức mới đây, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TACN cũng đã có những cam kết cụ thể để chia sẻ với khó khăn của người chăn nuôi như: giảm giá cám, khoanh nợ giãn nợ cho người chăn nuôi, người kinh doanh và các đại lý TACN, tăng cường năng lực thu mua dự trữ, chế biến thu mua, giết mổ cấp đông, mở rộng thị trường thịt lợn.
Ông Võ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, cho biết: Để giải cứu thịt lợn cho người chăn nuôi, CP đã tăng cường bán thịt lợn heo theo miếng, chế biến thành xúc xích, thuê kho cấp đông, tăng cường chế biến sâu. Công ty cũng cam kết với Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ có hành động giảm ngay giá thành đầu vào trong chăn nuôi như TACN, thuốc thú y, con giống…
Theo ông Phạm Văn Học, Phó tổng giám đốc Công ty DABACO, để chia sẻ gánh nặng này với người chăn nuôi, công ty đã có động thái giảm giá TACN từ 5-7%, giảm giá bán con giống, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi, không để dịch bệnh xảy ra. Về lâu dài, DABACO kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần xây dựng hệ thống thông tin thị trường để cảnh báo cho người chăn nuôi và các DN, đồng thời ngừng ngay việc nhập khẩu thịt để bình ổn thị trường trong nước.
Đánh giá cao sự vào cuộc của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, để cứu ngành chăn nuôi lợn, cần thực hiện một số nhóm giải pháp trước mắt như: Giảm giá thành đầu vào của quá trình sản xuất, nhất là giá thành và giá bán TACN, thuốc thú y bởi hiện nay giá TACN vẫn còn cao. So với cùng kỳ năm ngoái, giá TACN trong tháng 4/2017 tăng nhẹ.
Các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi tiết kiệm chi phí nhưng tuyệt đối không lơ là chăm sóc, quản lý dịch bệnh và kiểm soát thật chặt việc tăng đàn bằng biện pháp loại thải mạnh những lợn nái kém chất lượng, lợn sơ sinh không đạt phẩm chất giống.
Các bộ liên quan cần phối hợp đẩy nhanh các biện pháp đàm phán tìm thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn ở cả khu vực biên mậu và chính ngạch.
Về giải pháp lâu dài, triển khai các biện pháp tổng thể, trong đó có giải pháp áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là chế biến thịt để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đề nghị các địa phương tiến hành rà soát điều chỉnh hạn chế mở mới các cơ sở chế biến TACN công nghiệp (hiện tổng công suất các nhà máy có đăng ký kinh doanh đã đạt trên 31 triệu tấn, vượt xa so với dự kiến kế hoạch định hướng đến năm 2020 là 25 triệu tấn); giảm quy mô đàn lợn, nhất là đàn lợn nái từ 4,2 triệu con hiện nay xuống còn 3 triệu nái vào năm 2019. Tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, các hiệp hội, hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng.