|
Thiếu quỹ đất để trồng cỏ làm nguồn thức ăn thô xanh cho bò là khó khăn rất lớn đối với phát triển đàn bò sữa tại Hà Nam. |
Tại huyện Ba Vì (TP. Hà Nội), những năm qua, chăn nuôi bò sữa chủ yếu theo hình thức hộ gia đình, bình quân mỗi hộ dân nuôi 5 - 6 con, một số hộ dân có quy mô từ 20 - 30 con. Nhờ đó, nhiều gia đình có thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm, giúp xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trên chính quê hương mình. Tuy nhiên, cuối năm 2016, giá sữa sụt giảm… khiến hàng trăm hộ nông dân nuôi bò sữa phải đổ sữa ra đường, cay đắng bán bò sữa với giá bằng bò thịt và chuyển đổi sang nuôi lợn, gà do giá sữa thu mua rẻ mạt: 1 lít sữa tươi chỉ ngang 1 lít nước lọc đóng chai. Tính đến tháng 11/2016, đàn bò sữa của huyện chỉ còn 7.630 con, giảm 1.677 con so với tháng 6/2015. Người dân cho biết, để đầu tư, họ phải mua một con bò sữa với giá hơn 60 triệu đồng, nhưng khi bán tháo chỉ bằng giá bò thải thịt, khoảng hơn 30 triệu đồng/con. Nhưng nếu tiếp tục giữ đàn bò sữa thì sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Người chăn nuôi bò sữa huyện Ba Vì (TP.Hà Nội) chủ yếu bán sữa cho 2 đơn vị là Công ty cổ phần sữa Quốc tế (IDP) và Công ty cổ phần sữa Ba Vì. Theo giá thu mua được Công ty cổ phần sữa Quốc Tế và Công ty cổ phần sữa Ba Vì thông báo, mỗi lít sữa sẽ được mua với giá 10.200 đồng/ lít. Nhưng thực tế chỉ có rất ít gia đình bán được sữa với giá này. Nông dân bán sữa phải trải qua rất nhiều hàng rào kỹ thuật về chất lượng. Nếu vướng vào tiêu chí nào đó không đạt thì giá sữa sẽ bị đánh tụt xuống.
Tại xã Châu Pha, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu- địa phương có đàn bò sữa nhiều nhất của tỉnh cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khi giá sữa bấp bênh, đầu ra không ổn định. Toàn xã hiện còn 14 hộ nuôi bò sữa với tổng đàn 265 con. Người chăn nuôi hiện hoàn toàn phụ thuộc vào các chủ thu mua, từ việc định lượng, phân loại sản phẩm đến mức giá thu mua. Hiện toàn bộ sữa bò của các hộ chăn nuôi tại xã Châu Pha được 2 Công ty CP Sữa Bà Rịa-Vũng Tàu, gọi tắt là Vutamilk (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành) và Xưởng sản xuất Yaourt và Sữa Tươi thanh trùng HealthyMilk (TP. Bà Rịa-Vũng Tàu) thu mua khoảng 1.000 lít/ngày. “Sản lượng 2 công ty thu mua đã ít, khi mang đến điểm thu mua, trong đó sữa loại A chỉ chiếm khoảng 20%, với mức giá 12.000 đồng/lít, còn lại là loại B, C giá chỉ từ 8.000 đến 10.000 đồng/lít. Do không có khả năng bảo quản, sữa tươi chưa qua xử lý chỉ có giá trị trong 3 tiếng, nếu không bán cho thương lái thì chỉ có đổ bỏ, nên dù không có lãi bà con vẫn phải bán. Với giá này hầu hết người nuôi bò sữa đều không có lãi.
Trong khi đó, giá các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ chăn nuôi lại không ngừng tăng. Ông Nguyễn Văn Nhiệm, tổ 1, ấp Tân Lễ A cho biết, hiện nay giá thức ăn cho bò sữa tăng từ 160.000 đồng lên 185.000 đồng/bao/25kg. Để sữa ra đều, bò phải ăn đầy đủ khẩu phần và bổ sung cỏ, xác mì ủ lên men. Vì vậy, giá sữa bán phải từ 12.500 đồng/lít trở lên người nuôi bò sữa mới có lãi.
Bên cạnh đó, hơn 2 năm trở lại đây, việc phối giống cho bò sữa tại địa bàn cũng gặp khó khăn. Trước đây, huyện Tân Thành thực hiện đề án phát triển nhân rộng đàn bò sữa, việc phối giống do huyện hỗ trợ, tỷ lệ phối giống đạt 85%. Khi đề án kết thúc, người dân tự liên hệ phối giống, tỷ lệ đạt rất thấp.
Theo các hộ chăn nuôi, nguồn cỏ của địa phương rất ổn định, đảm bảo cung cấp đủ khi tăng đàn với số lượng lớn. Tuy nhiên, do giá sữa không ổn định, cùng với việc phối giống không đạt, nên người dân không đầu tư, bởi chi phí nuôi bò sữa rất tốn kém.
Tại Hà Nam, thiếu quỹ đất để trồng cỏ làm nguồn thức ăn thô xanh cho bò là khó khăn rất lớn đối với phát triển đàn bò sữa. Điển hình như hộ gia đình ông Lê Văn Chiểu, thôn Lỗ Hà, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên có 13 con bò sữa. Để đủ nguồn thức ăn thô xanh cho bò, ông Chiểu phải đến xã Trác Văn thuê đất của các hộ dân với giá 1 triệu đồng/sào/năm. Thuê hàng chục hộ gia đình mới gom được 3 mẫu đất, nhưng cũng nằm rải rác ở nhiều điểm khác nhau khiến chi phí sản xuất đội hơn nhiều so với dự tính ban đầu. Ở xã Liêm Túc (huyện Thanh Liêm), đại diện chính quyền cơ sở cho biết: Từ khi nhập bò sữa về, bò sữa của các hộ dân phát triển kém. Nguyên nhân là do chất lượng thức ăn thô, xanh không bảo đảm, xuất phát từ đất trồng có độ mặn cao, cỏ voi không phát triển được.
Theo Phó Cục trưởng Chăn nuôi Tống Xuân Chinh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên như: Quy hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa thực hiện còn chậm; hệ thống giống bò quốc gia chưa hình thành; diện tích đất canh tác để trồng cỏ cho bò sữa còn ít (170 nghìn ha); việc chế biến thức ăn thô xanh và phụ phẩm nông, công nghiệp cho bò sữa còn hạn chế; chưa thiết lập được hệ thống về kiểm soát chất lượng sữa tươi nguyên liệu và sữa thành phẩm; thiếu công nghệ bảo quản và chế biến sữa ở cả nông hộ và trang trại…
Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với sữa nguyên liệu nhập khẩu từ nhiều nước, hiện các công ty chế biến sữa đang áp dụng nghiêm ngặt các chỉ tiêu kỹ thuật, do đó khâu kiểm tra chất lượng phụ thuộc vào các trạm thu gom, nhưng khi có phát sinh, hộ chăn nuôi phải tự xử lý, thêm tốn kém.
Để đáp ứng cung - cầu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi bò sữa, nhiều chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong chăn nuôi, nhất là lập kế hoạch quỹ đất cho chăn nuôi gia súc lớn như trâu, bò. Đáng chú ý là khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào chăn nuôi bò sữa quy mô lớn áp dụng công nghệ cao, chế biến và kinh doanh ở tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sữa.
Ngoài ra, để bảo đảm lợi ích của người chăn nuôi, các nhà máy chế biến sữa cần thu mua sản phẩm với giá hợp lý theo nguyên tắc cùng có lợi. Đồng thời, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng sữa bảo đảm sự minh bạch và công khai.